Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội xử phạt hơn 5,3 tỷ đồng đối với các cơ sở vi phạm

Gia Phong| 24/05/2017 12:24

(HNMO) - Sáng 24-5, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Nguyễn Văn Sửu đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá công tác Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017.


Báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động vì ATTP, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, toàn thành phố đã tổ chức 657 đoàn thanh kiểm tra, trong đó thành phố có 13 đoàn, quận/huyện/thị xã có 60 đoàn, xã/phường/thị trấn có 584 đoàn. Kết quả kiểm tra hơn 22.300 cơ sở (tăng 450 cơ sở so với năm 2016), trong đó số cơ sở đạt là hơn 18.400 (chiếm tỷ lệ 82,4%). Tổng số cơ sở vi phạm là 3.587, trong đó có 1.236 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính (giảm 97 cơ sở so với cùng kỳ năm 2016) với số tiền phạt là hơn 5,3 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Chung đánh giá, UBND quận/huyện, xã/phường đã chủ động triển khai đầy đủ, đúng với chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2017. Công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm từ thành phố đến xã, phường được các đoàn thanh tra tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các đoàn, hạn chế tối đa sự chồng chéo, xử phạt nghiêm và kịp thời. 

Đặc biệt, việc xử phạt vi phạm hành chính ở tuyến xã/phường đã mạnh tay hơn so với cùng kỳ năm 2016. Mặt khác, lãnh đạo UBND quận/huyện, xã/phường đã trực tiếp đi kiểm tra các cơ sở. “Trước khi diễn ra Tháng hành động vì ATTP, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 29 trường hợp ngộ độc rượu methanol. Tuy nhiên, trong Tháng hành động vì ATTP trên địa bàn toàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, không có ca ngộ độc rượu do methanol”, ông Trần Văn Chung nói.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chung, trên địa bàn Hà Nội có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu thủ công còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc kiểm soát thực phẩm tươi sống, rượu pha chế từ các tỉnh khác về còn nhiều bất cập. Từ những kết quả đạt được trong Tháng hành động vì ATTP, thời gian tới, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố tiếp tục tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có triển khai các chuyên đề của ngành liên quan, như: Chuyên đề trọng tâm của ngành Y tế là tăng cường quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; Chuyên đề trọng tâm của Sở NN&PTNT là phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm tươi sống an toàn có kiểm soát; Chuyên đề trọng tâm của Sở Công Thương là về quản lý sản xuất rượu thủ công, rượu pha chế…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ghi nhận sự cố gắng của các cấp, các ngành, quận/huyện/thị xã trên địa bàn Thủ đô trong lĩnh vực quản lý ATTP. Nhờ sự vào cuộc tích cực, triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Hà Nội đã không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu trong Tháng hành động vì ATTP. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cho rằng chúng ta không được chủ quan. Dù Tháng hành động vì ATTP đã kết thúc nhưng các sở, ban, ngành, các quận/huyện của Hà Nội vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP và công tác thanh kiểm tra trong thời gian tới. Bởi cuộc chiến đấu chống thực phẩm “bẩn” là cuộc chiến lâu dài, bền bỉ và cần sự vào cuộc kiên trì trong nhiều năm. Phó Chủ tịch cũng cho rằng, ngoài việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác quản lý ATTP, tới đây, thành phố sẽ khen thưởng cả những công dân phát hiện những cơ sở vi phạm.

Dịp này, 32 tập thể và 32 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong Tháng hành động vì ATTP năm 2017.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xử phạt hơn 5,3 tỷ đồng đối với các cơ sở vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.