Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Tạo không gian sinh hoạt, vui chơi bổ ích

Minh Ngọc| 12/06/2017 06:26

(HNM) - Tìm không gian sinh hoạt, vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ em luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở của các bậc phụ huynh và toàn xã hội.


Xây dựng nhiều điểm vui chơi

Xã hội phát triển, đời sống nâng lên nên nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, nhất là trẻ em ngày một đa dạng, phong phú. Trong khi đó, đa số công viên, nhà văn hóa, sân chơi hiện có trên địa bàn Hà Nội vẫn còn thiếu trang thiết bị, đồ chơi, trò chơi miễn phí dành cho thiếu nhi; hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát an ninh bảo đảm cho trẻ vui chơi an toàn chưa được trang bị khiến các gia đình không yên tâm để con trẻ tự vui chơi.

Trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật.


Khắc phục những bất cập này, nhiều địa phương, đơn vị đã có nhiều cách làm hay. Quận Cầu Giấy đã huy động các nguồn lực xã hội xây dựng khu vui chơi cho trẻ em trong Công viên Cầu Giấy và Nghĩa Đô; xây dựng, cải tạo, nâng cấp hơn 500 điểm vui chơi, giải trí ở các tổ dân phố và trong trường học… “Hiện nay, thiết chế văn hóa công cộng trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi, sinh hoạt đa dạng của trẻ em”, ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy cho hay.

Được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, năm 2014, Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Phú (huyện Mỹ Đức) xây dựng sân chơi tại thôn Bơ Môi và Rộc Éo. Sau khi hoàn thành, sân chơi là địa điểm trẻ em dân tộc Mường đá bóng, luyện tập thể thao. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tặng khoảng 60 bộ thiết bị vui chơi cho các trường mầm non, khu dân cư và trung tâm bảo trợ xã hội. Cô giáo Đinh Thị Tố Doan (Trường Mầm non Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) cho rằng, vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ bậc mầm non, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về nhận thức, thể chất, kỹ năng xã hội và cảm xúc. Bởi vậy, việc hỗ trợ trang thiết bị vui chơi cho trẻ em là cần thiết, nên được nhân rộng.

Trong bộn bề công việc của một đô thị lớn, chăm lo chỗ chơi, sinh hoạt văn, thể, mỹ cho trẻ em luôn là một mối quan tâm lớn của thành phố. Theo Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, từ nay đến năm 2030, Hà Nội dự kiến có thêm 25 công viên; hệ thống công viên, vườn hoa hiện có sẽ từng bước được cải tạo, nâng cấp phù hợp với nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của nhân dân. Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, Mai Dịch… đang xây dựng trong các khu đô thị đều có không gian hiện đại dành cho thiếu nhi.

Tại buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã đầu tư sửa chữa Cung Thiếu nhi Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm; sẽ xây dựng mới Cung Thiếu nhi Hà Nội ở quận Cầu Giấy với diện tích 3,2ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Bên cạnh đó, UBND thành phố đang xem xét phê duyệt dự án công viên theo mô hình Nhật Bản tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ)…

Mở rộng không gian văn hóa đọc


Mong muốn mang đến đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú cho trẻ em, những năm gần đây, thành phố, các cấp, ngành đã tạo những điều kiện thuận lợi để hình thành thói quen đọc sách ở trẻ.

Ngoài Phố sách Hà Nội tại phố 19 tháng 12 (quận Hoàn Kiếm) và các hội sách tổ chức thường niên, thiếu nhi Thủ đô có rất nhiều nơi để đọc sách. Thư viện Hà Nội tại địa chỉ 47 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) và 2B Quang Trung (quận Hà Đông) có hàng vạn đầu sách, báo phù hợp với trẻ em. “Song song với hình thức phục vụ truyền thống, Thư viện Hà Nội thường xuyên tổ chức chương trình đọc sách, chiếu phim theo chủ đề, thi đố vui, vẽ tranh, nói chuyện về kỹ năng sống cho lứa tuổi vị thành niên, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc nhí”, bà Vương Thị Lý, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội cho hay. Trong kỳ nghỉ hè của học sinh hằng năm, hệ thống thư viện công cộng từ thành phố tới cơ sở tổ chức thi “Thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách hè”, góp phần tạo ra sân chơi tri thức cho trẻ em.

Để đưa sách tới vùng nông thôn, Thư viện Hà Nội đã thực hiện mô hình thư viện lưu động. Thứ bảy hằng tuần, xe lưu động chở hơn một nghìn đầu sách thiếu nhi và 6 máy tính đến các trường tiểu học vùng ngoại thành phục vụ trẻ em. Ước tính từ năm 2011 đến nay, thư viện lưu động đã phục vụ gần 20 vạn lượt học sinh khu vực ngoại thành. Mạng lưới thư viện cơ sở với hơn 200 thư viện xã, phường, thị trấn, gần 1.000 thư viện, tủ sách ở các cụm dân cư, thôn, làng hoạt động khá hiệu quả. Tại các gia đình và cơ sở kinh doanh, người dân mở thư viện miễn phí phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi cũng không ít.

Nhằm tạo thêm không gian văn hóa đọc cho trẻ em, mùa hè năm nay, đa số trường học trên địa bàn Hà Nội mở cửa thư viện để học sinh vào đọc sách báo, tài liệu. “Dành thời gian cho việc đọc sách, học sinh sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích, tránh xa nguy cơ bị bạo lực, xâm hại”, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội đánh giá.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tạo không gian sinh hoạt, vui chơi bổ ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.