Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hết thời “đến viện là xét nghiệm”?

Thu Trang| 01/07/2017 06:17

(HNM) - Từ hôm nay (1-7), việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ được thực hiện đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương của Bộ Y tế.


Việc các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau góp phần giảm thời gian và chi phí cho người bệnh. Ảnh: Bá Hoạt


Thiếu phòng xét nghiệm đạt chuẩn

Đánh giá về chất lượng xét nghiệm giữa các bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, mỗi năm các cơ sở y tế thực hiện khoảng 475 triệu các loại xét nghiệm hóa sinh, huyết học và vi sinh. Riêng năm 2016, các cơ sở y tế đã thực hiện 516 triệu xét nghiệm. Ở các bệnh viện tuyến trung ương, chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn bệnh viện tuyến tỉnh. Chính vì chất lượng của tuyến dưới còn hạn chế nên các bệnh viện tuyến trên e ngại, chưa tin tưởng khi sử dụng lại kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, do năng lực quản lý, trình độ nhân lực, trang thiết bị... giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến chưa đồng đều, khiến các phòng xét nghiệm không công nhận kết quả của nhau. Thực tế, cùng một mẫu, nhưng một số phòng xét nghiệm còn cho kết quả khác nhau nên người dân chưa có niềm tin.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và giảm được thời gian chờ đợi cho người bệnh. Chỉ cần giảm được 1%, mỗi năm sẽ bớt được khoảng 4,75 triệu lượt xét nghiệm. Tính trung bình mỗi xét nghiệm giá 50.000 đồng, đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng.

Trong 10 năm qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng xét nghiệm. Bộ Y tế cũng đã lấy tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189 đối với phòng xét nghiệm làm tiêu chuẩn cho Việt Nam, thế nhưng hiện mới chỉ có 52 phòng đạt chuẩn. Trong khi đó, muốn công nhận kết quả của nhau, các phòng xét nghiệm phải đạt chất lượng tương đương.

Ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, Phòng Xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai đạt chuẩn ISO 15189, nhưng số phòng đạt chuẩn như vậy trên cả nước không nhiều. Không những vậy, máy móc, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện được đầu tư khác nhau, nhân lực có trình độ khác nhau, nên kết quả có thể khác nhau. Nếu bác sĩ không chỉ định xét nghiệm lại, mà căn cứ vào kết quả của bệnh viện khác để mổ luôn, chẳng may bệnh nhân bị rủi ro thì ai chịu trách nhiệm? Vì vậy, nhiều xét nghiệm vẫn cần làm lại để bảo đảm tính chính xác. Chưa kể, bệnh nhân chuyển từ xa, sau vài giờ, các chỉ số và tình trạng bệnh có thể thay đổi, nên kết quả xét nghiệm ở tuyến dưới sẽ không còn giá trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: “Các bệnh viện cần rà soát tỷ lệ các xét nghiệm, chụp chiếu mà bệnh viện sử dụng lại khi bệnh nhân chuyển tuyến đến. Mặt khác, phải tổ chức bình bệnh án để xem những xét nghiệm, chụp chiếu nào chỉ định không cần thiết. Đối với các bệnh viện cùng hạng cần phải có quy trình nội kiểm, ngoại kiểm chuẩn mực để chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Tránh tình trạng, bệnh viện cùng hạng, ở gần nhau, nhưng khi bệnh nhân chuyển sang vẫn phải làm lại xét nghiệm”.



Cần sự đồng đều về chất lượng

Theo lộ trình của Bộ Y tế, từ ngày 1-7, 38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Chậm nhất đến ngày 1-1-2018, kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I sẽ được liên thông. Đến năm 2020, thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố và đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng xét nghiệm. Do đó, các phòng xét nghiệm phải đáp ứng đầy đủ hai bước: Nội kiểm và ngoại kiểm chất lượng. Nội kiểm là do chính phòng xét nghiệm đó thực hiện. Ngoại kiểm là kiểm soát chất lượng, đối chiếu và so sánh kết quả xét nghiệm với kết quả của phòng xét nghiệm khác trên cùng một mẫu; so sánh với kết quả của phòng xét nghiệm tham chiếu trong nước hoặc quốc tế. Việc thực hiện nội kiểm và ngoại kiểm là rất cần thiết để bảo đảm độ chính xác và tin cậy. Ngoài ra, Bộ Y tế xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm, danh mục xét nghiệm có thể liên thông.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có giá trị lâu dài như nhóm máu hoặc với kết quả xét nghiệm có giá trị sử dụng trong một thời gian nhất định. Những xét nghiệm mang tính chất theo dõi quá trình điều trị tại từng thời điểm, đương nhiên phải thực hiện lại. Hơn nữa, bệnh viện này chỉ sử dụng và công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác khi phòng xét nghiệm đó có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ, nếu thấy cần thiết. Bước đầu Bộ Y tế thí điểm mỗi chuyên ngành có 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng.

Như vậy, số lượng và các trường hợp xét nghiệm được liên thông còn rất hạn chế. Chỉ có bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện hạng đặc biệt mới có quyền công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, vì ở đó mới có phòng xét nghiệm chất lượng tương đương. Đối với kết quả xét nghiệm được thực hiện tại tuyến huyện, tuyến tỉnh, khi người bệnh được chuyển lên tuyến trên cơ bản vẫn phải làm lại. Trên thực tế, đa phần bệnh nhân chuyển viện là từ tuyến dưới lên tuyến trên, tỷ lệ chuyển ngang giữa các bệnh viện cùng tuyến không nhiều.

Như vậy, dù lợi ích từ việc liên thông kết quả xét nghiệm đã rất rõ, song ở thời điểm này người bệnh vẫn chưa thể mừng sẽ sớm thoát cảnh "đến viện là xét nghiệm".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hết thời “đến viện là xét nghiệm”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.