Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần mở rộng mạng lưới trợ giúp tâm lý

Hà Hiền| 06/12/2017 07:15

(HNM) - Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực nói chung, bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng có dấu hiệu gia tăng, để lại hậu quả đau lòng cho nạn nhân, gây nhức nhối cho xã hội...


Nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực

Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng hơn 1.000 vụ án mạng, hơn 1.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, hàng nghìn vụ bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Trong nhiều vụ việc, đối tượng thực hiện hành vi bạo lực trong trạng thái tâm lý bất thường. “Những vụ bạo lực, xâm hại chỉ mang tính cá biệt, nhưng phần nào cho thấy sự suy thoái, băng hoại đạo đức, lối sống ở một bộ phận xã hội. Hệ quả là giá trị đạo đức bị lung lay, giá trị niềm tin bị suy giảm”, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam băn khoăn.

Văn phòng tư vấn học đường tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - mô hình đạt hiệu quả cao trong trợ giúp tâm lý cho các em học sinh.


Lý giải tình trạng này dưới góc độ xã hội, ông Huỳnh Văn Sơn cho rằng, cả gia đình và xã hội còn có phần coi nhẹ diễn biến tâm lý của các thành viên, nhất là đối với trẻ em. Ở nhiều nơi, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, trường học chưa thực sự tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em học tập, sinh hoạt, vui chơi, chưa có hệ thống tư vấn tâm lý học đường. Trong gia đình, người lớn còn nặng tư duy áp đặt đối với con trẻ; mối quan hệ tương tác tích cực giữa cha mẹ và con cái chưa diễn ra thường xuyên… “Thiếu kiến thức nền tảng về ứng xử, người lớn cũng khó có thể có hành vi chuẩn mực trước những tình huống đột ngột, huống chi là trẻ em”, ông Huỳnh Văn Sơn phân tích.

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cũng cho kết quả, hơn 40% tội phạm xuất thân từ những gia đình phức tạp, có bố, mẹ hoặc anh, chị em có tiền án tiền sự, làm nghề phi pháp; 18% gia đình có bố mẹ ly hôn, 14% sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp. Ngoài sự thiếu quan tâm sâu sát của một số gia đình, môi trường mạng cũng ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi của nhiều người, đặc biệt là trẻ em. “Nhiều trẻ em thích thú với cảm giác mạnh do trò chơi game bạo lực mang lại, chơi lâu tạo thành thói quen. Ra đời thực, các em ứng xử với những mâu thuẫn như trong game bạo lực”, ông Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cảnh báo.

Nguyên nhân khác làm gia tăng tình trạng bạo lực là con người phải chịu nhiều căng thẳng, áp lực. Khảo sát về mức độ stress ở giáo viên mầm non, ông Trịnh Viết Then, giảng viên môn tâm lý, Trường Đại học Văn hiến TP Hồ Chí Minh cho biết, 38% giáo viên mầm non cảm thấy stress vì nhiều lý do. Tính chung các cấp học, trung bình 4 giáo viên lại có một giáo viên bị stress. Khi stress, một số giáo viên trút sự bực tức lên đầu con trẻ.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, đã đến lúc tình trạng bạo lực nói chung, bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng cần được nghiên cứu và đưa ra giải pháp khắc phục dưới góc nhìn tâm lý xã hội.

Bắt đầu từ các trường học

Chỉ rõ sự căng thẳng, rối loạn về tâm lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực, nhiều chuyên gia kiến nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương nên nghiên cứu xây dựng, mở rộng mạng lưới trợ giúp tâm lý. Mạng lưới này nên được bắt đầu tại các trường học.

Tại hội thảo tâm lý học khu vực Đông Nam Á lần thứ I vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để giải quyết những vấn đề về tâm lý xã hội không thể chỉ dùng biện pháp hành chính, mà cần thêm những giải pháp “mềm”. Đó là việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền những giá trị đạo đức tốt đẹp, nêu gương người tốt, việc tốt; thành lập phòng tham vấn tâm lý tại các trường học, xây dựng nhiều hơn các trung tâm tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng… Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, việc thành lập mạng lưới tham vấn học đường là một trong những giải pháp ngăn ngừa hành vi bạo lực hiệu quả. Hệ thống tham vấn học đường không chỉ giải quyết vấn đề về bạo lực, tâm lý của bản thân học sinh, mà bao gồm cả tâm lý giáo viên, giúp giáo viên gạt đi mọi bức xúc, áp lực trước khi bước vào lớp học.

Hiệu quả của hệ thống tham vấn học đường đã được khẳng định trên thực tế. Tại Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), đa số học sinh được tư vấn tâm lý có sự trưởng thành hơn. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng cho biết, hằng tuần, cán bộ văn phòng tư vấn vừa tham gia giao ban cùng giáo viên, vừa hoạt động tập thể cùng học sinh để hiểu các em. Phát hiện thấy học sinh nào gặp vấn đề về tâm lý, đội ngũ cán bộ tư vấn cùng thảo luận, bàn bạc trước khi đưa ra quyết định. Những ca rối nhiễu nặng sẽ được tư vấn, hỗ trợ bởi ê kíp hoàn chỉnh, bao gồm nhà tâm lý làm việc trực tiếp với học sinh, đại diện ban giám hiệu, cán bộ văn phòng tư vấn và chuyên gia bên ngoài. “Hoạt động tham vấn tâm lý học đường không dễ thực hiện, bởi đa số trường học đang thiếu cơ sở vật chất và nhân lực. Nhưng, nếu quyết tâm, khó khăn từng bước sẽ qua và chúng ta sẽ thu được “trái ngọt” là những lứa học sinh trưởng thành”, ông Nguyễn Tùng Lâm tin tưởng.

Từ thành công của Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, có thể khẳng định, mục tiêu 100% trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có phòng tham vấn tâm lý thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành và mỗi cá nhân trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh, giúp các em chủ động phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần mở rộng mạng lưới trợ giúp tâm lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.