Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu là "gốc" của vấn đề?

Thống Nhất| 07/12/2017 06:37

(HNM) - Sự việc bạo hành trẻ tại Cơ sở Mầm non tư thục Mầm Xanh ở TP Hồ Chí Minh đang dần khép, song lại mở ra những mối âu lo cho phụ huynh và cả cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Anh Tuấn


Gian nan quản lý trường ngoài công lập

Dường như đã trở thành điệp khúc, mỗi lần có sự việc trẻ bị bạo hành, dư luận xã hội, cơ quan quản lý lại “nóng” lên với những bất cập về thực trạng quản lý giáo dục mầm non, đặc biệt là mầm non ngoài công lập. Vấn đề làm thế nào để hạn chế nạn bạo hành trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vẫn là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý.

Một trong những nguyên nhân cơ bản được xác định là do quy mô mạng lưới trường, lớp mầm non công lập còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, dẫn đến sự gia tăng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp. Vì vậy, không ít phụ huynh phải gửi trẻ ở những cơ sở không đủ các điều kiện cần thiết trong việc chăm sóc, nuôi dạy và bảo đảm an toàn cho trẻ.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến cuối năm học 2016-2017, cả nước có hơn 2.400 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 16% tổng số trường mầm non, thu hút gần 1,1 triệu trẻ. Tuy nhiên, tại các địa phương có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp phát triển như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm tới hơn 60% tổng số trường tại địa bàn.

Tại Hà Nội, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thường tập trung ở địa bàn đô thị hóa nhanh, quận, huyện đông dân cư, như: Hoàng Mai, Hà Đông, Ba Đình, Đông Anh, Thanh Trì... Năm học 2016-2017, huyện Đông Anh có hơn 60 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó, riêng khu công nghiệp Bắc Thăng Long có gần 1.800 trẻ mầm non, 70% trong số này được gửi tại các cơ sở ngoài công lập.

Để giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp cho trẻ mầm non, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Sau 2 năm triển khai, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá việc quy hoạch, đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, nơi đông dân cư vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các nhóm lớp độc lập tư thục phát triển nhanh; nhiều nhóm lớp chưa được cấp phép; các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ còn thiếu và chưa đúng quy định... Tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.

Nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp

Sau sự việc của Cơ sở Mầm non tư thục Mầm Xanh, nhiều đơn vị đã đề xuất và thực hiện việc lắp camera tại lớp học để giám sát hoạt động của cô và trò. Cô giáo Lê Thị Liên, giáo viên một trường mầm non thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, sẵn sàng ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, cô Liên cho rằng, mong muốn chung của phần lớn các đồng nghiệp là nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của phụ huynh và lãnh đạo đơn vị vào ý thức, trách nhiệm của giáo viên đối với nghề nghiệp chứ không phải bằng sự giám sát, theo dõi.

Còn theo bà Lê Mai Hương, phụ huynh Trường Mầm non Hoa Sữa (quận Long Biên): “Cách thức này có thể khiến giáo viên nghiêm túc hơn trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ; thận trọng và dè dặt trước những tình huống có vấn đề với trẻ, song chưa hẳn đã làm chúng tôi yên tâm, tin tưởng hoàn toàn. Điều quan trọng là giáo viên phải có đạo đức nghề nghiệp”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội nhận định, việc lắp đặt camera chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài, để giải quyết hiệu quả nạn bạo hành trẻ mầm non, cơ quan quản lý cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp là "gốc" vấn đề.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 1,8 triệu học sinh, trong đó có hơn 500 nghìn trẻ mầm non, Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ. Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho rằng, với số lượng lớn cơ sở giáo dục mầm non, đâu đó có thể để xảy ra hành vi chưa đúng với trẻ, song hầu hết giáo viên mầm non của Hà Nội đều có ý thức nghiêm túc và tâm huyết với nghề. Việc xử lý kỷ luật với giáo viên sai phạm là cần thiết, song chỉ là biện pháp cuối cùng; việc cần làm thường xuyên là tăng cường bồi dưỡng về đạo đức nhà giáo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giám sát việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên đồng thời thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ tương xứng.

Tại Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 19-6-2017 về "Phát triển giáo dục mầm non TP Hà Nội đến năm 2020", UBND TP Hà Nội đã nhấn mạnh giải pháp quản lý, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, như: Xây dựng quy chế phối hợp giữa phòng giáo dục và đào tạo với UBND xã, phường, thị trấn, tổ dân phố và công an phụ trách khu vực; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đâu là "gốc" của vấn đề?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.