Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: “Nới” chính sách sinh con

Thu Trang| 18/12/2017 07:10

(HNM) - Xu hướng dân số giảm, chênh lệch mức sinh giữa các vùng, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa nhanh... đang đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước...

Nâng cao chất lượng, giải quyết các vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh là nhiệm vụ hàng đầu của chính sách dân số.


Hơn 55 năm qua, với chính sách sinh đẻ có kế hoạch, mục tiêu giảm sinh đã đạt được vững chắc. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 6,3 con vào năm 1961 đã giảm xuống 2,09 con vào năm 2006 và duy trì mức sinh thay thế cho đến nay. Thay vì khẩu hiệu “mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1-2 con”, lần đầu tiên, Việt Nam đã “nới” chính sách sinh con, vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con.

Mức sống tăng, mức sinh giảm

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), từ năm 2006 đến nay, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam luôn đạt mức sinh thay thế, trung bình 2,1 con/phụ nữ. Nhìn tổng thể về quy mô dân số, Việt Nam có thể yên tâm với việc đạt mức sinh thay thế hiện tại.

Tuy nhiên, sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền rất lớn dẫn đến nhiều nghịch cảnh. Tại những địa phương nghèo, mức sống thấp thường mức sinh lại cao, như: Lai Châu (3,11 con/phụ nữ), Quảng Trị (2,94 con/phụ nữ), Hà Giang (2,93 con/phụ nữ)...

Ngược lại, tại địa phương có mức sống cao thì mức sinh rất thấp, dưới mức sinh thay thế. Điển hình là TP Hồ Chí Minh (1,45 con/phụ nữ), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,56 con/phụ nữ) hay ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh chỉ khoảng 1,7 con/phụ nữ…

Chị Trần Thảo Nguyên (34 tuổi, ở quận 2, TP Hồ Chí Minh), nhân viên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, có một con trai năm nay 4 tuổi nhưng không có ý định sinh thêm. Chị chia sẻ, nếu sinh thêm con, lỡ khi bố mẹ chăm không tốt thì cả hai con đều thiệt thòi. Vì vậy, vợ chồng chị muốn dành hết tình thương yêu và tập trung đầu tư cho một con để mong con có tương lai tốt đẹp hơn.

Còn chị Lê Thị Huyền (30 tuổi, ở Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội) không muốn sinh con thứ hai vì chi phí ở thành phố ngày càng tăng và lương viên chức nhà nước chỉ vừa đủ để nuôi một con...

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác nghiên cứu dân số, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam cho rằng, xu hướng chung của thế giới là xã hội càng phát triển thì mức sinh càng thấp. Hiện tại, mức sinh của Việt Nam là lý tưởng, nhưng có nguy cơ sẽ theo xu hướng giảm sinh và tiến tới mức sinh thấp. Nguyên nhân do phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, bận rộn công việc, muốn dành nhiều thời gian cho bản thân hơn nên không muốn sinh nhiều con.

Thậm chí, có những phụ nữ không lấy chồng, chỉ “kiếm” một con để nuôi. Lại có nhiều cặp vợ chồng kinh tế khó khăn, tự thấy không nuôi được hai con nên chỉ sinh một con… Không chỉ các cặp vợ chồng "lười" sinh do áp lực cuộc sống, theo bác sĩ Chu Hoàng Giang, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng cao, đặc biệt là vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi đã từng sinh con)...

Ứng phó ngay từ hiện tại...

Việc thanh niên khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất cần thiết.


GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng, nhiều nước đang phải “vật lộn” đối phó với tình trạng người dân "lười" đẻ, mức sinh thấp. Bởi trong tương lai, dân số giảm, vấn đề già hóa, thiếu lực lượng lao động… sẽ rất trầm trọng. Tránh đi vào “vết xe đổ” của các quốc gia khác, Việt Nam đã chủ động ứng phó ngay từ thời điểm hiện tại và việc “nới” chính sách sinh con như hiện nay là cần thiết. Ngoài ra, nới lỏng chính sách sinh con cũng phù hợp với pháp luật quốc tế. Vì Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong đó có điều khoản các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết, theo kinh nghiệm của các nước phát triển, khi mức sinh đã xuống thấp thì muốn khôi phục, đưa mức sinh tăng lên sẽ khó khăn hơn nhiều. Đơn cử, Hàn Quốc đạt mức sinh thay thế vào năm 1982. Thế nhưng, quốc gia này vẫn đẩy mạnh chương trình kế hoạch hóa gia đình cho đến năm 1996 khi tổng tỷ suất sinh đã giảm xuống còn 1,5-1,6 con/phụ nữ. Do không kịp thời điều chỉnh chính sách và dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội, mức sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức 1,08 con/phụ nữ vào năm 2005. Đến nay, Hàn Quốc mới ứng phó với suy giảm mức sinh và già hóa dân số nhưng cũng chỉ đưa mức sinh lên được 1,28 con/phụ nữ, thấp xa mức sinh thay thế.

“Hiện nay, mức sinh của Việt Nam chưa xuống quá thấp. Tuy nhiên, những vấn đề Nghị quyết 21-NQ/TƯ đề ra là để phòng trước mức sinh suy giảm do tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh. Theo quan điểm của PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, định hướng của Trung ương về công tác dân số là đúng đắn. Chính sách dân số cần phải thay đổi, rút ngắn sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền, đồng thời đẩy mạnh nâng cao chất lượng, giải quyết các vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số chứ không chỉ nhìn vào “chỉ tiêu” giảm mức sinh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: “Nới” chính sách sinh con

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.