Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp các bác sĩ yên tâm khám, chữa bệnh

Bảo Nga - Tuấn Kiệt| 27/02/2018 06:31

(HNM) - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế khiến dư luận bất bình, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có giải pháp xử lý triệt để nhằm tăng cường an ninh trong bệnh viện.


Ngành Y tế “đơn độc” chống nạn hành hung bác sĩ...

Vụ việc hành hung bác sĩ mới đây tại Bệnh viện (BV) Sản nhi Yên Bái đã làm bùng lên sự phẫn nộ khi các bác sĩ vừa rời phòng mổ, phẫu thuật thành công giúp “mẹ tròn con vuông” cho người vợ, nhưng vẫn bị chồng sản phụ hành hung đến trọng thương. Trong đó, một bác sĩ phải khâu tới 20 mũi ở đầu.

Hướng dẫn người nhà bệnh nhân tìm các khoa, phòng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt


Theo thống kê của ngành Y tế, nếu như giai đoạn 2010-2015 trở về trước, mỗi năm cả nước chỉ xảy ra khoảng 2-3 vụ bác sĩ bị hành hung khi làm việc, thì đỉnh điểm năm 2017 đã xảy ra cả chục vụ hành hung bác sĩ. PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi trung ương chia sẻ, thời gian qua, BV đã tiến hành một số nghiên cứu về nhân viên y tế bị bạo hành. Kết quả, 69,7% điều dưỡng từng bị bạo hành bằng lời nói; 32,6% từng bị tấn công, hành hung. “Khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, dư luận hay báo chí thường chỉ trích nhân viên y tế và ít khi bảo vệ họ. Bản thân cán bộ y tế thường phải vất vả học hành, phấn đấu trong nhiều năm để có được công việc ổn định, họ rất sợ bị mất việc làm. Đó là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế im lặng khi bị bạo lực” - PGS Hải cho biết.

Theo nhiều chuyên gia y tế, việc hành hung bác sĩ diễn ra ngày càng nhiều trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó các BV chưa chú trọng đến việc bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế. Mặt khác, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn ở mức trầm trọng, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Phần lớn bệnh nhân đều có chung tâm lý nếu có vấn đề về sức khỏe là lên các BV tuyến trên khiến nhân viên y tế phải “căng” mình làm việc và do vậy khó tránh khỏi những sơ suất trong quá trình tiếp đón, điều trị. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người nhà bệnh nhân bức xúc, dễ có hành vi bạo lực với nhân viên y tế. Do đó, để giảm tải cho các BV tuyến trên, bên cạnh giải pháp mở rộng diện tích khám chữa bệnh, xây dựng thêm các cơ sở khám chữa tại khu vực ngoại thành… việc cần làm ngay là chú trọng nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề của đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, bảo đảm tốt khâu chăm sóc y tế tại từng địa phương, hạn chế tình trạng vượt tuyến. Mặt khác, cần có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng hành hung nhân viên y tế. Tính đến nay, dù có hàng chục vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra nhưng mới chỉ có 2 đối tượng bị phạt tù có thời hạn; các đối tượng còn lại chỉ bị tạm giam và xử lý hành chính. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhận định, hiện các cơ quan chức năng chưa thực sự ủng hộ trong việc bảo vệ bác sĩ. “Chúng tôi đã rất nhiều lần mời công an và cơ quan chức năng cùng vào cuộc, tuy nhiên nạn hành hung bác sĩ không giảm mà còn tăng. Đến thời điểm này tôi thấy ngành Y tế gần như đơn độc trong việc tìm các biện pháp ngăn chặn nạn hành hung bác sĩ” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ bức xúc.

Tìm "thuốc đặc trị"

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), qua các vụ bạo hành xảy ra tại các BV thời gian qua cho thấy, một bộ phận người dân có biểu hiện đạo đức xuống cấp. Họ có thể dễ dàng đánh chửi bất cứ ai ngoài xã hội. Và khi vào BV, họ cũng sẵn sàng sử dụng bạo lực. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, nếu người nào gây thiệt hại cho thầy thuốc, nhân viên y tế, gây hại đến tài sản của BV phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được đưa ra xét xử bởi nó liên quan tới tình tiết tổn hại 11% sức khỏe mới được hình sự hóa. Vì vậy, hầu hết đối tượng hành hung bác sĩ chỉ bị xử phạt hành chính.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cũng bày tỏ: Việc tấn công một bác sĩ đang hành nghề cũng giống như tấn công một lái xe, phi công khi đang cầm lái, không chỉ gây ảnh hưởng đến bản thân người bị tấn công mà còn nguy hiểm đến tất cả các hành khách, bệnh nhân. Hiện Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, trong đó nêu rõ: Người hành nghề được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể. Người hành nghề có quyền từ chối khám, chữa bệnh, nếu việc đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. Dự thảo trên cũng nêu rõ, trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất...

Trước tình trạng số vụ nhân viên y tế bị hành hung ngày càng tăng, ngày 19-5-2017 Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 03/CT-BYT về việc tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và giám đốc các BV, cơ sở khám chữa bệnh trong việc tổ chức, thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trong BV và các cơ sở y tế. Mới đây nhất, tại buổi thăm và làm việc tại BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chiều 24-2-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu chính quyền các địa phương và ban, ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của nhân viên y tế. Thủ tướng cũng lưu ý các BV cần làm tốt công tác bảo đảm an ninh, sớm khắc phục một số biểu hiện tiêu cực trong BV, nâng cao y đức, giảm tải BV để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp các bác sĩ yên tâm khám, chữa bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.