Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu vắng mô hình “chơi mà học” cho trẻ

Thanh Thủy| 10/06/2018 08:06

(HNM) - Sân chơi lành mạnh cho trẻ em luôn là vấn đề được đặt ra mỗi dịp hè, đặc biệt là những điểm vui chơi rõ tính văn hóa, giáo dục vốn đang ngày càng được cộng đồng quan tâm.


Lý thú và bổ ích

Ban Quản lý Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò vừa công bố danh sách gần 30 em nhỏ trúng tuyển khóa học mang tên “Em học làm thuyết minh”. Đây là sân chơi có ý nghĩa trang bị kiến thức lịch sử, rèn luyện kỹ năng, nâng cao bản lĩnh và sự tự tin cho trẻ được khá nhiều bạn nhỏ từ 9 đến 15 tuổi hào hứng đăng ký.

Bà Phạm Thị Hoàng My (Phòng Giáo dục truyền thông, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò) cho biết: Sau thành công của kỳ tuyển sinh đầu tiên tổ chức năm 2017, dịp hè này, đơn vị tiếp tục triển khai chương trình giáo dục di sản với cách tiếp cận mới nhằm nâng cao hiểu biết, tình yêu đối với môn học lịch sử nói chung, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò nói riêng. Trẻ tham gia khóa học có cơ hội rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự tin thuyết trình trước đám đông cũng như có một trải nghiệm văn hóa đáng nhớ.

“Chứng kiến sự háo hức của các em, chúng tôi rất vui vì biết đây là hướng đi đúng cho hoạt động quảng bá di sản, đồng thời nhận thấy những sân chơi mang tính giáo dục, văn hóa luôn được công chúng đón nhận tích cực”, bà Phạm Thị Hoàng My nói.

Không riêng Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, những ngày này, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… đón hàng trăm lượt em nhỏ tìm đến, hòa mình vào các hoạt động vui chơi giải trí bổ ích.

Nếu như đây là lần đầu tiên Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đầu tư mô hình giải trí gắn với giáo dục di sản trong suốt 3 tháng hè mang chủ đề “Sĩ tử nhí - chắp cánh ước mơ”, thì các điểm đến như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hay Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm trong phần việc này. Trẻ tìm đến những địa chỉ nói trên có thể tham gia hoạt động trải nghiệm “Em làm nhà khảo cổ”; “Em tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long”, “Tìm hiểu các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam…

Điểm chung của các hoạt động này là đều hướng tới mục tiêu tạo điểm vui chơi mang tính giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, khích lệ các em chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa, từ đó thêm trân trọng những giá trị truyền thống, luôn tự hào về lịch sử dân tộc.

Cần thêm những mô hình sáng tạo

Đăng ký cho con tham gia sân chơi tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chị Nguyễn Thị Thanh Tú (phố Trung Kính, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Hà Nội không thiếu điểm vui chơi hấp dẫn tại các trung tâm thương mại, nhà sách, nhà văn hóa thiếu nhi… Tuy nhiên, các sân chơi này chủ yếu ở trong nhà, các con không được tiếp xúc với thiên nhiên, các hoạt động chỉ đơn thuần thỏa mãn việc chơi, thiếu đi sự tìm tòi. Chính vì vậy, khi tìm được một chương trình hấp dẫn, bổ ích như “Sĩ tử nhí - chắp cánh ước mơ”, chúng tôi rất hào hứng. Chỉ tiếc là mô hình này chưa phổ biến”.

Chung nỗi băn khoăn của chị Thanh Tú, anh Nguyễn Văn Thanh (phường Bưởi, quận Tây Hồ) cho biết: “Tìm một không gian cho trẻ chơi, tự do tương tác và thỏa sức sáng tạo quả thực là khó. Sân chơi kết hợp văn hóa, giáo dục không nhiều và không phải trẻ nhỏ nào cũng phù hợp bởi nhiều chương trình đòi hỏi nhất định về độ tuổi, kỹ năng...”.

Thừa nhận thực tế nói trên, bà Phạm Thị Thủy (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho rằng, không ít chương trình giáo dục di sản không còn tính hấp dẫn do thiếu đầu tư, đổi mới. Bởi vậy, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để thay đổi, đa dạng hóa mô hình sinh hoạt, trải nghiệm dành cho trẻ em.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, chơi cũng là cách để trẻ em học tập và tiếp nhận tri thức. Việc tạo ra các hình thức giải trí, đặc biệt là sân chơi văn hóa - giáo dục chính là phương pháp giáo dục truyền thống, dạy kỹ năng một cách hiệu quả. Để đáp ứng nhu cầu này, đơn vị tổ chức sân chơi cần xác định mục tiêu cụ thể.

Đơn cử như với những chương trình giáo dục di sản, nhà tổ chức cần nghiên cứu về lứa tuổi, đối tượng tham gia để từ đó thiết kế nội dung hoạt động phù hợp. Cần có cách quảng bá rộng rãi, kết nối hiệu quả để đưa các chương trình tới gần hơn với công chúng. Các cơ quan liên quan cần có thêm cơ chế, cách thức hỗ trợ để triển khai những chương trình vui chơi bổ ích như vậy.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định: "Lồng ghép công tác giáo dục di sản thông qua các sân chơi dịp hè nhằm giúp trẻ có trải nghiệm đáng nhớ, đồng cảm với nghệ thuật, với truyền thống văn hóa, hướng đi đó có nhiều thách thức nhưng là lựa chọn đúng để tăng sức hút cho điểm đến. Chính vì vậy, tôi tin rằng, sắp tới sẽ có thêm nhiều sân chơi được tổ chức theo mô hình này. Giới trẻ sẽ có thêm cơ hội trải nghiệm, được học kỹ năng sống và có thêm kiến thức, tình yêu với di sản văn hóa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu vắng mô hình “chơi mà học” cho trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.