Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành công từ một dự án cộng đồng

Quỳnh Dương| 24/06/2018 07:19

(HNM) - Từ chỗ chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi và làm việc nhà, đến nay, phụ nữ dân tộc thiểu số ở nhiều xã thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã biết nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến giúp cải thiện những vấn đề tồn tại ở địa phương, nâng cao hiệu quả làm kinh tế cho các hộ gia đình và đặc biệt là dần khôi phục những nét văn hóa truyền thống trước nguy cơ bị mai một.

Nhóm nghiên cứu thôn Khuổi Tẩu và Khuổi Trả xây dựng mô hình bảo tồn trang phục truyền thống của người Dao Tiền.


Những thay đổi này là kết quả của dự án “Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số” do Tổ chức CARE quốc tế phối hợp với Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn triển khai suốt 3 năm qua.

Tham gia biểu diễn tiết mục hát Then - đàn Tính tại buổi hội thảo tổng kết dự án ngày 20-6, các chị em ở thôn Bản Hon, xã Bành Trạch cảm thấy thật hạnh phúc vì đã góp phần khôi phục lại một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng. Chị Chu Thị Bời (người dân tộc Tày), Trưởng nhóm đồng nghiên cứu hát Then - đàn Tính ở Bản Hon cho biết, gần đây, chỉ còn rất ít người biết hát làn điệu dân ca trên. Vì vậy, khi dự án được triển khai, nhóm đã quyết tâm chọn chủ đề bảo tồn hát Then - đàn Tính. Nhưng để làm được điều này cần phải tìm ra nguyên nhân vì sao làn điệu ngày càng ít được quan tâm rồi mới đề ra những giải pháp để khắc phục. Hiện tại, lớp học hát Then - đàn Tính tại Bản Hon do vợ chồng nghệ nhân Mã Trung Trực và Lý Thị Nhung giảng dạy đã có 10 thành viên. Trong dịp lễ hội Lồng Tồng được tổ chức ngày 8 tháng Giêng vừa qua, nhóm nghiên cứu của chị Chu Thị Bời đã tổ chức thành công Đêm hội hát Then - đàn Tính, thu hút được đông đảo người dân các bản đến xem.

Trong khi đó, nhóm đồng nghiên cứu của chị La Thị Len, ở thôn Nà Khe, huyện Chợ Đồn cũng đã bước đầu thành công trong việc khơi lại nguồn cảm hứng cho giới trẻ đối với làn điệu hát Lượn phong thư của dân tộc Tày. Sau hơn 2 năm thực hiện, nhóm đã tổ chức được 2 lớp học với hơn 60 người tham gia, đa số là các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Với nhóm đồng nghiên cứu của thôn Khuổi Tẩu và Khuổi Trả, khôi phục trang phục truyền thống của người Dao Tiền là vấn đề được ưu tiên. Hiện nay, ở các bản tại huyện Ba Bể, số người mặc và biết làm trang phục của người Dao Tiền còn rất ít, chủ yếu là những người già. Bà Chu Thị Mụi, năm nay đã 80 tuổi cho hay, năm 19 tuổi bà đã thành thạo việc dệt vải để làm quần áo. Giờ bà rất muốn dạy dệt vải, thêu cho con cháu nhưng cũng không dễ dàng. Do vậy, các thành viên nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình “Bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao Tiền” thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân trong bản.

Đến nay, sau 3 năm triển khai, dự án đã thành lập được 21 nhóm đồng nghiên cứu về rất nhiều chủ đề thiết thực của cuộc sống. Anh Nguyễn Đức Thành, Giám đốc dự án cho rằng, bằng cách tiếp cận đơn giản, phù hợp, phương pháp đồng nghiên cứu đã tạo ra những thành công ngoài mong đợi. Còn theo bà Hoàng Thị Tho, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, từ chỗ chỉ triển khai ở hai xã Phúc Lộc và Bành Trạch, đến nay mô hình đồng nghiên cứu đã được nhân rộng ra 5 xã khác. Từ thành công này, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức CARE quốc tế nhân rộng mô hình tại Trà Vinh và sẽ tiếp tục triển khai tại nhiều khu vực khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành công từ một dự án cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.