Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi dậy trách nhiệm của người dân từ những việc cụ thể, thiết thực

Thu Vân - Kiều Oanh| 02/12/2012 06:23

(HNM) - Với diện tích gần 10km2, dân số trên 37 vạn người, quận Hai Bà Trưng là địa bàn có khá nhiều điểm "nổi cộm" của thành phố Hà Nội. 10/22 phường trong quận là những khu vực xa trung tâm, hầu hết tập trung dân cư lao động, đời sống còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp trong khi cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, từ đó nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ, dễ trở thành "điểm nóng" về tình hình an ninh trật tự.



Nhưng điều đáng ghi nhận là với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, hiện nay nhiều khu dân cư, nhiều phường trong quận đã có những chuyển biến rõ nét, nổi bật trong số đó là Khu dân cư B2 phường Quỳnh Lôi. Cuộc trao đổi của phóng viên Báo Hànộimới với ông Dương Văn Hồng - Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông Bùi Ngọc Đán - Bí thư Chi bộ Khu dân cư B2, nhằm tìm hiểu những bài học kinh nghiệm trong hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở tại một địa bàn được đánh giá là khá phức tạp.

Ông Dương Văn Hồng và ông Bùi Ngọc Đán (người ngồi thứ hai và thứ ba từ trái sang phải) trong buổi họp với cán bộ cơ sở Khu dân cư B2. Ảnh: Duy Quang


Khi “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”

- Được biết, đã có thời gian Khu dân cư B2 là một địa bàn phức tạp về nhiều mặt như an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường… và đặc biệt đã nảy sinh một số mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, có những vụ việc không thể hòa giải tại cơ sở. Thực tế là như thế nào?

- Ông Dương Văn Hồng: Khu dân cư chúng tôi nằm sâu trong ngõ 164 phố Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng), gồm 12 ngách nhỏ, hẹp; có 6 tổ dân phố với 425 hộ dân gồm gần 1.300 nhân khẩu. Bà con ở đây đa số đều là lao động tự do, buôn bán nhỏ, người về hưu nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Đặc biệt là hạ tầng cơ sở của khu dân cư rất yếu kém, một phần là do đặc điểm địa hình, phần khác là do tồn tại lịch sử, tốc độ phát triển dân cư nhanh trong khi sự đầu tư không tương xứng. Ngay như nhà văn hóa của khu dân cư, chúng tôi đề xuất từ hơn 10 năm về trước, bây giờ mới có đất và kinh phí để xây dựng…

- Ông Bùi Ngọc Đán: Một thời chưa xa, chỉ năm bảy năm trước thôi, khu dân cư này “nổi danh” trong quận với các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc; nạn trộm cắp hoành hành; an ninh trật tự yếu kém, đối tượng hình sự từ nhiều nơi đổ về tụ tập; vệ sinh môi trường khu phố rất nhếch nhác; thường xuyên có đơn thư khiếu kiện của các hộ gia đình gửi lên phường, lên quận do những mâu thuẫn trong cuộc sống…

- Tồn tại thực trạng như vậy, trước tiên trách nhiệm thuộc về đội ngũ cán bộ cơ sở. Lấy ví dụ như việc có đơn thư khiếu kiện vượt cấp lên phường, lên quận rõ ràng là công tác hòa giải ở khu dân cư không hiệu quả hoặc người dân không tin tưởng vào cán bộ dân phố…

- Ông Bùi Ngọc Đán: Tôi thừa nhận những năm trước đây hoạt động của đội ngũ cán bộ khu dân cư còn nhiều hạn chế, có tư tưởng nể nang, ngại va chạm. Điều đó dẫn đến phong trào chung trầm lắng, “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, người dân sống thu mình, tệ nạn xã hội, cái xấu, điều ác có cơ hội bùng phát.

- Ông Dương Văn Hồng: Nhưng khu dân cư chúng tôi cũng có những nét đặc thù của khu lao động nghèo. Nhà cửa san sát, chật hẹp, nhiều diện tích sử dụng chung, từ lối đi, nơi phơi quần áo cho tới công trình phụ… Có những ngách nhỏ sâu bảy, tám chục mét nhưng chiều rộng chỉ 70-80cm, hàng chục hộ dân sinh sống, dắt xe ra vào còn khó. Nếu ai cũng đặt “cái tôi” của mình lên trên hết thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Nhiều khi, chuyện bắt đầu chỉ từ vài cái quần, cái áo phơi trên cao nhỏ nước xuống lối đi chung…

Cách làm mới đối với những việc… không mới

- Để tạo ra những chuyển biến tại Khu dân cư B2 phải bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Đây là vấn đề hoàn toàn không mới nhưng cách làm ở khu dân cư có gì khác các nơi?

- Ông Bùi Ngọc Đán: Chúng tôi phải dựa vào đội ngũ đảng viên trong chi bộ, chỉ có 25 người thôi nhưng họ chính là hạt nhân ở các địa bàn, là cán bộ nòng cốt của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở như mặt trận, hội người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ. Cùng với đó, chúng tôi tích cực vận động, bổ sung vào đội ngũ cán bộ cơ sở những người nhiệt huyết với công tác chung nhằm tạo sự đều tay trong hoạt động của các tổ chức đoàn thể… Sau đó chi bộ ra nghị quyết hằng tháng về những việc cần làm, mặt trận và các tổ chức đoàn thể lên kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện…

- Như chúng tôi biết thì cách làm ở các nơi đều tương tự như vậy?

- Ông Bùi Ngọc Đán: Về cơ bản đúng là Khu dân cư B2 đã làm như thế!

- Ông Dương Văn Hồng: Kể lại chuyện thì ngắn gọn, nhưng có những vấn đề ví dụ như việc kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở ở khu dân cư, chúng tôi đã phải kiên trì làm gần chục năm trời mới được như ngày hôm nay. Bác Bùi Ngọc Đán tham gia cấp ủy ở cơ sở tới giờ cũng đã hơn chục năm. Ở đây chúng tôi còn có những người tâm huyết với công việc chung như cụ Bùi Quang Phược (ở tổ 8, số nhà 10, ngách 164/18) có thâm niên làm tổ trưởng dân phố tới 30 năm, giờ tuổi cao sức yếu mới chịu về nghỉ. Nếu tính ra, bây giờ cán bộ ở khu dân cư này đều là những người ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” như bà Nguyễn Thị Ngần, tổ trưởng tổ hòa giải; ông Thái Văn Mão, tổ trưởng tổ dân phố số 7; bà Nguyễn Thị Vân, tổ trưởng tổ dân phố 11; bà Trịnh Thị Đức, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ… mọi người hoạt động nhiệt tình lắm, lớp trẻ còn chạy dài…

- Tuy nhiên chỉ sự năng nổ, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ cơ sở là chưa đủ, điều quan trọng là phải vận động được người dân tham gia.

- Ông Bùi Ngọc Đán: Như ở trên tôi đã nói, cán bộ, đảng viên có gương mẫu thì “làng nước” mới theo sau. Lấy ví dụ như chuyện tổng vệ sinh khu dân cư vào sáng thứ bảy hằng tuần, cán bộ dân phố, các cụ cao tuổi phân công nhau quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, con cháu thấy vậy mà không tham gia sao được, rồi tổ nọ thi đua với tổ kia, có kiểm tra, giám sát, chấm điểm. Không phải chúng tôi “chạy theo” phong trào mà quan trọng là bà con trong khu dân cư thấy rằng những công việc đó cần thiết cho chính mình, gia đình mình. Cổ nhân đã dạy “nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm”, vệ sinh môi trường, đường đi lối lại trong khu dân cư có thoáng đãng, sạch sẽ gọn gàng, con trẻ nó cũng có chỗ chơi. Điều kiện cuộc sống trong khu dân cư chúng tôi đã không bằng nhiều nơi, mỗi người lại thiếu ý thức chung thì khổ lắm. Đơn giản chỉ cần một gia đình bỏ túi rác ra trước cửa có khi cả ngõ… không thở được, do đó không thể chỉ nghĩ đến mình. Ở phường ở phố, nhưng cái tình cái nghĩa bà con chòm xóm với nhau rất quan trọng…

- Vâng, đây chính là điều chúng tôi cần tìm hiểu.

- Ông Bùi Ngọc Đán: Hằng tháng chi bộ khu dân cư đều cân nhắc, chọn từng vấn đề để ra nghị quyết, trong đó chọn người, chọn việc để có sự phân công rõ ràng, hợp lý. Chúng tôi xác định không thể ôm đồm cùng lúc nhiều việc nhưng từng việc phải được giải quyết dứt điểm, có hiệu quả cụ thể, như vậy mới củng cố được lòng tin của người dân.

- Ông Dương Văn Hồng: Nếu người dân tin vào việc làm, lời nói của cán bộ thì mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Tôi lấy ví dụ như việc hòa giải mâu thuẫn giữa các hộ dân hoặc từng gia đình, có những hành vi không nằm trong sự điều chỉnh của pháp luật, có thể nói rất phức tạp nhưng cũng rất vụn vặt. Trước đây từng xảy ra nhiều vụ việc có đơn thư khiếu kiện lên trên mà không thể hòa giải được bởi bên nào cũng có cái lý riêng dù tranh chấp chỉ là diện tích để chiếc máy giặt hay nơi phơi quần áo. Ấy nhưng khi cán bộ cơ sở vào nhà phân tích thiệt hơn thì mọi chuyện lại đâu vào đấy, mỗi người chịu nhường nhịn nhau một chút và quan trọng được thuyết phục bởi uy tín của người cán bộ.

- Ngoài uy tín cá nhân, cán bộ cơ sở còn phải là người có trình độ, sự am hiểu luật pháp… Với Khu dân cư B2 vấn đề này như thế nào?

- Ông Dương Văn Hồng: Đúng là những điều đó rất cần thiết. Nhưng qua công việc cụ thể ở đây, chúng tôi nhận thấy, quan trọng nhất là cái tâm của người cán bộ, sự chân thành, mộc mạc, hợp tình hợp lý bao giờ cũng được bà con ủng hộ. Ví dụ như trường hợp bác Nguyễn Thị Vân, tổ trưởng tổ dân phố 11, tuy chỉ là công nhân cơ khí, sau nghỉ hưu mất sức về nhà buôn bán nhỏ, không có lương hưu, cuộc sống cũng chật vật lắm. Nhưng những điều bác ấy thuyết phục, bà con trong tổ dân phố ai cũng nghe theo bởi trong đó là sự chân tình của lớp người đi trước, từng trải. Bây giờ ở tổ dân phố 11 không ai mở loa đài công suất lớn sau 22 giờ đêm, về đến đầu ngõ mọi người bao giờ cũng tắt máy, dắt xe… đơn giản là bà con hiểu một ngày lao động vất vả, cần bảo ban nhau để có giấc ngủ sâu hay đi xe trong ngõ hẹp vừa tạo tiếng ồn, lại dễ xảy ra va chạm. Các hộ trong tổ có người đàn đúm tụ tập bê tha cờ bạc, rượu chè cũng đều nhờ bác Vân vào nhà nhắc nhở, khuyên can như người bà, người mẹ trong gia đình.

- Do đó nếu như chục năm về trước khu dân cư này luôn có khoảng trên dưới 20 người nghiện ma túy thì giờ, con số đó giảm xuống còn 8 và không phát sinh số người nghiện mới. Những mâu thuẫn giữa các hộ gia đình đều được hòa giải ngay từ cơ sở; không có những vụ việc người trong khu dân cư vi phạm pháp luật. Khó như chuyện xóa quảng cáo rao vặt trên tường hay ở những nơi công cộng, Khu dân cư B2 còn làm được vì từng hộ gia đình đều coi đó là công việc cần làm…

- Ông Bùi Ngọc Đán: Đúng vậy. Có thể nói thành công của chúng tôi là khơi dậy được khả năng trong mỗi con người vì lợi ích chung của khu phố. Khi bà con đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện thì không có việc gì khó. Chuyện vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; xây dựng khu dân cư văn hóa; phát động phong trào “lá lành đùm lá rách”, giúp các gia đình xóa đói, giảm nghèo; gây quỹ khuyến học; thành lập tủ sách pháp luật… chúng tôi đều làm từng bước, kiên trì vận động người dân thực hiện và đều đạt hiệu quả cao. Mới đây nhất là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, chúng tôi đã đứng ra tổ chức 4 đám cưới cho con em trong khu phố tại sân khu tập thể, vừa vui vẻ, ấm cúng, vừa thuận lợi cho các gia đình bởi nhà cửa ở đây chật chội lắm mà đi thuê thì tốn kém…

Khi bà con tin tưởng thì phải làm cho ra làm

- Làm cán bộ ở cơ sở người ta luôn ví von như việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Người thân trong gia đình có ngăn cản các ông tham gia công việc chung của khu phố không?

- Ông Bùi Ngọc Đán: Ban đầu các cháu nhà tôi cũng không muốn cho tôi tham gia, chúng nói: “Bố về hưu rồi nên dành thời gian nghỉ ngơi, dưỡng già”. Nhưng mình vừa là đảng viên, lại vừa rời quân ngũ chẳng gì cũng mang quân hàm cấp tá, giờ về địa phương không làm việc gì thấy cũng không ổn, ngồi một chỗ không khéo lại sinh bệnh. Còn muốn làm được công tác quần chúng thì trước hết phải đả thông tư tưởng cho người nhà mình. Ở khu phố này tôi cũng đã vận động được nhiều bác, nhiều cụ tham gia công việc chung.

- Ông Dương Văn Hồng: Ngày tôi mới về hưu, gia đình khó khăn lắm, cũng muốn đi làm thêm một việc gì đó để có đồng ra đồng vào. Rồi bác Đán và bà con tới vận động mình tham gia công việc của khu phố, mỗi tháng cũng chỉ được 200 nghìn đồng thôi, nhưng quan trọng là bà con tin tưởng nên mình nhận lời và đã bắt tay vào việc thì làm cho ra làm…

- Sau nhiều năm Khu dân cư B2 đã trở thành một điểm sáng của phường, của quận với những chuyển biến rõ nét trong các mặt công tác. Các ông có coi đó là thành tích của những người “vác tù và hàng tổng”?

- Ông Dương Văn Hồng: Cán bộ ở khu phố chúng tôi không ai nghĩ làm để lấy thành tích đâu. Chúng tôi chỉ quan niệm đơn giản là làm sao để môi trường sống của người dân được tốt hơn, để tình nghĩa xóm giềng được thắt chặt, bọn trẻ lớn lên không bị nhiễm vào những thói hư tật xấu… Được như vậy là mừng lắm!

- Xin cảm ơn hai ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy trách nhiệm của người dân từ những việc cụ thể, thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.