Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không được biến sản phẩm báo chí thành một loại hàng hóa tầm thường

Thế Dũng| 25/01/2015 06:02

(HNM) - Pháp luật Việt Nam không cho phép tư nhân sở hữu cơ quan báo chí nhưng khuyến khích họ tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm báo chí; hướng tới đầu tư mạnh cho một số cơ quan báo chí chủ lực; đổi mới hoạt động của hệ thống báo Đảng từ Trung ương tới địa phương...

Tạo cơ chế để báo chí mạnh lên

- Thưa ông, vấn đề quy hoạch lại hệ thống báo chí đã được Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI) thảo luận. Rất nhiều vấn đề được đặt ra, ông có thể giới thiệu những nội dung cơ bản của quy hoạch này?

- “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025” (Quy hoạch) được xây dựng trong bối cảnh công nghệ thông tin có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của báo chí. Như chúng ta đều biết, Việt Nam kết nối internet đến nay chưa đầy 20 năm nhưng tác động của nó đối với sự phát triển của các loại hình báo chí, công nghệ làm báo và công chúng báo chí là rất lớn. Internet đưa đến cho loài người một kho tàng tri thức vô hạn. Nhưng cũng có một số người, một số thế lực lợi dụng internet tuyên truyền văn hóa phẩm độc hại, lối sống đồi trụy, hành vi vô đạo đức, những suy nghĩ manh động cực đoan, kêu gọi xung đột, thậm chí kêu gọi chiến tranh, vu cáo tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, các thế lực thù địch lợi dụng internet chống phá chế độ ta. Điều này rất rõ nên có thể khẳng định rằng, thời cơ, thuận lợi cũng như thách thức, khó khăn đối với sự phát triển của báo chí nước nhà là đan xen và lớn như nhau.

Từ đánh giá lại tổng thể hệ thống báo chí, Quy hoạch chỉ ra những gì đã và đang làm tốt để chúng ta phát huy; những gì yếu kém cần phải khắc phục. Mục tiêu cao nhất của Quy hoạch là làm cho báo chí mạnh lên, cách mạng, chuyên nghiệp, mang tính khoa học và nhân văn. Quy hoạch cũng nêu rõ sẽ đầu tư cho những mảng nào cần thiết, có ích; đồng thời hạn chế, thu hẹp những lĩnh vực không hiệu quả (sai tôn chỉ mục đích, thông tin giật gân, câu khách thuần túy).

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.


- Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống báo chí nước ta hiện “đông mà không mạnh”. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Tôi luôn có suy nghĩ, dường như chúng ta phát triển báo chí nhưng chưa làm tốt công tác quy hoạch vốn cần thiết cho mọi ngành, mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, có sự phát triển khá “nóng”. Hai lý do này làm cho hệ thống báo chí nước ta mất cân đối.

Hiện cả nước có gần 850 cơ quan báo chí (CQBC), trong đó chủ yếu là báo in và có không ít phụ trương, kênh sóng ra đời chỉ với mục đích làm kinh tế. Điều tốt được lan truyền rất nhanh, rất xa; cái xấu cũng lây lan nhanh không kém, thậm chí còn nguy hiểm, độc hại hơn, ngấm sâu hơn trong đời sống xã hội. Dòng báo chí chủ lưu nhiều khi lạc hậu trước nguồn thông tin phi chính thống này. Về đội ngũ người làm báo, hiện có khoảng 18.000 người được cấp thẻ nhà báo nhưng những người làm các công việc liên quan phải đến hàng chục vạn. Đội ngũ này so với các thời kỳ trước được đào tạo cơ bản hơn nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Ngoài ra, thông tin của chúng ta dường như chỉ tập trung ở các đô thị, còn người dân vùng sâu, vùng xa được hưởng thụ các giá trị văn hóa qua báo chí hết sức hạn chế. Công tác thông tin tình hình trong nước ra nước ngoài cũng vậy.

- Pháp luật của Việt Nam không thừa nhận có báo chí tư nhân. Tuy nhiên, trên thực tế có tình trạng “bán cái”, đặc biệt với những ấn bản phụ, tạp chí dành cho một số người, nhóm người. Hướng xử lý vấn đề này ra sao, thưa ông?

- Pháp luật Việt Nam không cho phép tư nhân sở hữu CQBC nhưng cho phép họ tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm báo chí. Những năm qua, nhiều CQBC, nhất là truyền hình đã khá thành công trong công tác đẩy mạnh liên kết để tranh thủ các nguồn lực xã hội. Đây là hướng đi đúng vì nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, xã hội hóa phải trên nguyên tắc: Cơ quan chủ quản nắm rõ nội dung, tức là không chỉ đến khi tư nhân làm ra sản phẩm rồi mới xem xét, kiểm tra mà bắt đầu ngay từ khi hình thành ý tưởng, chủ trương sản xuất... Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta có nhiều mặt làm chưa tốt.

Nguyên nhân trực tiếp nhất là cơ quan chủ quản còn lỏng lẻo, để “tuột tay” dẫn đến tình trạng tư nhân thao túng một số tờ báo, tạp chí, ấn phẩm, kênh sóng, chương trình. Không có chuyện tư nhân sở hữu CQBC nhưng có hiện tượng mua bán, núp bóng. Sắp tới, vấn đề này sẽ phải được làm nghiêm hơn. Chúng ta không làm chủ quá trình liên kết, xã hội hóa thì các nhà đầu tư sẽ chỉ chú trọng chạy theo lợi nhuận. Điều này cũng dễ hiểu. Vấn đề là không được biến sản phẩm báo chí thành một loại hàng hóa tầm thường, loại hàng hóa chỉ nhằm mục đích kiếm tiền. Những sai lầm trong liên kết xuất bản vừa qua là do để tư nhân thao túng quá sâu, dẫn đến sai phạm. Tôi xin khẳng định lại rằng, báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng nên tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính định hướng xã hội phải được đặt lên hàng đầu.

Báo Đảng cần đổi mới mạnh mẽ về nội dung và hình thức

- Một hệ thống báo chí rất quan trọng ở nước ta là báo Đảng từ trung ương tới địa phương. Theo đánh giá của ông, hệ thống này trong cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt hiện nay đã theo kịp tình hình hay chưa?

- Trong nhiều giai đoạn, hệ thống báo Đảng là nòng cốt, lực lượng trụ cột của báo chí cách mạng. Tuy nhiên, khi báo chí phát triển nhanh, đặc biệt khi internet bùng nổ thì hệ thống báo in của Đảng từ trung ương đến địa phương cũng có suy giảm vị trí, vai trò và công chúng. Ngoài ra, một nguyên nhân chủ quan không kém phần quan trọng là nhiều tờ báo Đảng có nội dung, hình thức chưa hấp dẫn. Tất nhiên, với báo Đảng thì yêu cầu cao nhất là tính chính xác, tính định hướng nhưng đối tượng phản ánh không chỉ là các chi bộ, đảng viên mà cả cuộc sống xã hội sôi động. Điều đó đòi hỏi hệ thống báo Đảng phải tiếp tục đổi mới.

- Theo ông, để hệ thống báo Đảng có thể dẫn dắt dư luận xã hội thì cần phải làm gì?

- Năm 2014, tôi có dịp tham quan báo Akahata của Đảng Cộng sản Nhật Bản và được biết mỗi ngày họ phát hành 2-3 triệu bản và có cả số ra buổi chiều. Báo của họ vẫn lấy tinh thần chủ nghĩa Marx, đường lối của Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) làm định hướng hoạt động nhưng họ vẫn có cách đi vào đảng viên và quần chúng. Akahata vừa là công cụ tuyên truyền, công cụ lãnh đạo nhưng đồng thời cũng là nơi tạo nguồn kinh phí hoạt động đáng kể cho JCP. Một số nước khác có đảng Cộng sản, đảng Cánh tả và báo chí của họ cũng phát triển với lượng bản in rất lớn, được người dân đón đọc với một thái độ trân trọng. Đây rõ ràng là bài học quý cho phát triển hệ thống báo Đảng ở nước ta.

Đấy là xét về nội dung, còn hình thức thì sao? Tôi có suy nghĩ, dường như là việc báo Đảng in khổ lớn cũng cần phải xem lại. Khổ báo bao nhiêu rõ ràng không ảnh hưởng đến nội dung, đặc biệt là chất lượng chính trị của tờ báo mà cái chính là tiện lợi cho người sử dụng. Người ta ngồi trên xe xích lô, xe buýt... đều có thể đọc báo. Cho nên, vấn đề khổ báo, số trang báo Đảng cũng cần được nghiên cứu, xem xét lại. Nếu báo Đảng đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức, đặc biệt là cung cấp thông tin bổ ích cho mọi người, hướng đến cộng đồng nhưng loại trừ thông tin giật gân câu khách chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng nhỏ, tôi nghĩ vẫn sẽ được bạn đọc yêu mến. Ngoài ra, mỗi người làm báo Đảng hiện nay cũng phải biết cập nhật công nghệ làm báo mới, đổi mới cách thông tin.

- Bất kỳ một quốc gia nào cũng có dòng báo chí chủ lưu cầm trịch thông tin. Ông có nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải đầu tư cho những tờ báo, cơ quan báo chí như vậy? Và nếu đầu tư thì nên bắt đầu từ đâu?

- “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025” có một nội dung rõ ràng, công khai là sẽ đầu tư cho một số cơ quan báo chí để phát triển theo mô hình hội tụ truyền thông, đa phương tiện. Trong cơ quan báo chí đó sẽ có một số hoặc đầy đủ các loại hình báo chí. Việc đầu tư sẽ không dừng ở việc có cơ sở vật chất hiện đại mà còn về nguồn nhân lực, trị sự, kinh tế báo chí... Trong đó, việc đầu tư cho con người là yếu tố quan trọng nhất. Không có người giỏi thì cơ sở hạ tầng dù mạnh đến đâu cũng khó có thể phát triển mạnh, chuyên nghiệp.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc đầu tư cho con người cần bắt đầu từ các cơ quan trung ương. Đó là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam để làm sao ở đây có những người thạo nghề, lập trường vững vàng, có khả năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước những chủ trương, chính sách, đường lối phát triển báo chí. Rồi đầu tư cho cơ quan chủ quản để ở đây cũng có những người am hiểu về báo chí, từ đó chỉ đạo cơ quan báo chí của mình, chứ không phải như lâu nay, vai trò cơ quan chủ quản rất mờ nhạt. Trong cơ quan báo chí sẽ đầu tư cho Ban Biên tập, tiếp đến là lãnh đạo ban chuyên môn, phóng viên, biên tập viên có đội ngũ giỏi, thạo nghề, bản lĩnh vững vàng. Ngoài việc khuyến khích các cơ quan báo chí tự chủ về kinh tế, nếu đơn vị nào khó khăn thì Nhà nước sẽ hỗ trợ theo cơ chế đặt hàng với nguyên tắc tạo hiệu quả thì sẽ chi tiền chứ không phải là giao một “cục” tiền rồi muốn làm gì thì làm.

Ai có thông tin đi trước sẽ giành ưu thế

- Trong một bài viết gần đây về định hướng phát triển và quản lý đối với báo điện tử, trang tin điện tử và mạng xã hội (MXH), ông cho rằng, điểm yếu hiện nay của chúng ta là chưa kiểm soát hiệu quả các sản phẩm, website của doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tại Việt Nam. Ông có bình luận thêm gì về vấn đề này?

- Báo chí hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với MXH và điều đó hiển hiện ngày càng rõ. Ngay thời điểm này có nhiều sự việc, hiện tượng công chúng tiếp nhận qua MXH. Điều hành MXH thường là nhóm người, một số cá nhân nên cơ chế rất linh hoạt. MXH thậm chí không tính đến tính chính xác của thông tin mà vấn đề là nó đưa ra được thông tin trước. Khi thông tin được đưa ra rồi thì các cơ quan báo chí chính thống muốn cải chính, phản bác cũng mất thời gian, công sức, tiền của. Cuộc cạnh tranh này càng ngày càng gay gắt.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, Việt Nam có tốc độ phát triển internet rất nhanh và không thể nói chúng ta ngăn cản internet. Về lâu dài, chúng ta cũng phải đầu tư xây những MXH, công cụ tìm kiếm của riêng mình. Đây thực chất cũng là việc khẳng định độc lập, chủ quyền đất nước trên internet. Việc chưa kiểm soát tốt các sản phẩm, website của doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tại Việt Nam vì thời gian qua chúng ta chưa có thái độ, tiếng nói mạnh mẽ. Hoạt động ở đất nước nào thì phải tuân thủ pháp luật quốc gia đó là hiển nhiên.

- Một xã hội phát triển cũng đồng nghĩa với một nền báo chí phát triển và điều này không chỉ phụ thuộc vào bản thân mỗi nhà báo, tờ báo. Ở đây còn cần có những quyết sách tầm chiến lược. Ông nghĩ sao về điều này?

- Rõ ràng quyền tác nghiệp của báo chí thời gian qua đã có sự cải thiện nhất định. Tuy nhiên từ mong muốn, từ cố gắng đến thực hiện còn có khoảng cách. Thời gian qua có một số vụ việc, vấn đề chúng ta xử lý chưa kịp thời. Gần đây, có một số vấn đề, sự cố xã hội chúng ta đã xử lý nhanh hơn, cung cấp ngay thông tin ban đầu, sau đó là quá trình khắc phục, diễn biến sự cố đưa liên tục nên được đánh giá cao.

Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin nên ai có thông tin đi trước sẽ giành ưu thế. Hiện nay thông tin đi trước, đi sau đang được tính bằng giây, bằng phút chứ không phải tính từng ngày như trước đây. Vì vậy, việc chủ động cung cấp thông tin chính là để chiếm lĩnh trận địa thông tin và không có cách nào khác. Điều này đòi hỏi trách nhiệm cung cấp thông tin của lãnh đạo các bộ, ngành, người phát ngôn từ cấp trung ương đến địa phương cần phải chủ động hơn. Nhìn vấn đề như vậy để thấy rằng chúng ta phải cùng nhau cố gắng, từ cơ quan quản lý báo chí đến từng tờ báo, từng nhà báo.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không được biến sản phẩm báo chí thành một loại hàng hóa tầm thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.