Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ "nút thắt", đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở

Thanh Hải| 31/07/2016 06:32

(HNM) - Thực hiện Chỉ thị 11/CT-UBND của UBND thành phố về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCN) trên địa bàn TP Hà Nội, cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân, các tổ chức làm thủ tục cấp GCN, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 6-2017.



Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông xung quanh vấn đề này.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông.

Đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

- Cải cách thủ tục hành chính được xem là khâu đột phá, Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai hoạt động này thế nào, thưa ông?

- Sở TN&MT Hà Nội đã rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm về thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 30% đến 50%. Theo quy định, thời gian giải quyết cấp GCN từ 20 đến 30 ngày, nay đã giảm xuống còn không quá 14 ngày. Bên cạnh đó, Sở đã triển khai liên thông với Cục Thuế Hà Nội trong việc luân chuyển và giải quyết hồ sơ nghĩa vụ tài chính về nhà, đất. Công khai minh bạch thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận - trả kết quả và Cổng thông tin điện tử của Sở (http://www.tnmtnd.hanoi.gov.vn).

Cùng với đó, cuối tháng 4-2016, Sở TN&MT đã lập thư điện tử và Đường dây nóng (04.37731560, vanthu_sotnmt@hanoi.gov.vn) tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân. Bình quân mỗi ngày, Sở tiếp nhận khoảng 25 lượt hỏi về quy trình giải quyết hồ sơ và các vấn đề chuyên môn liên quan đến lĩnh vực đất đai, qua đó giúp tháo gỡ vướng mắc của người dân. Cùng với đó là việc thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết vướng mắc, tồn đọng trong cấp GCN ở các quận, huyện.

- Việc cấp GCN còn nhiều vướng mắc, trong đó không ít trường hợp vướng từ cơ chế, chính sách. Ông có thể cho biết rõ hơn về công việc của Tổ công tác liên ngành?

- Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Tổ công tác liên ngành do Sở TN&MT là cơ quan thường trực, xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để lập hồ sơ đăng ký, cấp GCN cho các thửa đất còn tồn đọng. Tổ công tác liên ngành đã làm việc với 30/30 quận, huyện, thị xã, rà soát, phân loại các vướng mắc, các trường hợp tồn đọng. Trên cơ sở đó, thống nhất đề xuất UBND thành phố hướng giải quyết cho các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc phức tạp; đất lấn chiếm; cấp trái thẩm quyền; chuyển mục đích sử dụng sai quy định; đất có tranh chấp, khiếu kiện; đất không phù hợp với quy hoạch…

Gỡ “nút thắt” trong việc cấp GCN tại các dự án nhà ở

- Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 17-5-2016 của UBND thành phố, về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCN trên địa bàn thành phố, đặt ra mục tiêu: Việc đăng ký, cấp GCN hoặc lập hồ sơ quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng phải hoàn thành từ nay đến tháng 6-2017. Vậy, với các dự án phát triển nhà ở thì sao, nhất là với các trường hợp mua nhà ở dự án nhưng do sai phạm của chủ đầu tư mà chưa được cấp GCN?

- Trước hết, Sở TN&MT đã tham mưu để UBND thành phố rà soát, bổ sung, một số quy định với tinh thần cải cách hành chính. Cùng với đó, chúng tôi thống kê toàn bộ các trường hợp chưa kê khai, chưa cấp GCN trên địa bàn quận, huyện, bao gồm cả nhà ở tại dự án, lập kế hoạch và lộ trình thực hiện.

Đối với các dự án phát triển nhà ở, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố về việc cấp GCN cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong dự án phát triển nhà ở được thực hiện theo Khoản 1, Điều 32, Quyết định 37/2015/QĐ-UBND (quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác), kiểm tra hồ sơ pháp lý cấp GCN từ thời điểm chủ đầu tư ký hợp đồng bán nhà cho người mua, không đợi đến khi hoàn thành công trình; triển khai các bước thủ tục cấp GCN, bảo đảm khi chủ đầu tư bàn giao nhà, đồng thời Nhà nước trao GCN cho người mua.

Các trường hợp chủ đầu tư vi phạm quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch, chỉ những trường hợp vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực, do các ngành, các cấp khác nhau quản lý, Sở TN&MT mới thanh tra hoặc đề xuất thanh tra. Các trường hợp vi phạm không nghiêm trọng, liên quan đến một lĩnh vực quản lý, Sở TN&MT chủ động kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ khắc phục tồn tại, giải quyết cấp GCN cho người mua nhà.

Bên cạnh việc chủ đầu tư lập hồ sơ theo quy định, Sở TN&MT tiếp nhận cả hồ sơ của cá nhân mua nhà tự nộp. Đến nay, thành phố đã cấp 135.575 GCN cho người mua nhà, tại 279 dự án đã bàn giao nhà cho người mua.

- Hiện vẫn còn khoảng 11% dự án phát triển nhà ở chưa cấp được GCN, theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Đó là trường hợp, chủ đầu tư sau khi hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà ở, đã chậm trễ trong việc nộp hồ sơ, thủ tục cấp GCN cho người mua nhà; hoặc chậm bàn giao hồ sơ cho người mua nhà tự nộp. Trường hợp này, Sở TN&MT đã thông báo đến từng chủ đầu tư, yêu cầu lập hồ sơ hoặc bàn giao cho người mua nhà để thực hiện thủ tục cấp GCN. Cũng có trường hợp chưa thể cấp GCN cho người dân vì những sai phạm của chủ đầu tư. Tôi có thể ví dụ thế này, trường hợp tự ý xây dựng thêm một tòa nhà độc lập trong khuôn viên của dự án, nhưng không có trong quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt. Với những trường hợp này, Thanh tra thành phố sẽ kiểm tra, kết luận sai phạm và đề xuất UBND thành phố xử lý.

Hết năm 2016, cấp xong GCN cho các trường hợp dồn điền đổi thửa

- Với 18 huyện, thị xã thực hiện dồn điền đổi thửa, đến nay đã cấp được 187.376 trong tổng số 919.974 GCN, đạt tỷ lệ 20,4%, con số này có quá ít không, thưa ông?

- Với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp UBND thành phố chỉ đạo, thực hiện đo đạc, cấp GCN sau dồn điền đổi thửa, Sở TN&MT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương. Có thể nói, hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các cơ chế chính sách, con người, trang thiết bị cần thiết để đo đạc bản đồ, cấp GCN đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, việc triển khai ở cơ sở còn chậm. Theo tổng hợp, báo cáo của 18 huyện, thị xã, mới có huyện Ứng Hòa cấp được 137.101 GCN; huyện Đan Phượng cấp được 48.765 GCN; huyện Thường Tín cấp 1.122 GCN; huyện Phú Xuyên cấp 388 GCN. Các địa phương khác đang đo đạc bản đồ và hướng dẫn kê khai, hoàn thiện hồ sơ thủ tục.

Thêm nữa, tại Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND, ngày 11-3-2013, của UBND thành phố, quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012-2016 có nội dung: “Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại GCN sau dồn điền đổi thửa, xây dựng bản đồ theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện”. Tại Quyết định số 16/2012/

QĐ-UBND, ngày 6-7-2012 của UBND thành phố quy định trình tự thực hiện dồn điền đổi thửa như sau: UBND cấp xã có trách nhiệm xây dựng phương án, lập dự toán kinh phí việc đo đạc để cấp lại GCN; xây dựng bản đồ (theo định mức quy định của Nhà nước) trình UBND cấp huyện phê duyệt. Quá trình thực hiện, nhiều địa phương lúng túng khi áp dụng các quy định lập dự toán kinh phí thực hiện đo đạc để cấp lại GCN.

Một nguyên nhân nữa là một số địa phương đã dồn điền đổi thửa, đã giao ruộng cho các hộ gia đình, cá nhân, nhưng mới chỉ phê duyệt đề án nguyên tắc, chưa hoàn thiện, phê duyệt đề án dồn điền đổi thửa chi tiết, nên chưa đủ cơ sở cấp lại, cấp đổi GCN cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật đất đai. Một số địa phương đến nay mới xây dựng kế hoạch đo đạc, cấp lại, cấp đổi GCN sau khi thực hiện xong dồn điền đổi thửa.

- Sở TN&MT có tham mưu, đề xuất gì với UBND TP Hà Nội để giải quyết những vướng mắc này, thưa ông?

- Để bảo đảm hoàn thành cấp lại, cấp đổi GCN sau dồn điền đổi thửa trong năm 2016, thứ nhất, Sở TN&MT đã đề xuất Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” và UBND thành phố chỉ đạo các huyện, thị xã hoàn thiện việc phê duyệt đề án dồn điền đổi thửa với khu vực đã thực hiện xong, để có đủ cơ sở cấp GCN. Thứ hai, việc cấp lại, cấp đổi GCN kế thừa tối đa tài liệu, bản đồ, sơ đồ đã có để không bị phụ thuộc vào kết quả đo đạc; khi hoàn thành đo đạc bản đồ sẽ chỉnh lý, đăng ký biến động đất đai vào GCN đã cấp theo quy định.

Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa phương án giao đất theo Nghị định số 64/CP, GCN đã cấp, với diện tích ghi trong đề án dồn điền đổi thửa được duyệt và diện tích tại thực địa, thì thực hiện cấp lại, cấp đổi GCN mới cho hộ gia đình, cá nhân theo diện tích ghi trong đề án dồn điền đổi thửa đã được UBND cấp huyện phê duyệt. Trường hợp thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng, thì áp dụng biện pháp cấp chung một GCN cho các chủ sử dụng đất, trên GCN ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất; không chia tách thửa đất, cấp GCN cho từng nhân khẩu nông nghiệp, để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún. Sở cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp nêu tại Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 17-5-2016, của UBND thành phố, thực hiện việc cấp lại, cấp đổi GCN sau dồn điền đổi thửa bảo đảm chất lượng, tiến độ, đúng quy định của pháp luật.

- Theo yêu cầu của UBND thành phố, hết năm 2016 các địa phương phải hoàn thành cấp lại, cấp đổi GCN đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa. Nhưng đến nay vẫn còn khoảng 80% khối lượng công việc. Cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ, đạt mục tiêu thành phố đề ra?

- Đến nay, các huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, tổ chức giao chỉ tiêu thực hiện cấp lại, cấp đổi GCN cho các hộ gia đình, cá nhân sau khi dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp. Kế hoạch được xây dựng chi tiết theo từng tháng, từng quý cho từng xã, phường, thị trấn để bảo đảm triển khai hiệu quả. Định kỳ hằng tuần, Sở TN&MT đôn đốc các huyện, thị xã báo cáo kết quả thực hiện. Trong quá trình triển khai, Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã giải quyết vướng mắc phát sinh; trường hợp vượt thẩm quyền, Sở TN&MT tổng hợp, đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và UBND thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết. Tôi tin rằng, với quyết tâm cao nhất của Ngành TN&MT cùng sự nỗ lực, dốc sức của các địa phương, cơ sở, việc cấp đổi, cấp lại GCN sau dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp sẽ bảo đảm đúng tiến độ đặt ra.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ "nút thắt", đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.