Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng:Đẩy mạnh trọng dụng nhân tài, góp phần dựng xây Thủ đô

Hiền Chi| 08/10/2017 06:17

(HNM) - Hôm nay 8-10, TP Hà Nội tổ chức tuyên dương 84 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô. Đây là năm thứ 15 liên tiếp, thành phố tổ chức hoạt động này nhằm thu hút tài năng trẻ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng.



Hơn 1.600 Thủ khoa được vinh danh

- Tuyên dương các Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô đã trở thành một hoạt động thường niên. Xin ông cho biết ý nghĩa cũng như tiêu chí của hoạt động này là gì?

- Thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, từ năm 2003 đến nay, UBND thành phố đã tổ chức nhiều đợt tuyên dương, khen thưởng, tuyển dụng, trọng dụng đối với sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, Thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Việc làm này còn là chính sách của thành phố nhằm trọng dụng, đãi ngộ thiết thực, thu hút ngày càng nhiều nhân tài, đáp ứng sự nghiệp phát triển của Thủ đô và đất nước.

Thủ khoa xuất sắc được thành phố tuyên dương phải có đủ các tiêu chuẩn: Là Thủ khoa cấp trường, sinh viên thuộc hệ chính quy, dài hạn tập trung, có kết quả học tập toàn khóa đạt loại giỏi, có điểm rèn luyện xuất sắc, có đóng góp tích cực trong công tác Đoàn, công tác Hội Sinh viên và phong trào thanh niên; đạt giải thưởng trong kỳ thi quốc gia, quốc tế hoặc giải thưởng sáng tạo công nghệ, giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường trở lên.

- Đã có bao nhiêu Thủ khoa được tuyên dương trong 15 năm qua, thưa ông?

- Từ năm 2003 đến năm 2016, thành phố đã tuyên dương 1.533 sinh viên Thủ khoa tốt nghiệp. Đặc biệt, hằng năm, các thủ khoa có nhiều thành tích nổi bật được vinh danh tại Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen công nhận danh hiệu Thủ khoa xuất sắc.

Năm nay, thành phố đã xét chọn, tuyên dương 84 Thủ khoa xuất sắc. Như vậy, sau 15 năm (tính cả năm 2017), có 1.617 Thủ khoa được vinh danh, nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố.

- Xin ông cho biết rõ hơn về những Thủ khoa được thành phố tuyên dương hôm nay?

- Trong số 84 Thủ khoa xuất sắc được tuyên dương hôm nay có 32 nam và 52 nữ. Khối ngành kỹ thuật có 19 Thủ khoa; khối ngành quản lý - văn hóa - xã hội 19 Thủ khoa; khối ngành kinh tế 18 Thủ khoa; khối ngành sư phạm, y - dược 12 Thủ khoa; khối lực lượng vũ trang 16 Thủ khoa. Trong đó, 50 Thủ khoa có kết quả học tập đạt loại xuất sắc (điểm học tập ≥ 9,0/10,0 theo đào tạo niên chế và ≥ 3,6/4,0 theo đào tạo tín chỉ); 34 Thủ khoa có kết quả học tập đạt loại giỏi.

Nhiều chính sách “hút” người tài

- Cùng với tuyên dương Thủ khoa xuất sắc, TP Hà Nội đã có những chính sách thiết thực để thu hút nhân tài, trong đó, Nghị quyết 14/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố về Chính sách trọng dụng nhân tài được ví như "luồng gió mới". Vậy, cho đến nay, Hà Nội đã thu hút được nhiều nhân tài không, thưa ông?

- Xác định, chính sách trọng dụng nhân tài là cơ chế đặc thù giúp Hà Nội tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời cụ thể hóa Khoản 2, Điều 13 Luật Thủ đô, ngày 17-7-2013, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 14/2013/NQ-HĐND về Chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong đó, có nhiều đổi mới về chính sách tuyển dụng và chế độ đãi ngộ.

Cụ thể, Thủ khoa xuất sắc là một trong các đối tượng trong diện thu hút nhân tài. Nếu đối tượng này có nguyện vọng về làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố sẽ được hưởng các chính sách đãi ngộ, như: Được tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển hoặc xét tuyển đặc cách vào viên chức; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận. Sau hai năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí trích từ Quỹ Ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng trẻ thành phố, bao gồm: Học phí, tiền tài liệu, tiền hỗ trợ hằng tháng đi học bằng 1,5 mức lương tối thiểu, hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ bằng 30 lần mức lương tối thiểu và luận án tốt nghiệp tiến sĩ bằng 80 lần mức lương tối thiểu…

Tính từ năm 2003 đến nay, thành phố đã tuyển dụng được gần 300 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có 156 Thủ khoa, Thủ khoa xuất sắc. Riêng Sở Nội vụ đã tuyển dụng 3 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia, Trường Đại học Kinh tế quốc dân vào làm việc.

- Dư luận xã hội cũng như các Thủ khoa sau khi làm việc tại các cơ quan nhà nước đánh giá như thế nào về chính sách của thành phố, thưa ông?

- Chính sách thu hút, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được các cấp, các ngành thành phố đón nhận, dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao. Thủ khoa xuất sắc được các cơ quan, đơn vị tiếp nhận đánh giá có khả năng nhanh chóng tiếp cận công việc mới, hoàn thành tốt công việc được giao, một số có khả năng phát triển tốt ở các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục.

- Rõ ràng, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ thiết thực, song, trên thực tế mới có khoảng 10% Thủ khoa xuất sắc về “đầu quân” cho các cơ quan của thành phố. Theo ông, đâu là nguyên nhân
?

- Qua theo dõi có khoảng 80% Thủ khoa sau khi được tuyên dương đi học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ, học ở nước ngoài... không đăng ký nguyện vọng về làm việc theo chế độ ưu tiên. Khoảng 20% có nguyện vọng, nhưng chuyên ngành đào tạo của một số Thủ khoa không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố. Chính sách tiền lương của Nhà nước đối với công chức, viên chức còn hạn hẹp, chưa có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người có tài năng. Trong khi đó, chính sách tiền lương của thành phố không thể vượt qua quy định của Trung ương. Mặc dù thành phố đã có chính sách đãi ngộ (hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận), nhưng còn ở mức thấp so với các địa phương khác. Chế độ đãi ngộ, đặc biệt là tiền lương hằng tháng cho nguồn nhân lực chất lượng cao cũng còn thấp, không có điểm khác so với chế độ tiền lương của các đối tượng khác trên cả nước. Đây là rào cản lớn trong việc thu hút, lựa chọn, giữ tài năng trẻ về công tác lâu dài tại thành phố.

Ngoài ra, thành tích, kết quả học tập tại trường đại học của Thủ khoa xuất sắc đều cao, nhưng kiến thức thực tế còn hạn chế nên khi mới được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cơ quan quản lý hành chính, các Thủ khoa còn gặp khó khăn trong tiếp cận công việc.

- Thành phố có đề xuất gì để khắc phục bất cập, thưa ông?


- Hiện nay, Bộ Nội vụ đang dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài. Thành phố đề xuất: Một là, quy định phân cấp toàn diện cho địa phương trong việc quyết định tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; các bộ, ngành giám sát và hậu kiểm. Hai là, có cơ chế đặc thù về chế độ tiền lương đối với một số thành phố lớn trực thuộc trung ương, trong đó có Hà Nội, tạo điều kiện và căn cứ pháp lý tuyển dụng thu hút lực lượng này.

Tuyên dương và tuyển dụng Thủ khoa xuất sắc (xét chọn trong số các thủ khoa) là chính sách đặc thù của TP Hà Nội. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn nhân lực chất lượng cao từ nguồn thủ khoa tốt nghiệp các cơ sở đào tạo đại học, cần thiết nghiên cứu, sửa đổi các quy định của thành phố. Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan có văn bản báo cáo sau.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Ngoài chính sách ưu đãi đối với người tốt nghiệp xuất sắc, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức?

- Đúng vậy! Với mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công chức ở cơ sở, ngày 27-11-2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5485/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015 của TP Hà Nội. Mục đích của Đề án là tăng cường công chức cấp xã được đào tạo cơ bản, có trình độ đại học trở lên cho các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các xã xa trung tâm thành phố, ưu tiên những địa phương hiện tại thiếu về số lượng, yếu về chất lượng đội ngũ công chức ở cơ sở. Đây cũng là nguồn bổ sung cho đội ngũ công chức còn thiếu ở cấp huyện trở lên.

- Sau một thời gian triển khai Đề án, kết quả đạt được có như mong muốn không, thưa ông?

- Tính đến tháng 9-2017, đã có 714 công chức nguồn được tuyển dụng, phân công về làm việc tại UBND các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố. 480 trường hợp đã được công nhận hết thời gian tập sự và bổ nhiệm chính thức vào công chức cấp xã. Còn 264 học viên khóa cuối cùng đang đi thực tập. Dự kiến, sau khi tốt nghiệp, các em sẽ được phân công công tác vào cuối quý II-2018.

Có thể khẳng định, chủ trương thí điểm đào tạo công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015 của thành phố là đúng đắn, hiệu quả. Bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến về chất lượng của đội ngũ công chức cơ sở, góp phần tăng cường công chức trẻ, được đào tạo bài bản về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng với yêu cầu xây dựng, phát triển của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng:Đẩy mạnh trọng dụng nhân tài, góp phần dựng xây Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.