Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấn tượng Ma-lai-xi-a

ANHTHU| 21/01/2008 09:31

Một điệu múa đón khách truyền thống của người dân Ma-lai-xi-a(HNM) - Sau 3 tiếng 15 phút bay từ sân bay quốc tế Nội Bài,  đoàn nhà báo Việt Nam đã có mặt tại Thủ đô Ku-a-la Lăm-pơ của Ma-lai-xi-a. Sự phát triển của quốc gia gần 25 triệu dân này được cảm nhận rất rõ với bất kỳ ai khi đặt chân đến sân bay quốc tế Ku-a-la Lăm-pơ. Đường vào trung tâm rộng 12 làn xe, sạch bong, hai bên là những đồi cọ cùng những thảm cỏ xanh mượt.

Chúng tôi đến Ma-lai-xi-a đúng vào mùa mưa. Hằng năm, mùa mưa ở đây bắt đầu từ tháng 12 đến hết tháng 2 năm sau. ở Ma-lai-xi-a, thời tiết quanh năm thường nóng và ẩm ướt. Nhiệt độ hiếm khi xuống dưới 200C kể cả vào ban đêm, và thường lên đến 300C hoặc hơn thế vào ban ngày. Những cơn mưa rào bất chợt, thậm chí mưa cả ngày hoặc vài ngày liền, khiến du khách đến Ma-lai-xi-a mùa này luôn phải mang theo chiếc ô hay áo mưa. Du khách đến Ma-lai-xi-a đông nhất là từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm.

Ấn tượng đầu tiêu của chúng tôi khi đặt chân đến Thủ đô Ku-a-la Lăm-pơ là hệ thống giao thông hiện đại vào bậc nhất trong khu vực ASEAN của quốc gia Hồi giáo này. Cách sân bay quốc tế Ku-a-la Lăm-pơ hơn 70 km, thủ đô Ku-a-la Lăm-pơ còn được biết đến với tên gọi tắt theo tiếng Anh là “Kây en” (KL). Từ năm 1972, Ku-a-la Lăm-pơ mới chính thức trở thành thủ đô của Ma-lai-xi-a. Sau hơn 35 năm xây dựng và phát triển, đến nay KL thực sự là thành phố của cây xanh và ánh sáng; thành phố tràn đầy năng lượng, một sự pha trộn giữa nét hiện đại với vẻ quyến rũ mộc mạc của quá khứ.

Các tuyến đường nối với trung tâm thủ đô KL đều có từ 6 đến 12 làn xe chạy. Mặt đường phẳng lỳ, sạch bong. Hầu hết các ngã tư, ngã năm đều có cầu vượt nhằm hạn chế ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; hay những cây cầu dành cho người đi bộ sang đường. Hơn một tuần ở Ma-lai-xi-a, ít khi chúng tôi nhìn thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông trên đường phố, hay nghe thấy những tiếng còi xe của người tham gia giao thông. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy xuất hiện như những chiếc xe đạp lưa thưa trên đường phố Hà Nội hiện nay. Chị hướng dẫn viên du lịch Wong Lee Fern cho biết, không biết từ bao giờ người đi mô tô, xe máy ở đây đã đội mũ bảo hiểm. Điều đó chứng tỏ ý thức chấp hành luật giao thông của người dân rất cao.

Một điều khiến chúng tôi cũng như du khách nước ngoài đến Ma-lai-xi-a thực sự quan tâm, đó là văn hóa ẩm thực. Theo chị hướng dẫn viên, Ma-lai-xi-a phải nhập khẩu hầu hết lương thực, thực phẩm từ các nước như Thái Lan, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc... Đi trên đường phố thủ đô KL, bạn nhìn thấy rất nhiều quán ăn bên đường, thậm chí có cả những quán cơm ở vỉa hè, với giá rất khác nhau. Nhiều nhất vẫn là hiệu ăn của người Trung Quốc. Cách chế biến món ăn ở đây tương đối đặc biệt, đó là sự kết hợp giữa hương vị từ các nước Trung Quốc, ấn Độ và các cộng đồng dân tộc khác của Ma-lai-xi-a. Bữa chính của người Ma-lai-xi-a không thể thiếu hai món, đó là thịt gà và cá. Hầu hết các món ăn đều có ớt, dầu ăn và dùng nước xốt. Một món ăn tương đối đắt, đó là rau, vì rau Ma-lai-xi-a phải nhập khẩu gần như 100%. Trong các quán ăn bên đường, một đĩa thịt gà có giá khoảng 16 ringgit, nhưng một đĩa rau là 22 ringgit (hơn 100 nghìn đồng VN). Ma-lai-xi-a là quốc gia Hồi giáo. Những người theo đạo Hồi không dùng các đồ uống có cồn, nên mặt hàng này bị đánh thuế rất cao khi nhập khẩu vào Ma-lai-xi-a.

Ma-lai-xi-a là đất nước của những lễ hội và văn hóa, ẩm thực... vì đây là quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo. Mỗi năm có tới hàng trăm lễ hội được tổ chức trên khắp cả nước. Những lễ hội văn hóa như “Sắc màu Ma-lai-xi-a”; “Lễ hội nước” v.v... Một trong những lễ hội lớn nhất ở Ma-lai-xi-a là “Lễ hội bán hàng giảm giá”, được phát động trên tất cả 13 tiểu bang vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm; hay thời điểm Lễ Noel và đầu năm mới. Tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ đều giảm giá từ 10 đến 80%. Đây là dịp để du khách trong khu vực đổ đến Ma-lai-xi-a mua sắm.

Những ngày ở Ma-lai-xi-a chúng tôi nhận thấy, cuộc sống của người dân lao động tương đối khó khăn, đặc biệt là những người lao động nhập cư. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 700 đến 2.000 ringgit/tháng (từ 3 triệu đến 9 triệu đồng VN). Người có trình độ, bằng cấp thì thu nhập cao hơn. Chị Sa-la-mát A-li, một nhân viên của Bảo tàng Tê-reng-ga-ru, thuộc tiểu bang Tê-reng-ga-ru cho biết, thu nhập mỗi tháng của chị được 700 ringgit, trong đó chị phải tiêu rất nhiều thứ như: tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học cho con... số còn lại chẳng được là bao. Nhiều người lao động phải thuê nhà ở ngoại ô thủ đô KL để ở cho rẻ, nhưng mỗi tháng cũng mất khoảng từ 300 đến 500 ringgit. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở không phải là gánh quá nặng đối với người lao động nghèo của Ma-lai-xi-a, vì chính phủ đã thực hiện chính sách trợ giá hay mua nhà trả góp. Một căn hộ chung cư dành cho người nghèo từ 60 đến 70 mét, có giá khoảng 25 đến 30 nghìn ringgit. Tuy nhiên, những ngôi nhà loại này rất khó bán, vì bị đánh thuế rất cao. Việc đầu cơ vào thị trường nhà đất ở Ma-lai-xi-a tương đối trầm, một mặt do thuế cao, mặt khác chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát được thu nhập của người dân thông qua các giao dịch tại ngân hàng và trả lương qua thẻ ATM. Các giao dịch lớn rất ít khi sử dụng tiền mặt.

Nhiều người rất ngạc nhiên là hiếm khi thấy những tiệm gội đầu hay cửa hàng trang điểm sắc đẹp cho chị em phụ nữ ở đây. Điều này cũng dễ hiểu vì ở quốc gia Hồi giáo này, phụ nữ khi ra đường đều phải đội khăn kín mít, chỉ để hở khuôn mặt hoặc đôi mắt. Một số thiếu nữ Ma-lai-xi-a cách tân hơn mặc những chiếc quần bò, áo phông nhưng vẫn không quên chiếc khăn đội đầu. Đây cũng là một nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và tín ngưỡng ở Ma-lai-xi-a.

Bài và ảnh: Tuấn Minh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng Ma-lai-xi-a

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.