Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong khó khăn vẫn có cơ hội

Lâm Vũ| 19/06/2014 06:56

(HNM) - Trong mấy tháng gần đây, lượng khách quốc tế đến Hà Nội có xu hướng giảm. Điển hình, nếu tháng 4, số lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 284.000 lượt thì sang tháng 5, con số này chỉ là 250.000 lượt. Theo dự đoán của các chuyên gia, trong các tháng tiếp theo, lượng khách sẽ còn sụt giảm. Vậy Hà Nội ứng phó với tình trạng này như thế nào?

Lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội có xu hướng giảm. Ảnh: Bá Hoạt



- Xin ông cho biết đôi nét về tình hình khách quốc tế đến Hà Nội thời gian vừa qua?

- Trong 5 tháng đầu năm 2014, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt trên 1,23 triệu lượt, tăng khoảng 15% so với năm 2013. Riêng trong 2 tháng gần đây, lượng khách quốc tế có dấu hiệu suy giảm, tháng 4 giảm so với tháng 3 và tháng 5 giảm so với tháng 4 nhưng cũng phù hợp với quy luật. Mùa cao điểm khách du lịch quốc tế vào Hà Nội rơi vào khoảng quý I và quý IV. Trong quý I, khách đến rất đông nhưng sau đó vào tháng 4, tháng 5, thông thường sẽ giảm dần. Tuy nhiên, trong tháng 5 ngành du lịch bắt đầu gặp khó khăn. Từ ngày 15-5 đến nay, gần như khách du lịch Trung Quốc không vào Hà Nội. Đây là một rủi ro vì bản thân du lịch là ngành hết sức nhạy cảm, khi có những vấn đề liên quan đến chính trị, thiên tai hoặc khủng bố thì nó tác động gần như ngay lập tức và rất nghiêm trọng đến nguồn khách du lịch. Tuy nhiên, khó khăn này cũng sẽ là cơ hội để Hà Nội xác định các thị trường trọng điểm và tiềm năng, từ đó xúc tiến du lịch, đẩy mạnh thu hút khách.

- Thực tế cho thấy không ít khách quốc tế tỏ ra lo ngại khi đến Hà Nội vào thời điểm nhạy cảm này. Vậy Hà Nội có giải pháp nào để trấn an du khách?

- Sự lo lắng của du khách trong thời điểm hiện nay là tâm lý bình thường. Theo tôi, để trấn an du khách thì phải mở rộng các hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền đối ngoại, thông tin kịp thời, trung thực, rộng rãi, đầy đủ về những cố gắng, nỗ lực và những nguyên tắc của Việt Nam trong việc giải quyết mâu thuẫn trên Biển Đông theo con đường hòa bình, đối thoại. Nếu như chúng ta tuyên truyền tốt để du khách có đầy đủ thông tin và nhận thức được những điều trên thì người ta sẽ bớt lo ngại.

- Theo dự đoán của các chuyên gia, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ còn gặp rất nhiều thách thức. Vậy, Hà Nội đã có những giải pháp gì để vượt qua khó khăn này?

- Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến các thị trường gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Nga và một số nước Đông Âu gồm Ba Lan, Séc, Hungary. Cụ thể, về thị trường khách du lịch Nhật Bản, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường Nhật Bản do đây là thị trường khách lớn (có 20 triệu người đi du lịch nước ngoài hằng năm), có khả năng chi trả cao, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản ngày càng tốt đẹp. Hà Nội sẽ tham gia hội chợ du lịch JATA Nhật Bản, thực hiện việc quảng bá đối ứng giữa Hà Nội với Tokyo nhằm thu hút đông đảo du khách Nhật Bản đến Hà Nội. Với các thị trường khác, Hà Nội sẽ tích cực tham gia các hội chợ du lịch, tổ chức các hội nghị xúc tiến du lịch tại các nước, đón các đoàn khảo sát của doanh nghiệp lữ hành gửi khách và báo chí du lịch từ các thị trường này đến khảo sát du lịch Hà Nội. Hà Nội cũng sẽ triển khai kế hoạch quảng bá du lịch trên các trang web du lịch danh tiếng và uy tín trên thế giới như TripAdvisor, Smart Travel Asia. Tuy nhiên, sự nỗ lực của riêng Hà Nội là không đủ. Hà Nội mong muốn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch chỉ đạo các ngành có liên quan trên toàn quốc như hàng không, đường sắt, vận chuyển khách đường bộ, đường thủy; các cơ sở lưu trú, các trung tâm thương mại, các ngân hàng... tham gia tích cực vào chiến dịch kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục tạo thuận lợi về visa cho khách đến Việt Nam, mở rộng đối tượng khách được miễn visa đến các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như Nga, Pháp; nghiên cứu ban hành chính sách xét cấp visa tại cửa khẩu đối với một số thị trường khách du lịch phù hợp.

- Khi thực hiện các giải pháp nêu trên, theo ông khách quốc tế đến Hà Nội sẽ tăng trở lại?

- Chúng tôi kỳ vọng khi làm tốt các hoạt động xúc tiến quảng bá ở nhiều thị trường quan trọng và rất tiềm năng trên thì sẽ đẩy được lượng khách du lịch từ thị trường đó vào Hà Nội. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi thời gian. Chúng ta không thể vọng tưởng rằng ngay sau khi có một hoạt động quảng bá, xúc tiến là khách du lịch sẽ vào ngay. Vì về cơ bản khách du lịch, đặc biệt là từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia... thường lên kế hoạch cho chuyến đi trước nửa năm, thậm chí hằng năm. Như vậy, phải nhận định rằng dù chúng ta làm rất tốt khâu quảng bá xúc tiến thì lượng khách quốc tế vào Hà Nội năm nay chắc chắn vẫn có sự suy giảm. Nhưng chúng tôi hy vọng là sang năm sau và năm sau nữa lượng khách du lịch quốc tế vào Hà Nội sẽ tăng lên.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trong khó khăn vẫn có cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.