Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người biết níu chân du khách

Nguyễn Mai| 03/08/2014 06:02

(HNM) - Ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây từ lâu người dân đã quen với mô hình phát triển du lịch làng cổ.



Đáng kể là ở đây có một người phụ nữ đã quyết trí tìm hướng đi mới, làm đa dạng các dịch vụ du lịch để "níu" chân du khách và quan trọng hơn là giúp người dân làng cổ có thêm việc làm, thêm thu nhập. Đó chính là chị Nguyễn Thị Thu, người thôn Mông Phụ…

Gian hàng gốm sứ phục vụ du khách của chị Thu.


Sinh ra và lớn lên ở đất Kẻ Chợ, nhưng quãng thời gian mấy chục năm làm dâu xứ Đoài đã giúp chị Thu hiểu hơn về mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Dù cuộc sống người dân không giàu, nhưng bù lại nơi đây có cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp. Nhớ lại khởi nguồn về ý tưởng mở phòng tranh, phòng gốm, chị Thu bộc bạch: Khi mới nghỉ hưu, tôi nghĩ ngay đến việc phải làm một việc gì đó để cuộc sống có ý nghĩa. Thấy làng Đường Lâm (quê chồng) là một làng cổ rất đẹp, đã được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, lại đúng lúc bà con ký đơn xin trả lại danh hiệu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, không những một lần mà tới tận 3 lần, tôi rất băn khoăn: Tại sao làng quê mình đẹp như vậy, được Nhà nước công nhận di sản mà dân lại không muốn? Tìm hiểu mới thấy bà con trong làng còn rất nhiều khó khăn nên không thấy được lợi ích từ du lịch. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa hỗ trợ được nhiều người dân tận dụng các lợi thế du lịch. Số tiền thu được từ bán vé tham quan chỉ hỗ trợ các gia đình có nhà cổ 200 nghìn đồng/tháng. Điều đó chưa hợp lý, bởi các gia đình có nhà cổ đều phải bố trí một người ở nhà để mở cửa, quét dọn, pha trà, đón khách đến tham quan. Số tiền 200 nghìn đồng/tháng thì chỉ bằng một ngày tiền công đi cấy gặt thuê ở quê, vì thế mà chẳng gia đình nào mặn mà. Hơn nữa, đã là nhà cổ được công nhận thì phải giữ nguyên hiện trạng, trong khi rất nhiều hộ bức xúc vì chỗ ở chật chội, muốn cải tạo, cơi nới, thậm chí phải chia nhỏ phần đất cho con cái đã trưởng thành… Trong quá trình mở doanh nghiệp, chị Thu nhận thấy khách du lịch đến làng rất thích, song các công ty lữ hành lại không mấy vui vì sản phẩm du lịch sơ sài, đi mỏi chân chẳng mua được gì, ngoại trừ vài món quà quê như chè lam, bánh tẻ, kẹo...

Nhằm tạo ra những điểm nhấn cho làng cổ, năm 2013, chị Thu đã mở phòng bán tranh thêu. Khách nước ngoài ghé qua mua hàng cũng khá đông, thu nhập cũng khá. Tranh được mua từ các làng thêu ở huyện Thường Tín. Một ý tưởng nảy sinh trong đầu chị Thu, tại sao mình không tự thêu và bán sản phẩm cho du khách lại vừa tạo thêm việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập của người dân, trong khi ở Làng cổ Đường Lâm không có nhiều nghề phụ như ở các địa phương khác? Nghĩ là làm, đúng dịp hè là thời điểm khách đến Đường Lâm vắng nhất trong năm, chị đã tập hợp phụ nữ trong làng để mở lớp học thêu. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị em đã nắm bắt được nghề, đã có thể tự tay làm ra các sản phẩm. "Đầu ra" bao nhiêu, chị Thu đứng ra bao tiêu hết. Nhiều chị em có nhà cổ đã tự thêu tranh, tự bán sản phẩm ngay tại nhà. Một số khác tiếp tục làm cho xưởng của chị Thu. Thấy công việc mới hiệu quả, chị Thu đã thành lập Công ty cổ phần Du lịch Làng cổ Đường Lâm. Năm 2014, chị Thu tiếp tục tổ chức cho chị em nâng cao nghề thêu, đầu tư vốn mua một số máy thêu để thực hiện những bức tranh lớn.

Nguồn: Internet


Đường Lâm còn có nghề gốm cổ truyền, trước đây từng có Xí nghiệp Gốm Đền Và, song cũng không phát triển được. Để duy trì, hồi phục nghề truyền thống của quê hương, chị Thu lại tiếp tục mở các lớp dạy nghề gốm. Chị còn ấp ủ dự định đưa nghề mây, giang đan về địa phương để giúp cho người dân có thêm thu nhập, và để Làng cổ Đường Lâm hấp dẫn hơn trong mắt du khách gần xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người biết níu chân du khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.