Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải hài hòa khai thác giá trị di sản và bảo tồn

Lâm Vũ| 19/11/2014 06:52

(HNM) - Ý tưởng xây dựng tuyến cáp treo từ trung tâm Phong Nha vào khu vực hang Sơn Đoòng nhằm mục tiêu khai thác giá trị di sản kết hợp với bảo tồn. Dù các bên tham gia xây dựng dự án đã xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, đặc biệt là về phương diện bảo tồn di sản

Hang Sơn Đoòng, một trong những điểm du lịch mạo hiểm hấp dẫn khách du lịch.



* Chuyên gia địa chất Vũ Lê Phương (Viện Địa chất và Địa vật lý biển - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), người đã cùng đoàn nghiên cứu người Anh khám phá động Sơn Đoòng vào năm 2009:

Trong cuộc họp báo vào ngày 4-11, tỉnh Quảng Bình khẳng định hệ thống cáp treo chỉ đi trên hang động, giữ một khoảng cách an toàn đối với hang Sơn Đoòng; sẽ hạn chế số lượng trụ cáp ở mức ít nhất, sử dụng nhà ga nhỏ nhất. Tuy nhiên, tuyến thi công như vậy vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về địa chất. Đặc điểm của toàn bộ khối đá vôi Kẻ Bàng là ngoài các tuyến đứt gãy lớn thể hiện qua các hang động, nó còn bị dập vỡ rất nhiều, tạo thành các khe nứt nhỏ. Dù chỉ xây dựng 2 ga nhưng vẫn phải khoan, đục với rất nhiều sắt thép, con người xuất hiện trong khu vực cần bảo tồn. Do dự án chưa công khai cụ thể nên chưa thể nhận xét về phương án xử lý liên quan đến vấn đề môi trường sinh thái, song, nhiều chuyên gia địa chất cảnh báo rằng hang Sơn Đoòng là đầu nguồn của hang Phong Nha, mọi tác động từ khu vực này đều có khả năng tác động tiêu cực đến khu vực hang Phong Nha và sông Son nằm bên dưới hạ lưu.

Khu vực xung quanh 300m từ cửa sau hang chủ yếu là các dạng lèn đá, đá tai mèo dốc đứng, du khách sẽ khá khó khăn nếu muốn tiếp cận hang. Do đó, để tạo thuận lợi cho du khách, cần xây cầu thang tiếp nối ở cửa hang. Khu vực này cây cối mọc rậm rạp, trong hang tối nên muốn ngắm các thành tạo của hang thì phải mắc đèn chiếu sáng. Ngoài ra, sẽ cần làm lối đi trên cao để tránh tổn hại các thành tạo nhạy cảm. Khu vực cửa hang nhiều bùn, khá bẩn nên dễ làm thất vọng du khách muốn đi du lịch kiểu nhàn nhã, sạch sẽ, "cưỡi ngựa xem hoa". Và đặc biệt là các cảnh đẹp nhất của hang Sơn Đoòng lại không nằm ở cửa hang. Chính vì vậy, lý do xây cáp treo để "tạo điều kiện cho mọi người tham quan hang" sẽ không còn hiệu quả.

Việc có quá nhiều người cùng xuất hiện với vô số âm thanh, tiếng ồn, nhiệt độ thay đổi, sự đụng chạm, sờ mó, đục đẽo, thậm chí, tệ hơn là đi vệ sinh bừa bãi, xả rác... có sức tàn phá nhanh hơn bất kỳ tác động tự nhiên nào. Có thể thấy rõ điều này tại Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), hang động ở khu vực vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Sau một thời gian mở cửa đón du khách, nhũ đá tại các địa điểm này đã bị đen xỉn hoặc mọc rêu xanh chứ không còn màu nhũ trắng tinh khiết như lúc mới được khám phá, chủ yếu do tác động của khí CO2, hơi người và khói.

Thám hiểm hang động Sơn Đoòng.



* Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tour:

Mỗi sản phẩm du lịch đều mang tính đặc thù và mỗi một điểm đến cũng vậy. Hang Sơn Đoòng là sản phẩm du lịch mạo hiểm, phù hợp với đối tượng du khách nhất định. Sản phẩm du lịch này đòi hỏi chuyến khám phá phải có tính mạo hiểm để người ta nỗ lực vượt qua. Vì vậy, nếu chúng ta đưa một sản phẩm tour dễ dàng, đưa cáp treo vào thì sẽ ảnh hưởng đến giá trị nguyên gốc của Sơn Đoòng - lý do khiến khách háo hức tìm đến, Sơn Đoòng lúc ấy không khác các điểm như động Phong Nha, hang Thiên Đường... Khách nước ngoài không đến Việt Nam để cảm nhận cáp treo, mà muốn tìm sự khác biệt mà chỉ Việt Nam có.

Về góc độ kinh tế, thời gian qua, hang Sơn Đoòng đã được đưa vào khai thác nhưng hiệu quả chưa cao. Nếu đưa cáp treo vào thì có thể tổng doanh thu tăng lên, nhưng nếu tính chi phí đầu tư thì hiệu quả kinh tế chưa chắc đã tốt. Trong khi đó, Quảng Bình còn rất nhiều điểm đến khác mà rất nhiều người mong muốn đến đó nhưng lại chưa được đầu tư. Như du lịch biển của Quảng Bình, tiềm năng rất lớn nhưng hạ tầng còn rất hạn chế, đơn cử như cứ mùa hè đến là lại "đau đầu" chuyện phòng ốc.

* Ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt, chuyên khai thác các tour du lịch mạo hiểm:

Việc xây dựng cáp treo Sơn Đoòng có làm tổn hại đến hang động hay không thì không thể xem xét một cách cảm tính được. Tôi biết động Batu ở Malaysia đã bị cấm vĩnh viễn dự án cáp treo vào động từ năm 2013, sau 6 năm tranh luận. Malaysia cũng không làm cáp treo lên đỉnh Kinabalu, nóc nhà ASEAN bởi đó là thương hiệu quốc gia, không thể bán buôn. Tóm lại, dù bất cứ một phương án nào được đưa ra, trước các ý kiến còn khác nhau cần phải xem xét một cách khoa học, bảo đảm hài hòa các lợi ích, đặc biệt là phải hài hòa giữa việc khai thác giá trị di sản và bảo tồn.

Tuyến cáp treo dự kiến dài 10,6km, gồm 2 chặng, xuất phát từ cửa động Phong Nha đến ga thứ nhất tại Trạ Ang (dài 6.788m) và đến ga thứ hai ở khu vực cửa sau động Sơn Đoòng (dài 3.87#2m). Nhà ga này cách cửa động khoảng 300m. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng ở độ cao 50-250m. Dự án gồm 30 trụ cáp, mỗi trụ xây dựng không quá 10m2 đất rừng, đồng thời trên mỗi trụ có gắn camera, góc quay 360 độ để quan sát bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.

Ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Sungroup (chủ đầu tư dự án) cho biết: Tuyến cáp được thi công bằng công nghệ cáp công vụ, vận chuyển vật liệu đi qua ngọn cây, hoặc theo các lối mòn nên sẽ không phải chặt hạ cây. Cho tới thời điểm này, Sơn Đoòng chỉ có thể tổ chức tour khám phá cho khoảng vài trăm du khách/năm, số thu rất nhỏ so với danh tiếng của một di sản ở tầm thế giới. Cáp treo Sơn Đoòng sẽ giúp việc đi lại, khám phá hang động dễ dàng hơn, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải hài hòa khai thác giá trị di sản và bảo tồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.