Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành công nghiệp "không khói": Làm gì vượt qua khủng hoảng?

Xuân Lộc| 13/06/2015 06:26

(HNM) - Có lẽ chưa bao giờ ngành công nghiệp


Mạo hiểm khi tổ chức tour đến vùng dịch

Diễn biến phức tạp của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) trong những ngày qua đã ảnh hưởng rõ rệt tới du lịch, đặc biệt là tour đi Hàn Quốc. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay dịch bệnh MERS-CoV đang lưu hành tại 26 nước, trong đó Hàn Quốc trở thành nước thứ hai ghi nhận nhiều ca mắc MERS-CoV sau Saudi Arabia. Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Campuchia cũng khuyên người dân không nên đến xứ Kim chi nếu không thực sự cần thiết. Ước tính có khoảng 45.000 người từ Trung Quốc (đặc biệt là khu vực Đài Loan, Hồng Kông) đã hủy kế hoạch đến Hàn Quốc. Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo người dân hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh MERS-CoV khi không cần thiết. Theo ghi nhận những ngày qua tại nhiều công ty lữ hành lớn của Việt Nam như Hanoi Redtour, Vietrantour, Saigontourist, Vietravel… đã hủy hoặc hoãn các chuyến đi tới Hàn Quốc.

Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Thảo


Các đơn vị lữ hành cho rằng, những năm trở lại đây, xứ Kim chi đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của du khách Việt Nam. Riêng trong năm 2014 có khoảng 142.000 khách Việt Nam tới Hàn Quốc (tăng gần 20% so với năm 2013). Tuy nhiên, trước diễn biến về dịch bệnh MERS-CoV ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch xứ Kim chi cũng như tình hình kinh doanh tour Hàn Quốc của các đơn vị lữ hành Việt Nam. Tại Công ty cổ phần Du lịch Hanoi Redtours, chỉ tính riêng trong tháng 6 có 3 đoàn khởi hành đi Hàn Quốc vào các ngày 9-6, 14-6 và 19-6 với số lượng gần 100 khách nhưng đều tạm hoãn. Tại Vietrantour cũng đã có khoảng 15% trong tổng số khách đặt tour Hàn Quốc tháng 6 hủy tour do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh. Còn tại Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Thuận An-Ascend Travel đang chuẩn bị cho một đoàn gần 20 khách đi Hàn Quốc nhưng khi dịch bệnh MERS-CoV xảy ra, doanh nghiệp đã tư vấn cho khách hàng lùi thời điểm khởi hành sang tháng 8 tới.

Hiện không ít đơn vị lữ hành đang đàm phán với công ty bảo hiểm để đưa thêm hạng mục dịch bệnh MERS-CoV vào trong các điều khoản bồi thường nhằm gia tăng thêm sự an tâm và quyền lợi cho khách hàng. Một đơn vị lữ hành tại Hà Nội thừa nhận, tổ chức du lịch nước ngoài thời điểm diễn ra dịch bệnh khá mạo hiểm. Nếu du khách có thân nhiệt cao sẽ phải cách ly ở bệnh viện nước ngoài chục ngày, chi phí cao và phát sinh nhiều phiền hà không chỉ đối với du khách mà còn cả đơn vị lữ hành.

Cần tư duy mới

Số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch cho thấy, khách quốc tế vào nước ta 12 tháng qua (từ tháng 6-2014 đến 5-2015) giảm liên tiếp so với cùng kỳ. Riêng lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5-2015 đạt hơn 576 nghìn lượt (giảm 16,4% so với tháng 4-2015) và giảm 13,7% so với tháng 5-2014.

Theo các chuyên gia, khách quốc tế vào Việt Nam liên tục giảm có nguyên nhân khách quan do nền kinh tế thế giới suy thoái, dịch bệnh nguy hiểm diễn ra ở nhiều quốc gia đã ngấm sâu vào tâm lý du khách khiến thị trường du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sự sụt giảm này là hệ quả của cả một quá trình. Thực tế, du lịch Việt Nam chưa đủ điều kiện để nâng lượng khách nước ngoài lên do sản phẩm du lịch của Việt Nam từ lâu vẫn chưa được đầu tư để nâng cấp và do công tác xúc tiến, quảng bá còn lạc hậu, chưa đủ tầm để gây được sự chú ý của các nước đối với du lịch nước ta. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của du lịch nội địa (trung bình 10% một năm) vẫn chưa đạt yêu cầu. Thậm chí là quá chậm với một nền kinh tế đang phát triển và dân số đông lên đến hơn 90 triệu dân như nước ta.

Ngày 11-6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ ra 6 yếu kém của du lịch Việt Nam khiến du khách e ngại, đó là vấn đề "chặt chém", ăn xin, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và thái độ thiếu tôn trọng du khách của người bán hàng. Ai cũng nói phong cảnh Việt Nam rất đẹp, con người rất tốt nhưng sao du lịch của mình thua kém các nước nhiều thế? Đặt câu hỏi đó, Phó Thủ tướng cũng đưa ra các biện pháp phát triển du lịch, Chính phủ sẽ xử lý những vấn đề quan trọng như miễn visa hay giảm phí, giảm thủ tục visa. Tuy nhiên, quay lại vấn đề "nỗi sợ của du khách quốc tế ở Việt Nam", Phó Thủ tướng cho rằng, đó là những vấn đề rất cụ thể, nhiều địa phương, nhiều ngành phải vào cuộc, những người quản lý ở các trung tâm, những cơ sở du lịch trọng điểm phải chú ý giải quyết…

Trước những tác động không nhỏ của những yếu tố khách quan, nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm thì du lịch nước ta sẽ chỉ "giậm chân tại chỗ", chứ không chỉ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành công nghiệp "không khói": Làm gì vượt qua khủng hoảng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.