Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới

Lâm Vũ| 08/07/2015 06:58

(HNM) - Ngày 7-7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương cùng Bộ VH, TT&DL, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức hội thảo

Ngành mũi nhọn chưa "nhọn"

Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, du lịch Việt Nam hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thậm chí còn chậm tiến hơn cả một số nước vốn "lép vế" hơn trong lĩnh vực này ở khu vực. Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thẳng thắn cho rằng, không chỉ ở khâu cấp visa mà việc tổ chức tour, tuyến, điểm du lịch bị du khách đánh giá thua cả Campuchia về... tính chuyên nghiệp. "Năm 2014, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) xếp Việt Nam ở hạng thứ 16 trong số 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Nếu vậy thì du lịch chắc chắn có lợi thế rất lớn trong tương quan so sánh toàn cầu. Và với thứ hạng như vậy, tôi luôn tự hỏi mình là tại sao chúng ta chưa thể xây dựng Việt Nam thành một quốc gia du lịch?" - ông Vũ Tiến Lộc thắc mắc.

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hải Anh


Theo Trưởng ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ, sau 30 năm đổi mới, ngành du lịch nước ta đã đạt được những kết quả to lớn, khách quốc tế đến du lịch ở Việt Nam tăng hơn 30 lần, lượng khách nội địa tăng gấp 35 lần so với năm 1990. Doanh thu du lịch từ năm 2000 là 17,4 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014, con số này tăng lên 230 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, so với các "hàng xóm", và nhất là những nước dẫn đầu khu vực về phát triển du lịch như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam thua xa về số lượng khách quốc tế.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra nhận định: Du lịch Việt Nam được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng chưa bao giờ "nhọn". Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, du lịch Việt Nam đã không phát triển được như mong đợi, không thay đổi được đẳng cấp trong suốt 30 năm qua và thấy dấu hiệu rõ ràng về một sự thay đổi như vậy. Sở dĩ vậy là chiến lược phát triển du lịch không đáp ứng được yêu cầu thời đại với tầm nhìn hạn hẹp, một tư duy manh mún, ngắn hạn.

Cần có sự "lột xác" căn bản

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn phát triển trong môi trường hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Với thực trạng phát triển nêu trên, du lịch Việt Nam cần có sự "lột xác" căn bản. Ông khẳng định: Việc tái cơ cấu của ngành du lịch phải bắt đầu từ việc định vị lại chức năng, sứ mệnh trong cấu trúc phát triển hiện đại, đồng thời thay đổi cách nhìn về tài sản - tài nguyên du lịch, xác định cho đúng tài nguyên đó là của ai, cho ai và vì ai, tạo động lực cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ cao, xác lập nền tảng phát triển mới cho ngành du lịch Việt Nam.

Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Thảo


Góp ý về giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển, chuyên gia du lịch Lương Hoài Nam cho rằng, du lịch cần phải có một vị trí quan trọng hơn, tương xứng hơn và "nhọn" hơn các ngành khác. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 đưa du lịch Việt Nam vào nhóm dẫn đầu ASEAN, đuổi kịp, vượt Thái Lan thì cần mạnh dạn "cởi trói" về cấp visa, đồng thời thúc đẩy việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và lập tức đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch.

Theo TS Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc miễn visa chỉ là một yếu tố làm nên lợi thế cho du lịch Việt Nam. Điều cần thiết là phải xác định rõ trọng điểm đầu tư cho du lịch, có giải pháp đồng bộ từ khâu làm thủ tục visa cho tới xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm hướng tới tính chuyên nghiệp cao, đặc biệt là phải tạo ra liên kết vùng chứ không chỉ phát triển cục bộ, manh mún.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.