Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp không thể tự "bơi"

Lâm Vũ| 29/08/2015 07:26

(HNM) - Đại diện Tổng cục Du lịch, Sở VH, TT&DL các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng, các công ty lữ hành và cơ quan báo chí đã tham gia chuyến khảo sát tuyến du lịch Sông Hồng, Hà Nội - Hưng Yên. Không ít gợi ý được các công ty lữ hành đưa ra với mong muốn tuyến du lịch này ngày càng thu hút du khách.


Tiềm năng rất lớn

Theo các chuyên gia du lịch, về mặt địa lý, các tỉnh ở khu vực Sông Hồng đều có nhiều sông, đây là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch sông nước. Ở góc độ văn hóa, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nói chung, Hà Nội và Hưng Yên nói riêng gắn với văn minh lúa nước, các hoạt động của người dân từ xưa đến nay đều bám dọc bờ sông, đặc biệt nền văn minh Sông Hồng đã được nhiều nước trong khu vực mà cả trên thế giới đều biết đến. Nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên là nơi sinh ra những danh nhân văn hóa như: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm...

Hưng Yên ngày nay lưu giữ hơn 1.210 di tích lịch sử, trong đó 159 di tích được xếp hạng quốc gia và nhiều làng nghề nổi tiếng như nghề làm tương Làng Bần, làm hương xạ Cao Thôn, làng cổ Đại Đồng... Hưng Yên còn có nhiều đặc sản là nhãn lồng, gà Đông Cảo... Chính vì vậy, các chuyên gia du lịch đánh giá đây sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách với nhiều loại hình du lịch gồm du lịch sinh thái, nông nghiệp, làng nghề, tâm linh.

Làng nghề Bát Tràng là một trong những điểm du lịch Sông Hồng hấp dẫn. Ảnh: Bá Hoạt


Hiện nay, Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch Sông Hồng thuộc Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC là đơn vị duy nhất tổ chức các tour du lịch. Theo ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc xí nghiệp, hiện có hai tour kết nối hai điểm đến Hà Nội - Hưng Yên gồm: Hà Nội - Đền Dầm - Đền Đại Lộ - Đền Chử Đồng Tử - Làng gốm Bát Tràng - Hà Nội; Hà Nội - Quần thể Di tích Phố Hiến - Đền Lảnh Giang - Hà Nội. Tuy nhiên, lượng khách đi tuyến Hà Nội - Hưng Yên chưa nhiều. Tính cả năm, lượng khách mà Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch Sông Hồng phục vụ mới đạt 300.000 lượt, trong đó gồm cả các tuyến đi Bắc Ninh, Hà Nam...

...nhưng cái khó bó cái khôn

Theo ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Giang, cái chưa được của du lịch tuyến Sông Hồng Hà Nội - Hưng Yên là cảnh quan hai bên bờ sông. Đoạn thì rác sinh hoạt chất thành đống, đoạn thì bờ sông bị xói lở. Bên cạnh đó là việc quản lý các phương tiện lưu thông trên sông, các loại phương tiện lưu thông tự do. "Về lâu dài, cần phải quy hoạch luồng lạch cụ thể, những luồng lạch nào dành cho các tàu du lịch, cơ quan quản lý, tàu vận chuyển, đồng thời quy định về ngày, giờ tàu thuyền có thể đi lại, quy định về tải trọng, chủng loại tàu, biển báo vì điều này liên quan đến vấn đề an toàn cho du khách", ông Nguyễn Phúc Thương cho biết thêm.

Bà Đỗ Mai Hương, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hồ Gươm thì cho rằng, nên có giới thiệu về những vùng đất mà tàu đi qua. Bởi lẽ trong suốt 3 tiếng đồng hồ từ Hà Nội đến Hưng Yên, du khách không được biết tàu đi qua những địa danh nào, chứa đựng những nét gì về văn hóa. "Ở Hàn Quốc, trên tàu, đi tới đâu, người ta phát loa giới thiệu địa danh đến đó. Nên chăng, chúng ta cũng dùng hình thức này hoặc hướng dẫn viên trực tiếp giới thiệu cho du khách", bà Đỗ Mai Hương kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, dịch vụ trên tàu chưa tốt. Cụ thể, trên tàu không bán các sản phẩm như đặc sản, đồ lưu niệm... của các vùng miền Đồng bằng sông Hồng. Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng chỉ rõ hướng đi cho Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch Sông Hồng là phải tối ưu hóa lợi nhuận, giá trị gia tăng qua các dịch vụ.

Lý giải những bất cập, ông Nguyễn Chí Thành cho biết: Khi nối tuyến với Hưng Yên, ngoài yếu tố giao thông thuận tiện và con người Hưng Yên hiền hòa, mến khách thì xí nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, các bến Đa Hòa, Yên Lệnh của Hưng Yên chưa có giấy phép để tàu thuyền ra vào thuận tiện và hợp pháp. Bên cạnh đó, tại đền Chử Đồng Tử vẫn có tình trạng chèo kéo khách. Cơ sở lưu trú cũng là một bất cập của Hưng Yên. Hệ thống khách sạn nơi đây ít và nhỏ, ví dụ: Phố Hiến là khách sạn lớn nhất nhưng cũng chỉ có 34 phòng.

Với những đoàn 100, 200 khách thì khách sạn không đáp ứng được. Tỉnh cũng chưa có một khách sạn nào đạt chuẩn 3 sao. Hưng Yên cũng chưa có công ty du lịch để tạo điều kiện cho xí nghiệp liên doanh liên kết để cùng phát triển. Vậy nên doanh nghiệp làm du lịch tuyến điểm này rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, còn như hiện tại doanh nghiệp làm du lịch đang phải "tự bơi", nhưng cũng không thể cứ "tự bơi" một mình được.

Ông Nguyễn Chí Thành cũng cho biết thêm, du lịch Sông Hồng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố thời tiết. Vào mùa khô, nước cạn, công ty phải dừng tàu ở ngoài lòng sông và dùng thuyền nhỏ đưa khách vào bờ. Hiện tại, xí nghiệp phải dùng nhờ bến của chùa Bồ Đề. "Chúng tôi mong muốn được cơ quan quản lý tạo điều kiện để có địa điểm mở cầu cảng, đồng thời có kế hoạch chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông. Có như vậy thì sản phẩm du lịch trên Sông Hồng nói chung và tuyến Hà Nội - Hưng Yên nói riêng mới thuận tiện và hấp dẫn", ông Nguyễn Chí Thành nêu ý kiến. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp không thể tự "bơi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.