Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị kỹ càng, chủ đề "nét" hơn

Lâm Vũ| 17/11/2015 06:40

(HNM) - Ngày 16-11, tại Hà Nội, Bộ VH, TT&DL và UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức họp báo giới thiệu nội dung chương trình, sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long.

Chuẩn bị bài bản hơn

Mang tên gọi "Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long" với chủ đề "Khám phá đất phương Nam", Năm Du lịch quốc gia 2016 là sự kiện có quy mô cấp quốc gia. Các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2016 diễn ra trong suốt năm 2016 với các sự kiện trọng tâm tại tỉnh Kiên Giang. Ngoài "chủ nhà" Kiên Giang, sự kiện này còn có sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Lào Cai, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre. Những hoạt động chính gồm Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ lần thứ 22 (diễn ra vào tháng 2-2016), lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016 (ngày 9-4-2016), Giải bán Marathon quốc tế (tháng 5-2016), Giải Đua xe đạp Đồng bằng sông Cửu Long (tháng 8-2016), Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer Kiên Giang lần thứ 10 (tháng 11-2016)...

Du khách câu cá tại Phú Quốc.



Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Kiên Giang cho biết, chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2016, Kiên Giang đã tích cực kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp để xây dựng các sản phẩm vốn là thế mạnh của tỉnh như tour du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo ở Phú Quốc và Hà Tiên; tour du lịch sinh thái ở Rừng quốc gia Phú Quốc và Rừng quốc gia U Minh Thượng... Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vui chơi giải trí như Vinpearl Land, vườn thú Safari (dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2015). Hiện nay, tỉnh đang gấp rút đầu tư cho công tác chỉnh trang đô thị, tập trung nguồn lực để nâng cấp các khu du lịch trọng điểm nhằm mở rộng phạm vi tham quan. Trên toàn tỉnh hiện có hơn 300 khách sạn với hơn 7.500 phòng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của khách ngay cả trong mùa cao điểm. Công tác tuyên truyền cho chương trình Năm Du lịch quốc gia 2016 cũng được thực hiện khẩn trương bằng nhiều hình thức như quảng bá qua mạng internet, các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước, thông qua các sự kiện, hội chợ, triển lãm chuyên đề...

Đánh giá về Năm Du lịch quốc gia 2016, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, điểm khác của Năm Du lịch quốc gia 2016 so với các năm trước là có sự đầu tư kỹ lưỡng, khâu chuẩn bị được tiến hành bài bản, công phu hơn. Chủ đề năm nay "nét" hơn, tập trung vào sự độc đáo của vùng đất phương Nam. Ban tổ chức đã nỗ lực tìm kiếm, thu hút sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là kêu gọi sự vào cuộc của doanh nghiệp trong việc đầu tư, chuẩn bị đưa ra nhiều sản phẩm mới, dịch vụ mới chứ không "nhất nhất" xin vốn ngân sách. Và đó là điểm đáng mừng.

Vẫn cần được cải tiến

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet cho rằng, Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2016 cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành. Năm 2015, chúng ta đã không thực hiện tốt điều này, dù có tổ chức những buổi lễ, gala, famtrip nhằm giới thiệu thế mạnh, sản phẩm của địa phương,... nhưng không nhiều lữ hành biết những thông tin này, do đó, hiệu quả giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách còn hạn chế. Năm nay, việc kết nối với các doanh nghiệp cần được thực hiện sớm nhất có thể vì khách du lịch quốc tế thường đặt mua tour trước khi khởi hành từ 6 tháng đến 1 năm. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, việc tổ chức các chương trình trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2016 cần hướng đến các mục tiêu kinh tế du lịch chứ không chỉ thiên về quảng bá văn hóa, tổ chức lễ hội đơn thuần.

Góp ý cho công tác tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2016, Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội Vũ Chính Đông cho rằng, công tác chuẩn bị cần được thực hiện sớm hơn nữa. "Có thực tế là một số địa phương, do quá vội vàng, không chuẩn bị kỹ nên sau khi phát động Năm Du lịch quốc gia, khách đổ về đông dẫn đến quá tải và nhiều hệ lụy khác, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch quốc gia. Công tác tuyên truyền quảng bá cũng cần thực hiện sớm hơn. Chỉ còn hơn một tháng nữa là bắt đầu Năm Du lịch quốc gia 2016 nhưng bây giờ chúng ta mới tổ chức họp báo là quá muộn", ông Vũ Chính Đông chia sẻ.

Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Lữ hành Hanoitourist, tổ chức Năm Du lịch quốc gia là một sáng kiến hay, nhưng nếu chỉ đơn giản là luân phiên tổ chức từ tỉnh này đến tỉnh khác thì chưa đủ. Việt Nam đã tổ chức hàng chục chương trình Năm Du lịch quốc gia nhưng lượng khách dường như không tăng, một phần nguyên nhân là công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi năm chưa được thực hiện tốt. Cũng theo ông Lưu Đức Kế, chương trình Năm Du lịch quốc gia nên được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần để Ban tổ chức có thời gian, kinh phí chuẩn bị, doanh nghiệp cũng có điều kiện kéo dài "vòng đời" của sản phẩm, mang lại hiệu quả tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị kỹ càng, chủ đề "nét" hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.