Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết phát triển du lịch

Lâm Vũ| 26/05/2017 06:51

(HNM) - Vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chuyến khảo sát các tuyến, điểm du lịch tại tỉnh An Giang. Đây cũng là dịp để hai địa phương tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm...


Tiềm năng phong phú

Là mảnh đất nghìn năm văn hiến với hơn 5.000 di tích lịch sử, văn hóa cùng 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội sở hữu nhiều thế mạnh về du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực... Thủ đô cũng có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt với đường bay thẳng tới hơn 40 quốc gia và đường bay nội địa đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 7.952.156 lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế đạt 1.727.656 lượt, khách du lịch nội địa đạt 6.224.500 lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 23.816 tỷ đồng.

Điệu múa Phù Nam - sản phẩm mới của du lịch An Giang.


An Giang là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi hội tụ tinh hoa văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Kinh - Chăm - Hoa - Khmer với hệ thống lễ hội phong phú, diễn ra quanh năm mà nổi tiếng nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội đua bò Bảy Núi… Bên cạnh đó, trên địa bàn An Giang có nhiều cơ sở thờ tự như đền, đình, chùa, thánh đường… với 82 di tích được xếp hạng quốc gia, có những địa danh du lịch nổi tiếng như dãy Thất Sơn hùng vĩ, núi Sam, chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An... Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch cộng đồng… Ngoài ra, với đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, An Giang là điểm nối của các tỉnh khu vực ĐBSCL hướng ra Campuchia, các nước ASEAN, Châu Á và ngược lại.

Với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã ký hợp tác phát triển du lịch với An Giang; phối hợp tổ chức nhiều đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm, kết nối tour, tuyến từ Thủ đô vào An Giang; tham gia hội chợ thương mại, du lịch tại tỉnh này. Ngược lại, An Giang cũng tham gia các hội chợ thường niên của Hà Nội như Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hanoi, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống... Việc hợp tác đã phát huy hiệu quả với hàng chục nghìn lượt khách từ Thủ đô đến An Giang mỗi năm. "Hà Nội sẽ giúp An Giang phát huy lợi thế của mình, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để giới thiệu với người dân Hà Nội và du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hà Nội sẽ hỗ trợ An Giang trong việc quảng bá, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch", Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết.

Cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, trong thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và An Giang đã có sự hợp tác tương đối tốt, các đơn vị thường xuyên gửi khách cho nhau. Tuy nhiên, giữa hai địa phương còn có vấn đề chưa giải quyết được, đó là liên kết hàng không. "Hàng không và du lịch gần như có chung thị trường, khách di chuyển bằng máy bay chiếm khoảng 30% trong cơ cấu tour nội địa, 50% trong cơ cấu tour quốc tế. Với tần suất chuyến bay còn hạn chế, đặc biệt là ở tuyến Hà Nội - Cần Thơ, rất khó cho các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội đưa khách đến các tỉnh ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng" - ông Trần Đức Hải nói.

Ngoài ra, theo ông Trần Đức Hải, công tác truyền thông về du lịch của An Giang hiện mới đang hướng tới đối tượng du lịch qua các doanh nghiệp lữ hành. "Đánh giá mới nhất của một tổ chức quốc tế về thị trường du lịch Việt Nam cho thấy, nhóm khách tự đặt chương trình qua các kênh online chiếm hơn 50% tổng lượng khách đi du lịch. Chính vì vậy, nếu các điểm đến và các công ty lữ hành địa phương không đẩy mạnh hoạt động xúc tiến trên những kênh này thì trong thời gian tới, lượng khách đến với An Giang sẽ bị ảnh hưởng", ông Trần Đức Hải đưa ra dự báo.

Đánh giá về du lịch An Giang, Tổng Giám đốc APT Travel Nguyễn Hồng Đài nhận xét, An Giang có nhiều tiềm năng du lịch nên lượng khách đến với tỉnh trong thời gian tới sẽ gia tăng. Tuy nhiên, cơ sở lưu trú của An Giang còn hạn chế. "Tôi cho rằng, về khách sạn cầu đang vượt cung. Khách đi du lịch thông qua các công ty lữ hành thường chỉ ở lại một, hai đêm. Tỉnh phải gia tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ để khách chi tiêu và ở lại nhiều hơn" - ông Nguyễn Hồng Đài nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Đài, An Giang cần đẩy mạnh công tác quảng bá bởi nhiều người miền Bắc không biết tới những địa danh thú vị của tỉnh này như rừng tràm Trà Sư, Núi Cấm, làng nghề lụa Tân Châu... An Giang cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về truyền thông trong từng giai đoạn cụ thể.

Về phía các doanh nghiệp An Giang, bà Đoàn Kim Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp An Giang cho rằng, nguồn nhân lực du lịch ở An Giang rất yếu, cần được đào tạo thêm. Còn theo ông Nguyễn Phú Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch - Công ty cổ phẩn Du lịch An Giang, do "có trong tay" các sản phẩm du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa nên công ty rất muốn kết nối với các công ty du lịch của Hà Nội để đưa khách đến An Giang. Các doanh nghiệp du lịch cần Hà Nội thông tin thêm về đặc điểm của thị trường khách từ Hà Nội để tỉnh có thể xây dựng những sản phẩm phù hợp, đáp ứng yêu cầu của du khách Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết phát triển du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.