Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ngược chiều vun vút”

Tần Tần| 27/01/2012 07:23

(HNM) - Ngay trước thềm xuân mới Nhâm Thìn 2012, Mr. Dâu Tây (biệt danh của Joe Ruelle) xuất bản cuốn sách thứ hai tại Việt Nam mang tên "Ngược chiều vun vút". Vẫn với lối viết hóm hỉnh, các bài viết thể hiện cái nhìn của một người ngoại quốc sống lâu năm ở Việt Nam, yêu, hiểu và rành về văn hóa, cuộc sống Việt Nam đương thời.

Bìa cuốn sách mới của Joe.

Bốn năm sau khi xuất bản cuốn "Tớ là Dâu Tây", cuốn sách thuộc hàng ăn khách, Joe mới tiếp tục cho ra mắt cuốn sách thứ hai "Ngược chiều vun vút". Cuốn sách là tập hợp hơn 60 bài viết đã từng đăng trên các báo, tạp chí của Việt Nam nhưng không phải là "bê" nguyên xi câu chữ vào để cho ra một cuốn sách, Joe đã tự làm công tác biên tập cho cuốn sách của mình. Anh sửa lại câu chữ, thậm chí có những bài chỉ dựa trên ý tứ bài cũ, còn là viết lại hoàn toàn. Joe bảo, làm như vậy cho phù hợp với trình độ tiếng Việt đã phát triển hơn của anh, rằng. "Dâu bây giờ đã khác Dâu của bốn năm trước!", vì thế anh muốn cuốn sách ra mắt là một phiên bản mới.

Giống như Joe đã thừa nhận trong bài viết "Thoát xấu với Charisma Man", rằng người Canada rất thích châm biếm, vì thế Joe cũng là một anh chàng thích châm biếm một cách vui vẻ. Joe kể chuyện trong đời sống xã hội Việt Nam với lối viết nhẹ nhàng. Đó có thể là khi Joe nói tới giới showbiz Việt với việc các ngôi sao nổi tiếng nhờ "xì-căng-đan" ("Cảm ơn xì-căng-đan"); việc thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông ("Các tay còi Việt Nam") hay khi Joe nhắc tới chuyện "tường đè" một cách hài hước ("Đái bậy"), các chiêu trò "hành khách" của các bác tài taxi ("Taxi lừa")…

Joe là người am hiểu và thích dùng tiếng Việt đúng và chuẩn, điều đó được thể hiện rõ trong cuốn sách thú vị này. Không ít bài viết Joe nói về việc lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày của người Việt Nam ("Em làm bên finance"), có lúc Joe lại trích dẫn một bài báo "sính" tiếng Anh, và mốt dùng tên tiếng Anh thay cho tên Việt được cha mẹ đặt của các bạn trẻ ("Tom Lạc Đà")… Sâu sắc hơn, Joe còn phân tích từ "Xin chào" của Việt Nam và lý giải vì sao nó ngày càng ít được dùng hơn "Hello" ("Tạm biệt Hello") hoặc việc dùng nhiều từ mượn và ưa dùng từ không dấu trong bài "Cái chết của chữ Đ"…

Bên cạnh một Joe hóm hỉnh, thạo văn hóa và tiếng Việt, "Ngược chiều vun vút" còn cho thấy một anh chàng Joe yêu Việt Nam như mọi người Việt Nam, lãng mạn và tinh tế. Mấy ai có lối định nghĩa yêu cơm quê chính là nhớ tới xuất xứ, nòi giống, quê hương của mình như anh. Mấy ai thể hiện lối yêu mùa thu Hà Nội qua ánh nắng xiên qua tán lá trên phố Lò Đúc như Joe. Mấy ai yêu đời và đặt tên cho hiện tượng "đàn ông trở thu" như Joe cả…

Joe bảo, sở dĩ anh đặt cho cuốn sách cái tên "Ngược chiều vun vút" cũng là bởi hằng năm luôn xảy ra sự ngược chiều trong làn sóng "Tây du" của người Việt, và làn sóng người Tây tới Việt Nam. "Vì đó là hướng đi bất ngờ nên chúng tôi phải phản xạ nhanh, cố gắng giữ tốc độ mà không gây tai nạn văn hóa", Joe nói. Hơn cả những chuyện Joe nói, phân tích, mổ xẻ trong các bài viết, dù nói tới vấn đề gì thì anh cũng luôn giữ một giọng điệu hài hước, tinh thần vui vẻ. Có khi là một bài châm biếm, nhưng đối tượng bị châm biếm đọc cũng phải phì cười, vì anh chàng này nói đúng quá, vui quá.

Đầu xuân mới, giới thiệu cuốn sách của Joe, không có gì khác ngoài một bài học văn hóa mà trong chúng ta, ai cũng muốn tiếp nhận, muốn góp tiếng nói để vun đắp truyền thống văn hóa từ nghìn đời cha ông để lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngược chiều vun vút”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.