Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bùi Công Duy lần đầu đi diễn xa nhà vào dịp Tết

Tuyết Minh| 01/02/2014 20:19

(HNMO)- Vừa kết thúc chuyến đi lưu diễn tại Na-Uy vào dip Tết dương lịch cùng với dàn nhạc thính phòng nổi tiếng nhất nhì châu Âu mang tên “Happy New year concert”, nghệ sỹ Bùi Công Duy tiếp tục đón một cái Tết xa nhà.


Nghệ sỹ Bùi Công Duy đã đón Tết ngay trong khán phòng hòa nhạc nổi tiếng nhất nhì châu Âu.



PV: Lịch làm việc của anh luôn kín mít, anh đã bao giờ đi biểu diễn vào dịp Tết chưa?

Bùi Công Duy (BCD): Chưa bao giờ, Tết năm nào tôi cũng dành thời gian cho gia đình, duy nhất năm nay tôi không ở nhà mà đi biểu diễn ở châu Âu.

PV: Duy có thể kể rõ hơn về chuyến đi biểu diễn này không?

BCD:
Tôi được mời biểu diễn cùng dàn nhạc Berliner Symphoniker (Đức). Đây cũng là năm duy nhất tôi ăn Tết xa nhà, vì chương trình này là một vinh dự lớn đối với bất cứ nghệ sĩ nào được mời vì được biểu diễn với dàn nhạc danh tiếng của châu Âu ngay tại khán phòng mang tên Herbert von Karajan. Đây là nơi có âm thanh tuyệt vời nhất, một phòng hoà nhạc danh tiếng bậc nhất châu Âu.



PV: Là người đã có một thời gian dài sống ở nước ngoài, cảm giác của anh về cái Tết của châu Âu và châu Á khác nhau như thế nào?


BCD:
Có lẽ do mình là người Á đông lại sống ở nước ngoài lâu, nên tôi luôn rất nhớ cái không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam. Tôi may mắn vì có điều kiện được thưởng thức Tết cả của phương Tây và Tết cổ truyền Việt Nam nên mình cảm nhận được sự khác biệt của nó rất rõ. Nhưng Tết có đặc điểm chung mà tôi rất thích đó là đường phố vắng vẻ.

Người phương Tây ăn Tết, họ thường đến nhà nhau làm các món ăn, trang trí nhà cửa, làm cây thông, chăng đèn... còn ở Việt Nam thì thiên hướng theo phong tục cổ truyền nhiều hơn, nặng về lễ lạt, gia đình, họ hàng. Tết ta ở nước ngoài thì thường chúng tôi không được nghỉ vì thời gian làm việc theo giờ của nước ngoài. Rất may tôi học ở Nga, ở đó có cộng đồng người Việt khá đông nên những món ăn dành riêng cho Tết như bánh chưng, mứt tết đều có. Ngoài ra, chúng tôi cũng bắt được kênh truyền hình Việt Nam nên cũng được xem Chủ tịch nước chúc Tết…nên cũng có cảm nhận được không khí Tết. Tuy nhiên, tôi thấy khi ăn Tết cổ truyền Việt Nam ở Nga thú vị hơn có lẽ vì nó không có nhiều thứ có sẵn như ở trong nước nên ăn 1 miếng bánh chưng, 1 miếng chả, hay mứt Tết cũng cảm nhận thấy nó ngon hơn rất nhiều.

Tết ở Việt Nam có nhiều thủ tục quá nên có lẽ đến Tết lại thấy mệt. Người phương Tây là người ta thích nghỉ Tết, còn Việt Nam là ăn Tết. Mỗi nơi có một đặc thù nhưng nói chung tôi thích Tết. Với tôi thì Tết ở Hà Nội có ý nghĩa nhiều hơn. Sài Gòn thì họ ảnh hưởng của phương Tây nên họ đi chơi nhiều hơn.



PV: Cảm nhận về Tết ngày xưa của bạn như thế nào? Giờ đã có gia đình riêng, 2 vợ chồng bạn chuẩn bị như thế nào cho ngày Tết cổ truyền?


BCD: Tôi cũng giống như bao nhiêu đứa trẻ khác cũng rất thích Tết vì có đốt pháo, có các món ăn đặc biệt như bánh chưng, canh măng…do mẹ chuẩn bị. Còn giờ đây, gia đình nhỏ của tôi cũng chuẩn bị Tết như mọi nhà mà thôi, có điều chúng tôi cũng không câu nệ chuyện ăn uống nhiều, thường là chăm sóc nhà cửa, làm sao cho nó mới, thú vị để khi về nhà mình cảm thấy thoải mái nhất mà thôi.

PV: Sau khi tốt nghiệp, có cơ hội được mời làm việc tại nước ngoài, điều kiện tốt hơn rất nhiều, nhưng anh vẫn quyết định chọn về nước sống và làm việc và thường xuyên được mời biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc lớn ở nước ngoài. Duy có thấy mình đã lựa chọn đúng?!

BCD: Tôi nghĩ ở đâu cũng có mặt được mặt không được, vì thế mình chọn cái cái gì hợp với mình nhất. Thời của tôi, khi tôi được mời sống và làm việc tại Nga nhưng không cho phép được 2 quốc tịch, như vậy tôi sẽ phải bỏ quốc tịch Việt Nam là điều tôi không thể làm. Hơn nữa, đây cũng là một cách để tôi chứng minh, không phải ở Việt Nam sẽ không sống được nếu mình biết chắt chiu cơ hội. Nếu mình có khả năng thực sự thì mình vẫn phát huy được, nếu mình làm việc tốt thì mình vẫn có thể sống tốt.



PV: Việc anh được mời biểu diễn liên tục ở nước ngoài là do họ đã biết đến tên tuổi hay do anhh có mối quan hệ tốt?

BCD: Một phần cũng là do tôi có các mối quan hệ bạn bè với những người bạn ở nước ngoài. Tuy nhiên ở nước ngoài họ không bao giờ mời anh trình diễn nếu chỉ nghe danh. Vừa phải có lời giới thiệu, nhưng mình cũng phải là người có khả năng thực sự thì họ mới mời. Ví dụ khi họ được nghe anh là nghệ sỹ nổi tiếng, nhưng khi họ muốn mời, mình phải biểu diễn thực thụ ngay trước mặt họ. Một họa sỹ tài năng, nếu gửi tranh cho họ xem, họ có thể thấy đẹp, sau đó họ mời chính họa sỹ đó sang vẽ trước mặt họ, họ mới tin. Vì ở phương Tây họ có quá nhiều người tài, họ có nhiều lựa chọn. Đó là cái khác biệt giữa cách làm việc của người phương Đông và người phương Tây.

PV: Để đạt được những thành quả của ngày hôm nay, Duy có bao giờ nghĩ đến những ngày “khổ luyện” khi còn theo học tại trường Học viện âm nhạc Tchaikovsky (Nga) không?


BCD: Thực ra, tôi không coi khổ luyện là khổ, vì lúc đó ở bên đó có một mình, nếu tôi không tập luyện cũng chả biết làm gì, nói cách khác cũng chả có ai mà chơi nên lại phải tập mà thôi. Dĩ nhiên để làm được điều này cũng không dễ. Tôi không cảm thấy cực nhọc vì xung quanh tôi còn rất nhiều người giỏi, thầy cô thì rất tốt nên tôi thấy mình phải cố gắng. Nên cũng không cảm thấy vất vả. Tôi nghĩ việc tập luyện cũng bình thường. Thời gian đó tôi tập nhiều nhất là 8 tiếng/ngày.

PV: Được biết, Duy không chỉ biểu diễn trong các chương trình concert, mà còn cả các bản nhạc trữ tình, thay đổi cách biểu diễn để không bị đóng khung với nhạc cổ điển là điều rất khó. Duy có phải học điều đó không?

BCD: Đúng, điều đó cũng phải học đấy! Muốn làm được mình phải tập. Điều này các nghệ sỹ nước ngoài họ đã làm rồi, không phải chỉ biểu diễn mỗi nhạc thính phòng không đâu. Mình cũng không làm điều gì mới mà là mình chỉ đi theo họ thôi. Những cái hay thì mình phải học!



PV: Duy có nghĩ đến việc tổ chức một live show concert riêng của mình để “thỏa mãn” người hâm mộ không?


BCD:
Thực ra, việc tổ chức live show riêng cho mình để lấy danh tiếng đối với một nghệ sỹ chơi nhạc cổ điển không cần thiết lắm. Ít nhất là hiện nay nó không cần thiết đối với một nghệ sỹ như tôi. Còn sau này nếu cần tổ chức đêm nhạc kỷ niệm, tôi sẽ mời thêm nhiều nghệ sỹ danh tiếng khác chơi cùng trong chương trình mà thôi.

PV: Vừa làm công tác giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội, vừa điều hành trung tâm đào tạo tài năng âm nhạc, vừa tham gia biểu diễn, Duy đã phải chia quỹ thời gian của mình như thế nào để có thể thu xếp hoàn thành được mọi việc và cân bằng trong cuộc sống?

BCD: Trong cuộc sống hiện nay, người tài càng ngày càng nhiều, kinh tế cũng khó khăn, đòi hỏi nghệ sỹ phải rất năng động, phải tìm nhiều việc khác để làm. Tôi tự cân bằng ngay trong công việc của mình, chẳng hạn, việc giảng dạy ở Nhạc viện tôi chỉ mất khoảng 4 ngày/tuần, sau khi đi diễn nhiều thì thay đổi thư giãn bằng việc giảng dạy. Lúc tôi căng thẳng nhất là lúc biểu diễn trên sân khấu vì phải đúng từng nốt nhạc. Sau đó tôi tìm cảm giác bình yên, thư giãn ở nhà.



PV: Anh có thể tiết lộ một sở thích khác của mình ngoài âm nhạc được không?

BCD: Đó là đua xe ô-tô. Chắc chị sẽ ngạc nhiên, nhưng tôi thích cảm giác lái xe với tốc độ nhanh, ở nước ngoài dưới trời tuyết. Từ bé tôi đã thích tốc độ. Tôi thường lái xe rất nhanh nhưng hồi ở Nga nhưng ở Việt Nam đường sá không cho phép. Tôi cũng thích các môn thể thao có cảm giác mạnh.

PV: Kế hoạch trong năm mới Giáp Ngọ của Duy sẽ như thế nào?

BCD:
Tôi nghĩ năm tới sẽ là một năm rất bận rộn của tôi, sẽ đi rất nhiều, biểu diễn rất nhiều. Tính đến hiện nay lịch của tôi hiện nay khá kín. Ngoài một số dự án âm nhạc do tôi đứng ra sản xuất, tôi còn phải tham gia với vai trò giám khảo cuộc thi âm nhạc quốc tế Young Tchaikovsky Competition sẽ diễn ra tại Nga trong mùa hè này.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện, và chúc anh thành công với những dự định âm nhạc của mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bùi Công Duy lần đầu đi diễn xa nhà vào dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.