Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cô sinh viên mê sưu tầm hiện vật các dân tộc thiểu số

HONGHAI| 08/02/2008 12:03

Đối với Nguyễn Thị Nhung và người bạn Mỹ của cô, bác sĩ Mark Rapoport, một chiếc ba lô với những vật dụng thiết yếu và một chiếc xe Minsk

Đối với Nguyễn Thị Nhung và người bạn Mỹ của cô, bác sĩ Mark Rapoport, một chiếc ba lô với những vật dụng thiết yếu và một chiếc xe Minsk "cà tàng" đầy xăng là đủ để bắt đầu một chuyến "thám hiểm" đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có thể sưu tầm nhiều hiện vật văn hóa.

“Người ta vẫn nói đi lên vùng dân tộc, dễ bị ‘chài’. Với mình, ngay từ lần đầu được chứng kiến cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc, thực sự mình đã bị ‘chài’ rồi", Nhung hài hước.

Có lẽ bởi thế mà tới nay, cô sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ đã có trong tay các bức tranh Đạo giáo của đồng bào các dân tộc Dao, Tày, Nùng..., và cùng với Mark sưu tầm được gần 4.000 hiện vật văn hóa và vật dụng hằng ngày trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để có những hiện vật ấy, Nhung và Mark thường lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa tìm hiểu và nghiên cứu đời sống người dân tộc thiểu số. Cứ sau một chuyến đi như thế, cả hai mang về Hà Nội đủ thứ, lúc là chiếc lưỡi hái, cái gùi, chiếc thang gỗ lúc lại là những bức tranh thờ, thẻ lịch, những chiếc kiếm của các thầy mo, thầy tào.

Những bức tượng nhà mồ Tây Nguyên, tranh thờ Hàng Trống, bình gốm Bát Tràng đến chiếc rìu đá của người Dao, cây kim, sợi chỉ của người Sán Dìu... đều được Nhung và Mark sắp đặt theo trình tự địa lý từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng tới miền núi, từ đồ trang sức, vật dụng hằng ngày đến đồ tín ngưỡng, sản phẩm dệt, thêu.

Mark nói: “Tới thăm đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, tôi cảm nhận được nét đặc sắc hiếm có của văn hóa Việt. Qua những hiện vật ấy, tôi có thể hiểu hơn về tập tục, sinh hoạt và con người ở những nơi tôi đi qua”.

Trong hơn 4.000 hiện vật sưu tập được, Mark đặc biệt thích những chiếc bình gốm Bát Tràng bởi “vẻ đẹp ẩn chứa trong đó là sự khéo léo, thủ công và tính cần mẫn của những nghệ nhân, nó khác hẳn với sản phẩm làm bằng máy móc hiện đại”.

Năm 2006, Mark và Nhung tổ chức cuộc triển lãm "Tranh thờ Hàng Trống sưu tầm tại miền núi phía Bắc Việt Nam" với hơn 400 bức. Đến nay, đã hai lần Mark và Nhung trao tặng gần 50 hiện vật văn hóa cho Bảo tàng Dân tộc học.

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Nguyễn Văn Huy cho biết Nhung và Mark chủ yếu trao tặng những hiện vật như quần áo, đồ vật dụng hằng ngày của nhóm người Dao và nhiều hiện vật trong số này Bảo tàng Dân tộc học chưa có.

“Xét về giá trị văn hóa thì những hiện vật này rất có ý nghĩa đối với bảo tàng. Chúng tôi trân trọng việc họ đã sưu tầm nó,” ông Huy nói.

Hàng tháng, Nhung và Mark thường tổ chức những buổi giới thiệu với khách du lịch nước ngoài về văn hóa và phong tục tập quán của người Việt. Hiện tại, Nhung đang tập trung sưu tầm tư liệu nhằm tìm hiểu về sinh hoạt tín ngưỡng các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan và Sán Dìu để phục vụ cho luận án thạc sỹ của mình.

Còn Mark, ông đã chuyển cả gia đình về Việt Nam sinh sống. Ông kể gia đình ông đã phải mất một thời gian dài họp nhau lại và cuối cùng tất cả đồng thuận chon Việt Nam, cùng với đó, mỗi thành viên trong gia đình đưa ra lý do vì sao họ yêu mến đất nước này. “Có tới 101 lý do giữ chân chúng tôi ở lại đây và ba lý do đầu tiên đó là người Việt Nam thân thiện, thật thà, chăm chỉ làm việc và đặc biệt họ là những người vô cùng độ lượng,” Mark nói.

Mark cũng không nhớ hết mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến điền dã để có được một bộ sưu tập “độc nhất vô nhị” như thế. Điều mà Mark quan tâm nhất là: “Việt Nam có một kho tàng văn hóa phong phú, nếu không lưu giữ và bảo tồn thì nguy cơ mai một là khó tránh khỏi”.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô sinh viên mê sưu tầm hiện vật các dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.