Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần hỗ trợ hơn nữa để đưa giáo dục đến với tất cả mọi người

H.H| 15/11/2012 10:06

(HNMO) - Ngày 15.11, lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo thế giới và Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội để tôn vinh các nhà giáo, xác định vai trò ngày càng quan trọng của Nhà giáo cũng như vị thế tương ứng của họ trong xã hội học tập...



Cần có các giải pháp hỗ trợ nhà giáo một cách đổi mới và toàn diện để hỗ trợ Nhà giáo để họ góp phần xây dựng VN trở thành một xã hội học tập và đưa nghề giáo trở thành một nghề nghiệp xứng đáng với vị thế cao quý vốn có trong truyền thống và văn hóa của dân tộc.

Đó là thông điệp từ cuộc tọa đàm về “Vai trò và vị thế của Nhà giáo trong xây dựng xã hội học tập hòa nhập, sáng tạo và bền vững” được tổ chức tại Hà Nội hôm nay nhằm kỷ niệm Ngày Nhà giáo VN (20/11) và Ngày Nhà giáo thế giới (5/10). Tham dự sự kiện tại Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của VN – có đại diện của Bộ Giáo dục – đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Hội Khuyến học VN, Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc và Tổ chức Lao động quốc tế.

Theo bà Katherine – Marin, trưởng Trưởng đại diện UNESCO tại VN, xã hội vốn đòi hỏi cao ở giáo viên nhưng những kỳ vọng đối với họ còn lớn hơn nữa khi VN hướng tới trở thành một xã hội học tập, nơi mọi công dân đều học tập và học tập suốt đời dưới nhiều hình thức khác nhau và mọi tổ chức, cá nhân, mọi nhà giáo đều có trách nhiệm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân.

Chủ tịch Hội khuyến học VN , ông Nguyễn Mạnh Cầm , cũng cho rằng nhà giáo là một nhân tốt không thể thiếu trong hình thành xã hội học tập – một điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế và xã hội bền vững.

Sự có mặt của những nhà giáo vững chuyên môn, nhiệt huyết và được hỗ trợ đầy đủ có tầm đặc biệt quan trọng đặc biệt đối với tất cả các hình thức và cấp độ giáo dục, từ mầm non đến tiểu học, trung học, dạy nghề, giáo dục đại học và đào tạo không chính quy.

Tuy nhiên, giáo viên ở VN, cũng như nhiều đồng nghiệp của họ trên khắp thế giới, còn thiếu những điều kiện cần thiết để giúp họ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Đặc biệt, trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, các thầy cô giáo gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Theo Thứ trưởng giáo dục và đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, các nhà giáo ở vùng sâu vùng xa phải đi đến “từng hộ gia đình để điều tra trình độ văn hóa của từng người dân” để lập danh sách những đối tượng cần phải xóa mù chữ.

“Họ phải đến từng nhà để vận động từng người dân ra lớp học”, bà cho biết.

Bởi vậy, theo ông Sziraczki, một thách thức lớn đối với VN, là làm thế nào để nghề giáo trở thành một “việc làm bền vững xứng đáng với vị thế vốn có của nghề này trong xã hội”.

Nhân Ngày Nhà giáo VN đang đến gần, các bên tổ chức tọa đàm này kêu gọi công chúng chú ý tới Khuyến nghị về Vị thế Nhà giáo của Tổ chức Lao động Quốc tế/tổ chức giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (ILO/UNESCO) và Khuyến nghị về Vị thế giáo chức đại học của UNESCO.

Các khuyến nghị trên, tuy được ra đời từ nhiều thập kỷ, vẫn còn nguyên giá trị và hiện đã được Quỹ Hòa bình và giáo dục VN dịch ra tiếng Việt nhằm mục đích tuyên truyền, đóng góp cho quá trình cải tổ giáo dục và đào tạo của đất nước.

Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng khi dành cho giáo dục 20% phân bổ ngân sách quốc gia, nhưng còn cần nhiều sự hỗ trợ nữa để giúp các nhà giáo đưa giáo dục đến cho tất cả mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hỗ trợ hơn nữa để đưa giáo dục đến với tất cả mọi người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.