Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán quá tải

Thống Nhất| 25/03/2013 06:01

(HNM) - Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Đây là bản quy hoạch đã được thông qua tại Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND ngày 5-4-2012 với những cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết để mạng lưới giáo dục Thủ đô phát triển bền vững cả về lượng và chất, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước trong thời gian tới.

Việc thiếu trường và sức ép quá tải không chỉ xuất hiện ở khu vực nông thôn mà còn khá rõ ở khu vực nội thành. Ảnh: Bảo Lâm


Thiếu gần 7 triệu mét vuông đất xây trường

Tính đến năm học 2012-2013, toàn thành phố có hơn 2.400 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp với hơn 1,5 triệu học sinh (HS). Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều trường luôn phải đối mặt với áp lực tuyển sinh và mối lo quá tải. Khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở khối giáo dục mầm non khi các quận, huyện, thị xã đều thiếu trường, lớp, không đáp ứng được nhu cầu gửi con của phụ huynh; hầu hết các nhóm, lớp luôn trong tình trạng quá tải với số lượng trẻ/lớp phổ biến ở mức 50-60 trẻ, có nơi lên đến 70 trẻ/lớp.

Việc thiếu trường và sức ép quá tải không chỉ xuất hiện ở khu vực nông thôn, mà còn khá rõ ở khu vực nội thành. Nhiều khu đô thị mới được đầu tư lớn, xây dựng khang trang, song số khu có trường mầm non chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đối chiếu với quy chuẩn thiết kế xây dựng trường học thì toàn thành phố còn thiếu gần 7 triệu mét vuông đất xây trường, trong đó, thiếu nhất là ở khối mầm non - 2,3 triệu mét vuông, tiếp đến là khối tiểu học (1,9 triệu mét vuông), cấp THCS và THPT cũng thiếu hơn 2 triệu mét vuông đất…

Thiếu mặt bằng nên hầu hết các trường đều không đủ không gian cho việc tổ chức hoạt động tập thể, thể dục thể thao, sân chơi... Theo quy chuẩn xây dựng, các trường phải bảo đảm diện tích đất bình quân là 15m2/HS, song thực tế hầu hết các trường khu vực nội thành không đạt được quy định này. Đơn cử như ở khối các trường mầm non, quận Hoàn Kiếm có chỉ số bình quân thấp nhất - 1,8m2/HS. Huyện Sóc Sơn có diện tích đất bình quân cao nhất là 14,8m2/HS, song cũng chưa đủ so với quy định nói trên.

Theo quy chuẩn, các trường phải bảo đảm diện tích, có không gian cho việc tổ chức hoạt động tập thể, thể dục thể thao. Ảnh: Khánh Nguyên


Quỹ đất xây trường: Ưu tiên số một

Theo các chuyên gia, dự báo dân số của Hà Nội đến năm 2030 sẽ tăng lên 9,1 triệu người, nên việc phát triển các loại hình GD-ĐT nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, quy mô GD-ĐT của Hà Nội trong các năm tới phải tiếp tục tăng ở tất cả các cấp học, ngành học. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố ngay từ thời điểm này có vai trò quan trọng.

Mục tiêu ưu tiên số một được đặt ra là dành quỹ đất xây trường, bảo đảm cho hệ thống giáo dục Thủ đô không chỉ đủ về số lượng trường, mà còn được đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu này nhằm giải quyết hai vấn đề lớn còn tồn tại hiện nay là quy mô lớp học lớn và diện tích đất bình quân/HS nhỏ.

Từ nay đến năm 2030, Hà Nội cần 17,9 triệu mét vuông đất để xây mới 1.215 trường học. Nếu bảo đảm lộ trình, quy mô lớp học ở tất cả các cấp học sẽ giảm và HS có cơ hội được chăm sóc, giáo dục tốt hơn.
Sĩ số trẻ/lớp ở mầm non sẽ giảm khoảng 50% so với hiện nay; diện tích sử dụng tối thiểu cho mỗi HS được tăng lên, khoảng từ 6-8m2/HS (khu vực nội thành) và từ 10-12m2/HS (ngoại thành), còn ở tất cả những trường xây mới sẽ bảo đảm quy định 15m2/HS.

Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các cấp quản lý và cả nhà trường là triển khai quy hoạch xây dựng trường học theo đúng tiến độ, tránh xảy ra tình trạng quy hoạch "treo". Để đạt mục tiêu ấy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành GD-ĐT có vai trò chủ động trong mọi khâu, kịp thời tham mưu, tháo gỡ vướng mắc nảy sinh.

Cơ chế, giải pháp trọng tâm để có quỹ đất xây trường từ nay đến năm 2030 đã được quán triệt tới các quận, huyện, thị xã, đó là ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng, tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học. Đối với khu vực nội thành không còn quỹ đất trống, tùy theo điều kiện thực tế về nhu cầu cải tạo, mở rộng diện tích của từng trường, các đơn vị có thể xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng, bố trí HS học ở tầng thấp, cán bộ, giáo viên làm việc ở tầng cao.

Hiệu trưởng các trường thống nhất đề xuất: Hạn chế xây dựng các chung cư cao tầng tại 4 quận là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa để giảm mức tăng dân số cơ học, bớt áp lực cho các nhà trường ở các địa bàn này; di chuyển các cơ sở sản xuất, trường ĐH, CĐ, TCCN, dạy nghề không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành để tạo quỹ đất phục vụ phát triển hệ thống trường học...

Việc xây dựng mạng lưới trường học ở Hà Nội nhằm bảo đảm khả năng phục vụ HS học và hoạt động hai buổi/ngày tại trường; phát triển các trường học có tổ chức bán trú; giảm dần số HS bình quân/lớp vào năm 2030 (30 HS/lớp - ở các trường mầm non, tiểu học, THCS; 40 HS/lớp ở các trường THPT).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán quá tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.