Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy và học lịch sử trong trường phổ thông: Quá nhiều bất cập!

Hồng Hạnh| 05/05/2013 06:02

(HNM) - Ngày 4-5, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra lễ tuyên dương, trao thưởng cho 117 học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba môn lịch sử trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia cấp THPT năm 2013.

Đây là lần thứ hai Quỹ Phát triển sử học (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) tổ chức lễ tuyên dương HS giỏi lịch sử với mong muốn khích lệ niềm đam mê học lịch sử, góp phần cải thiện chất lượng dạy - học môn lịch sử trong các trường phổ thông hiện nay. Nhưng có lẽ chưa thể kỳ vọng về sự thay đổi ngay một sớm một chiều.

Dạy sử thông qua các buổi tham quan, ngoại khóa... giúp học sinh dễ tiếp thu bài giảng hơn. Ảnh: Bảo Lâm


Thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong số 211 HS đoạt giải môn lịch sử trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia cấp THPT năm 2012 được tuyển thẳng vào ĐH thì có 9 HS vào ĐH Sư phạm Hà Nội, 3 HS vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng, 1 HS vào ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Như vậy, chỉ có 13 HS đăng ký xét tuyển thẳng vào ĐH, chiếm tỷ lệ chưa đầy 1%, con số phản ánh một thực trạng buồn là ngay cả việc được tuyển thẳng vào trường ĐH cũng chưa hấp dẫn HS giỏi lịch sử chọn con đường theo nghiệp sử.

Câu chuyện về HS Trường Nguyễn Hiền (TP Hồ Chí Minh) xé đáp án lịch sử khi biết môn này không nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp năm 2013 phần nào cho thấy động cơ học tập của nhiều em với môn lịch sử cũng chỉ là để đi thi. Từ thực tế này, GS-NGND Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân cơ bản là môn lịch sử chưa được đặt đúng vị thế của nó trong giáo dục phổ thông. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, môn lịch sử phải được coi là một trong những môn học cơ bản, bắt buộc. Chức năng của môn lịch sử không phải chỉ trang bị kiến thức mà quan trọng hơn là bồi dưỡng tinh thần yêu mến, trân trọng các giá trị lịch sử và giáo dục về các truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ đầy đủ.

Tại Việt Nam, kết quả thi cử nhiều năm và những điều tra xã hội học cho thấy nhiều HS hiểu biết về lịch sử còn hạn chế, thậm chí hiểu sai những sự kiện lịch sử cơ bản của nước nhà. Đã có nhiều câu chuyện, tình huống, nhận thức lịch sử của HS khiến người nghe bật cười. Giấu đằng sau tiếng cười là rất nhiều trăn trở.

Nhiều sáng kiến học sử

Vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng dạy học môn lịch sử ở các trường phổ thông. Việc liên tục được có tên trong danh sách 6 môn thi tốt nghiệp hằng năm cũng khiến cho môn lịch sử được các trường chú tâm hơn. Những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thực trạng buồn về dạy và học sử cũng đã được nghiêm túc mổ xẻ. Trong đó, bên cạnh những điểm còn bất cập về nội dung chương trình, sách giáo khoa, có lý do là những hạn chế của giáo viên khi triển khai bài dạy.

Tháng 1-2013, việc tăng cường sử dụng di sản văn hóa trong dạy học lịch sử đã được Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện thí điểm tại các trường tiểu học, THCS của 7 tỉnh, thành phố nhằm đem đến cho HS cách tiếp cận mới đối với môn lịch sử. Kết quả kiểm tra việc triển khai tại Hà Nội trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua của Bộ GD-ĐT cho thấy, việc sử dụng di sản "sống" và các tư liệu về di sản đã khiến các giờ học lịch sử vốn bị coi là khô cứng và giáo điều trở nên "mềm" hơn, dễ hiểu và gần gũi với HS. Không chỉ sử dụng trong dạy học lịch sử, tại Hà Nội, di sản văn hóa còn được lồng ghép vào các tiết âm nhạc ở trường phổ thông nhằm làm cho những kiến thức về văn hóa, lịch sử thấm dần vào HS. Nhiều giờ học lịch sử đã được HS đón đợi hơn, HS cũng dễ nhớ, dễ thuộc kiến thức hơn. Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, tư liệu phản ánh cuộc sống gian khổ của người dân Việt Nam trong kháng chiến, về sự kiên cường trong đấu tranh giành độc lập, về tấm gương anh dũng hy sinh của các anh hùng… đã gợi cho HS nhiều cảm xúc. Bài học vì thế có tác dụng, hiệu quả hơn nhiều so với việc ngồi nghe thuyết trình trong lớp.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa môn lịch sử từ sau năm 2015 được thực hiện theo định hướng bảo đảm tính hài hòa, cân đối giữa dạy chữ và dạy người. Chương trình, sách giáo khoa lịch sử cấp THPT sẽ có thêm nhiều nội dung dạy học tự chọn để đẩy mạnh hình thức dạy học phân hóa. Những nội dung về chính trị, chiến tranh, các con số sẽ được giảm bớt; kiến thức về văn hóa dân tộc, về thành tựu nghiên cứu của khoa học lịch sử và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được đề cập đậm nét hơn. Còn ở cấp tiểu học và THCS, môn lịch sử sẽ được dạy học theo hình thức tích hợp với các môn khác nhằm giảm số lượng môn học. Các kiến thức lịch sử cũng được điều chỉnh cho phù hợp với tâm lý và khả năng tiếp nhận kiến thức của HS độ tuổi này.
Những nỗ lực ấy liệu có đem đến sự cải thiện nào cho chất lượng dạy và học lịch sử trong trường phổ thông?

Có 206 HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp quốc gia môn lịch sử năm 2013. Trong đó, có 5 giải nhất, 34 giải nhì, 78 giải ba, 89 giải khuyến khích. 5 giải nhất được trao cho HS ở các tỉnh Nam Định (2 HS), Ninh Bình, Hà Nam và Quảng Bình. Vĩnh Phúc và Thanh Hóa có nhiều HS giỏi đoạt giải môn lịch sử nhất - mỗi địa phương 8 HS.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy và học lịch sử trong trường phổ thông: Quá nhiều bất cập!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.