Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình trường chất lượng cao tại Hà Nội: Phí cao, chất lượng có cao?

Thống Nhất| 04/07/2013 07:38

(HNM) - Bộ tiêu chí về trường chất lượng cao  vừa được công bố cuối tuần qua, đưa ra yêu cầu cụ thể về điều kiện dạy, học và dịch vụ giáo dục, thu hút sự quan tâm của dư luận với vấn đề vốn được coi là

Tuy thế, thông tin về mức trần học phí khởi điểm của trường CLC có thể ở mức 3 triệu đồng/tháng/học sinh, có thể được áp dụng ngay từ năm học tới đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng…

Các trường đáp ứng đủ 5 tiêu chí theo đánh giá kiểm định sẽ được công nhận là trường chất lượng cao. Ảnh: Trung Kiên


Chỉ phát triển trường CLC ở nơi đã có đủ chỗ học

Một trong ba nguyên tắc phát triển trường CLC được nêu rõ trong quyết định của UBND TP Hà Nội là chỉ phát triển mô hình trường này ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho học sinh (HS) thuộc các đối tượng phổ cập giáo dục và việc theo học là tự nguyện. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định rằng, với các trường mầm non, phổ thông công lập được công nhận là trường CLC thì số HS đang theo học tại trường được quyền lựa chọn tiếp tục học chương trình nhà trường áp dụng trước khi được công nhận CLC, hoặc theo chương trình CLC. Điều này giải tỏa mối lo của nhiều phụ huynh, những người sợ bị buộc theo học trường CLC trong khi không có nguyện vọng và khả năng đóng góp. Với nguyên tắc này, phụ huynh cũng không phải lo con em mình mất chỗ học ở trường công lập vào những năm học tới.

Dù chậm so với kế hoạch gần một năm nhưng đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương duy nhất ban hành được bộ tiêu chí trường CLC với 5 tiêu chí "cứng", gồm các điều kiện bắt buộc về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục CLC. Tùy theo từng cấp học, các yêu cầu trong từng tiêu chí có sự điều chỉnh phù hợp, hướng tới mục đích cuối cùng là bảo đảm điều kiện chăm sóc, dạy, học tốt nhất để cho ra những "sản phẩm" tương ứng. Ví dụ như trường mầm non thì phải đạt mục tiêu không có trẻ bị suy dinh dưỡng; trường tiểu học phải có 80% HS xếp loại học lực giỏi; tỷ lệ HS khá, giỏi ở trường trung học là 90%... Quy định này sẽ được áp dụng, làm căn cứ đánh giá, công nhận các trường mầm non, phổ thông CLC trên địa bàn Hà Nội từ năm học 2013-2014.

Theo kế hoạch, ngay trong tháng 7 này, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ xây dựng và trình UBND thành phố xem xét thủ tục đánh giá, công nhận trường CLC; hướng dẫn chi tiết cách thức đánh giá; tập huấn cho các nhà trường về đổi mới nội dung, phương pháp và điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục và thành lập hội đồng kiểm định độc lập nhằm đánh giá trường CLC. Sau khi kiểm định theo 5 tiêu chí trên, trường nào đạt tiêu chuẩn CLC sẽ được UBND thành phố ra quyết định công nhận và công bố rộng rãi ngay trước thời điểm khai giảng năm học mới.

Hà Nội hiện có 18 trường đang thí điểm mô hình CLC. Tuy nhiên, việc những trường này có được "đóng dấu" CLC hay không còn phụ thuộc vào sự thẩm định của cơ quan quản lý. Trong trường hợp chưa đạt chuẩn CLC, các trường được tiếp tục thí điểm thêm 2 năm học nữa để hoàn thiện các tiêu chí. Từ năm học 2015-2016 trở đi, nếu trường chưa được công nhận là trường CLC thì được chuyển về mô hình trường công lập bình thường.

Khó về lộ trình thực hiện

Cùng với các tiêu chí, Hà Nội cũng xây dựng mức thu học phí của trường CLC để trình HĐND thành phố thông qua. Theo đó, từ năm học 2013-2014, mức trần học phí của trường mầm non, tiểu học công lập CLC là 2,9 triệu đồng/tháng/HS; đối với trường THCS và trường THPT là 3 triệu đồng/tháng/HS. Mức này sẽ tăng lên tương ứng là 3,2 triệu đồng/tháng/HS và 3,4 triệu đồng/ tháng/HS vào năm học 2014-2015.

Một số phụ huynh đang có con theo học thí điểm trường CLC trên địa bàn thành phố tỏ ra lo lắng, bởi so với mức thu trung bình ở các trường hiện nay (500 nghìn đến 700 nghìn đồng/tháng/HS) thì mức thu dự kiến nói trên khá cao. Hiệu quả giáo dục, "sản phẩm" của mô hình trường CLC có xứng với "đồng tiền bát gạo" mà họ bỏ ra hay không, đó là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Ngoài ra, điều khiến các nhà trường và phụ huynh lo lắng nhất lúc này là lộ trình phát triển trường CLC trong tương lai. Theo dự kiến, sau hai năm áp dụng mức trần học phí như đã nêu, từ năm học 2015-2016, các trường CLC phải bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên từ nguồn thu học phí. Khi Nhà nước không còn cấp ngân sách cho HS như ở các trường công lập, phụ huynh chắc chắn sẽ phải đóng góp ở mức độ cao hơn, thậm chí có nguy cơ gánh mức phí "trên trời". Với các nhà trường, việc nguồn tài chính hoàn toàn phụ thuộc vào khoản thu học phí khiến họ liên tưởng tới mô hình trường bán công - đã từng thất bại trong quá khứ. Theo ý kiến của một số nhà giáo, cần xác định mục tiêu chính của việc xây dựng trường CLC là gì? Thực tiễn cho thấy, hướng phát triển của trường công lập CLC là để tiếp cận nhanh với mô hình giáo dục tiên tiến của các nước, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong quản lý, đầu tư chứ không phải xây dựng trường CLC theo hướng xã hội hóa. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Nhà nước sẽ cấp phần kinh phí cơ bản như đối với các trường công lập đại trà, còn phần để thực hiện các nội dung nâng cao sẽ do phụ huynh đóng góp.

Việc giao quyền tự chủ với các nhà trường là điều cần thiết, song, nếu "buông" hoàn toàn thì việc điều tiết, quản lý và chỉ đạo để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu giáo dục CLC trong tương lai xem ra còn nhiều gian nan. Niềm tin, sự kỳ vọng của phụ huynh đối với mô hình trường CLC liệu có còn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình trường chất lượng cao tại Hà Nội: Phí cao, chất lượng có cao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.