Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công khai, minh bạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Bài, ảnh: Thiện Mỹ| 09/12/2013 02:59

(HNM) - Dự án (DA) xây dựng Trường THPT Khương Đình, quận Thanh Xuân


Quá nhiều vướng mắc

Năm 2002, UBND thành phố ra Quyết định số 2586/QĐ-UB, giao 14.524m2 đất tại phường Khương Đình cho Ban Quản lý dự án (QLDA) quận Thanh Xuân xây dựng Trường THPT Khương Đình. Thực hiện quyết định này, từ năm 2003 đến 2005, UBND quận Thanh Xuân đã GPMB diện tích hơn 10.719m2 và trên phần đất này đã xây dựng nhà hiệu bộ. Từ đó đến nay, DA "giậm chân tại chỗ" khiến nhà hiệu bộ "ngủ im" trong "rừng" cây tạp, bao vây phía ngoài là bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và cho thuê cốp pha… Công trình ngừng thi công trong suốt 10 năm qua khiến người dân khu vực này nghi ngờ về việc DA đã bị bán, hoán đổi từ xây trường công lập sang trường dân lập. Cùng với nghi ngờ đó là hàng loạt các đề nghị của người dân liên quan đến công tác BT, HT GPMB.

Nhà hiệu bộ Trường THPT Khương Đình "ngủ đông" trong khu vườn tạp.



Diện tích vướng mắc, chưa GPMB của DA từ năm 2002 đến nay là hơn 2.947m2, liên quan đến đất nông nghiệp của 42 hộ dân. Năm 2005, 2006, UBND quận Thanh Xuân phê duyệt phương án BT, HT và TĐC đối với 37 trường hợp và dự thảo phương án BT đối với 5 trường hợp. Điều đáng lưu ý là trong số 42 hộ diện phải GPMB thì có 37 hộ đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm nhà ở từ năm 1994, ăn, ở, sinh sống khá ổn định tại khu vực bị thu hồi đất. Năm 2005, khi áp phương án BT, HT, TĐC cho các hộ bị thu hồi đất thì chính sách áp dụng là Quyết định 26/2005/QĐ-UBND ngày 18-2-2005 của UBND TP Hà Nội, do đó 42 hộ được BT về đất theo giá đất nông nghiệp, còn nhà và công trình gắn liền với đất được hỗ trợ 40% giá xây mới. Do vậy, hộ được BT, HT cao nhất hơn 60 triệu đồng, hộ thấp nhất chỉ hơn 16 triệu đồng và chỉ có 3/42 hộ nhận tiền, nhưng chưa bàn giao mặt bằng.

Trong số 37 hộ đã phê duyệt phương án BT, HT có 15 hộ được mua nhà TĐC, nhưng các hộ không có tiền để trả đủ một lần khi mua nhà TĐC nên đề nghị quận Thanh Xuân cho phép trả chậm số tiền còn thiếu. Còn những hộ không được xét mua nhà TĐC lại tiếp tục đề nghị được hỗ trợ về đất theo giá đất ở và được mua nhà TĐC. Trước những kiến nghị đó, UBND quận Thanh Xuân đã báo cáo liên ngành và Ban Chỉ đạo GPMB thành phố. Đến tháng 7-2008, UBND thành phố cho phép các hộ được mua nhà TĐC trả chậm toàn bộ số tiền còn thiếu… Tuy nhiên, việc GPMB vẫn không thể thực hiện do các hộ không được TĐC liên tục có đơn đề nghị HT về đất theo giá đất ở và được xét mua nhà TĐC để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chính sách BT, HT, GPMB của thành phố từ năm 2005 đến nay lại liên tục thay đổi… Để các hộ dân đỡ thiệt thòi, UBND quận Thanh Xuân đề nghị các cấp xem xét, điều chỉnh cho những hộ có đất nông nghiệp, đã chuyển nhượng và xây nhà ở được HT bằng 40% giá đất ở tại thời điểm phê duyệt phương án BT, HT năm 2006. Sau một thời gian khá dài, đến năm 2011, phương án BT, HT nói trên của UBND quận Thanh Xuân được UBND thành phố chấp thuận. Một lần nữa, phương án BT, HT đối với các hộ thuộc diện phải GPMB lại được sửa đổi, bổ sung, nhưng khi chi trả tiền vào cuối năm 2011, cũng chỉ có thêm 3 hộ nữa nhận tiền khiến công tác GPMB vẫn tiếp tục "bí"…

Dự án vẫn "âm thầm" được triển khai…

Trong suốt 10 năm DA "ngủ đông", nhà của hầu hết hộ dân trong diện GPMB đều chịu cảnh dột nát, xuống cấp nhưng không được phép sửa chữa càng khiến người dân bức xúc. Đối chiếu với Quyết định 2586/QĐ-UB ngày 18-4-2002 của UBND thành phố, tại Điều III có ghi: "Sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất, nếu Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân chưa sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích… sẽ thu hồi quyết định giao đất" nên các hộ dân đồng loạt đề nghị UBND thành phố thu hồi lại quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận cho các hộ để họ ổn định cuộc sống. Về việc này, ông Phạm Quốc Hương, Trưởng bộ phận GPMB Ban QLDA quận Thanh Xuân cho biết: Đây là DA xây dựng trường công lập và trong suốt 10 năm qua, tuy không thi công trên thực địa nhưng giữa quận Thanh Xuân với các sở, ban, ngành của thành phố vẫn liên tục thực hiện các phần việc để xin điều chỉnh cơ chế, chính sách. Với ý kiến của các hộ dân, UBND quận Thanh Xuân đã báo cáo và UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở, ngành xem xét. Ngày 9-7-2013, UBND thành phố ban hành Quyết định 4235/QĐ-UBND, điều chỉnh một số nội dung Quyết định 2586. Theo đó, diện tích thu hồi để xây dựng Trường học vẫn tiếp tục phải GPMB để thực hiện DA, còn 4.486m2 để xây dựng đường nối từ đường Vương Thừa Vũ với đường Vành đai 3 (theo Quyết định 2586) được tạm dừng thu hồi, sẽ thực hiện sau khi có quyết định của cơ quan chức năng. Ngày 8-11-2013, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ban, ngành hữu quan quận Thanh Xuân đã cắm mốc thu hồi đất tại thực địa theo quyết định mới điều chỉnh. Với những hộ được TĐC (hiện nay là 17 hộ), sẽ mua nhà tại khu nhà ở X1, phường Hạ Đình (Thanh Xuân) nhưng hiện nay DA vẫn chưa hoàn thiện. Nếu các hộ bàn giao mặt bằng, sẽ được HT tiền thuê nhà theo quy định hiện hành. Hiện tại, UBND quận Thanh Xuân đang phúc tra số liệu của các hộ trong diện GPMB và sẽ công khai phương án BT, HT, TĐC trong thời gian tới.

Nguyên nhân không hoàn thành công tác GPMB cho DA xây dựng Trường THPT Khương Đình đã được UBND quận Thanh Xuân nghiêm túc nhìn nhận, trong đó có việc công khai chưa đầy đủ DA, cũng như phương án BT, HT, TĐC cùng với việc các cơ chế, chính sách thay đổi quá nhiều… Đề nghị UBND quận Thanh Xuân nhanh chóng xúc tiến công tác GPMB theo đúng quy trình, thủ tục để ổn định cuộc sống cho người dân và bảo đảm DA sớm được tiếp tục thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công khai, minh bạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.