Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng cần song hành với số lượng

Lý Hồng Phong| 14/12/2013 07:06

(HNM) - HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 23 trường cao đẳng nghề,

Đào tạo nghề cho các học viên tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện Từ Liêm.
Ảnh: Thu Giang



Mục tiêu cao

Tại Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 mỗi quận, huyện, thị xã có ít nhất 1 trung tâm dạy nghề, 1 trường trung cấp nghề hoặc 1 trường cao đẳng nghề. Cụ thể, đến năm 2015, thành phố có 14 trường cao đẳng nghề, 32 trường trung cấp nghề, 57 trung tâm dạy nghề. Năm 2020, con số này sẽ là 21 trường cao đẳng nghề, 32 trường trung cấp nghề, 66 trung tâm dạy nghề. Và định hướng đến năm 2030 sẽ có 23 trường cao đẳng nghề, 34 trường trung cấp nghề, 73 trung tâm dạy nghề. Tương ứng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề sẽ tăng dần theo từng năm, dự kiến đến năm 2015 con số này là trên 40% (trong đó đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề chiếm trên 28%). Đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55% (trong đó đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề chiếm trên 40%) và đến năm 2030 sẽ có khoảng 90% người lao động được qua đào tạo nghề.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, việc quy hoạch mạng lưới phát triển các trường nghề nhằm đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Từ đó, hình thành đội ngũ lao động lành nghề và phổ cập nghề cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo vững chắc. Đồng thời xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đạt chuẩn, đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ năng nghề đáp ứng đào tạo nghề khu vực và quốc tế.

Để bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện kế hoạch quan trọng, dài hơi này, Hà Nội dự kiến sẽ nâng dần tỷ trọng đầu tư cho dạy nghề trong tổng chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo lên trên 13%, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển dạy nghề bao gồm: Nhà nước, doanh nghiệp, người học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó nguồn ngân sách nhà nước là quan trọng.

Chất lượng có theo kịp số lượng?

Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng, mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của quy hoạch là quá "nóng". E ngại chất lượng đào tạo nghề có thể bị ảnh hưởng khi chạy theo số lượng, ông đề nghị nên giữ tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hằng năm tăng 5-7%, đồng thời cần chú trọng đến việc liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả trong việc dạy nghề.

Là người nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội nêu ý kiến, thay vì mở rộng số lượng, thành phố cần ưu tiên tập trung đầu tư cho một số nghề tiêu biểu, thế mạnh của Thủ đô. Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2015 cần tập trung khắc phục sự yếu kém hiện tại của các cơ sở đào tạo nghề, thay vì tập trung quá lớn cho đầu tư mới.

Tại tờ trình về quy hoạch, UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra rằng chất lượng đào tạo nghề dù đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề và các kỹ năng mềm như: tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm. Cơ cấu đào tạo theo cấp trình độ và nghề đào tạo chưa hợp lý, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực. Bên cạnh đó, các cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu, phần lớn các trường chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng học, giảng đường theo quy định…

Phát triển mạng lưới các trường nghề gắn với đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hướng đến mục tiêu tạo việc làm bền vững cho người lao động là một hướng đi đúng, trong đó chất lượng đào tạo cần song hành với số lượng. Quy hoạch đã được thông qua, vấn đề đặt ra là quyết tâm và trách nhiệm thực hiện của các ngành, các cấp để mục tiêu, những nội dung quy hoạch trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng cần song hành với số lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.