Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm chi, giảm chỉ tiêu

Quỳnh Phạm| 28/12/2013 04:58

(HNM) - Dự toán chi ngân sách của Bộ GD-ĐT năm 2014 giảm 10%, 4 trường tự chủ tài chính được vượt trần học phí, Bộ không can thiệp vào việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô đào tạo hệ vừa học vừa làm sẽ tiếp tục bị siết chặt...

Lần đầu tiên chỉ tiêu đào tạo giảm

Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch và ngân sách năm 2013, trong vấn đề tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Ngọc Vũ đưa ra một số chi tiết đáng lưu ý. Theo đó, 2013 là năm đầu tiên tất cả chỉ tiêu đào tạo các hệ đều giảm (trừ chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ). Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc giảm chỉ tiêu ĐH, CĐ và TCCN là phù hợp với định hướng ổn định quy mô nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với thực tế đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất của các trường. Mặt khác, để bảo đảm cân đối cung cầu nhân lực của ngành sư phạm và khả năng bố trí ngân sách cho đào tạo sư phạm chính quy, Bộ đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sư phạm tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, theo hướng giảm dần phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Ngân sách GD-ĐT năm 2014 sẽ giảm 10% và quy mô đào tạo cũng được siết chặt. Ảnh: Hải Linh


Việc yêu cầu các trường phải đăng ký đúng về tỷ lệ đào tạo liên thông chính quy đã khiến chỉ tiêu liên thông, văn bằng 2 chính quy trình độ ĐH còn 28.200, giảm 11%; CĐ giảm mạnh - còn 1.300, tương đương 63%. Đối với TCCN, năm 2013 chỉ còn chưa đầy 6.000 chỉ tiêu, giảm tới 40% so với năm 2012. Điều này là do các trường ĐH trực thuộc Bộ đã tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo TCCN trong các trường ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Vũ, đối với các trường đào tạo nhóm ngành kinh tế, quy mô đào tạo vẫn còn lớn, nhiều trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên khá cao, đội ngũ giảng viên tăng chậm, một số trường có tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ thấp. Việc đào tạo cử tuyển, dự bị tập trung vào một số ngành như y, dược và một số trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Bộ GD-ĐT ghi nhận các trường đã có nhiều cố gắng trong công tác thu học phí, lệ phí nên nguồn thu này đạt trên 130% dự toán, song mức thu lệ phí mới vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chi cho công tác tuyển sinh của các trường. Bên cạnh đó, ở một số trường vẫn còn tình trạng lạm thu, thu nhiều khoản không có trong quy định như lệ phí thi lại, lệ phí xử lý hồ sơ sau ĐH, lệ phí nhập học, lệ phí làm bằng tốt nghiệp, tiền vệ sinh, tiền an ninh, phí bảo vệ luận văn, tiền bế giảng, tiền bảo lưu kết quả học tập.

Bốn trường sẽ được tăng học phí

Năm 2014 tiếp tục là một năm khó khăn về tài chính đối với các trường khi ngân sách của Bộ GD-ĐT giảm 10%, còn chưa đầy 6.000 tỷ đồng. Nhiều nội dung bị cắt giảm chi phí. Trong đó, chi sự nghiệp nghiên cứu khoa học giảm tới 100 tỷ đồng so với năm 2013, tương đương 30%. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, nguyên tắc phân bổ kinh phí năm nay là ưu tiên bố trí cho cơ sở, cho nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện, cho các trường sư phạm, hạn chế triệt để việc tổ chức hội thảo, hội nghị, nhất là đi nước ngoài.

Điểm mới trong phân bổ ngân sách năm 2014 là từ năm này, ngân sách nhà nước sẽ không hỗ trợ chi phí hoạt động không thường xuyên cho các trường ĐH thuộc khối kinh tế - tài chính được giao thí điểm tự chủ tài chính. Đó là 4 trường: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Nhưng, bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án tăng học phí cho các trường này để bù lại. Như vậy, 4 trường trên sẽ được quyền tăng học phí, không bị giới hạn mức trần như các trường khác. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, dù khoản thu bù cao hơn mức chi của Bộ rất nhiều nhưng Bộ GD-ĐT vẫn có phương án dự phòng trường hợp trường không thu đủ.

Chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ, TCCN có sự điều chỉnh cơ cấu giữa các ngành, theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật. Do tình trạng thừa giáo viên hiện nay nên chỉ tiêu sư phạm sẽ được điều chỉnh giảm trong những năm tới, trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu. Bộ GD-ĐT tiếp tục yêu cầu các trường không vượt quá mức 50% chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng 2 so với chỉ tiêu chính quy. Các trường ĐH phải có lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN để dừng tuyển sinh hệ này trước năm 2017.

Bộ GD-ĐT khẳng định, năm 2014 sẽ không cấp chỉ tiêu nữa. Các trường phải tự xác định dựa trên quy định bảo đảm chất lượng. Nếu xác định sai thì sẽ bị xử lý. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cảnh báo thêm: Các trường phải tuân thủ tỷ lệ sinh viên/giảng viên, không những không được vượt trần mà thậm chí còn phải thấp hơn trần để bảo đảm chất lượng và hiệu quả đào tạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm chi, giảm chỉ tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.