Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đích” là hướng học và hướng nghiệp

Hà Phong| 29/08/2014 06:05

(HNM) -



Rất nhiều ý kiến đề cập cần phân chia chương trình GDPT thành hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, cần tiến hành ngay việc lấy ý kiến của học sinh - đối tượng chịu tác động.

Phân chia chương trình giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn là nội dung được nhiều nhà khoa học tập trung bàn thảo. Ảnh: Linh Ngọc


Rút lại đề xuất giáo dục cơ bản cần 10 năm

Thông tin mới nhất do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển công bố tại hội nghị, đó là: Bộ GD&ĐT rút lại đề xuất giáo dục cơ bản 10 năm - (gồm 5 năm học tiểu học, 5 năm học trung học cơ sở (THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm, vừa công bố ngày 20-8. Bộ xin giữ nguyên hệ thống GDPT hiện nay gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS, giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 3 năm học.

Bất ngờ với thay đổi kể trên, nhưng PGS Trần Thị Tâm Đan khẳng định, nên giữ giáo dục THCS 4 năm như hiện nay và giáo dục tiểu học tăng lên 6 năm để có thời gian học ngoại ngữ và tăng thêm thời gian cho chương trình toán. Hai năm còn lại (lớp 11, 12) là giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ thực tiễn giảng dạy và tìm hiểu tâm tư học sinh, GS Hồ Ngọc Đại cũng cho rằng, bậc tiểu học nên kéo dài 6 năm, còn THCS giữ nguyên vì tiểu học là cấp học cơ bản, hình thành nhân cách trí tuệ cho học sinh, sinh viên về sau, vì vậy cần đặc biệt đầu tư, chú trọng. GS Hồ Ngọc Đại cũng thể hiện băn khoăn trước việc các nhà khoa học tập trung bàn thảo vấn đề này mà không thử nghiệm, không hỏi ý kiến học sinh.

GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ sự sốt ruột không kém trước việc Bộ GD&ĐT đánh giá tác động của thay đổi chương trình học trong một bản báo cáo vẻn vẹn 16 trang. "Đọc xong, tôi toàn thấy các tác động tích cực nhưng dường như đều là sự tưởng tượng của người báo cáo" - GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định và dẫn ra ví dụ cụ thể về quan điểm của Bộ GD&ĐT: "Do chương trình mới chú trọng phát triển năng lực, nội dung được tinh giản, từ đó khắc phục hiện tượng quá tải, học sinh không phải đi học thêm, tiến tới khắc phục học thêm, dạy thêm tràn lan". Tuy nhiên, nạn học thêm không phải do chương trình quá tải mà do thầy cô giáo có nhu cầu dạy thêm để cải thiện kinh tế. Cần nhìn thẳng vào thực tế này để có giải pháp khắc phục. Cũng vì chưa quyết liệt quản lý, thiếu giải pháp ngăn chặn nên thời gian qua chương trình THPT đã bị một số trường tự ý cắt xén môn học. Vì lẽ này, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, cần tìm giải pháp tháo gỡ ở ngay việc điều chỉnh, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên giữa hai cấp học. Cũng cần mở thêm nhiều kênh thông tin giám sát, phản ánh tình trạng dạy và học.

Ý tưởng của GS Nguyễn Minh Thuyết nhận được đồng tình của nhiều chuyên gia. Nêu quan điểm không nên đưa vấn đề đổi mới chương trình học mà chưa tính kỹ những tác động của nó để gây xôn xao dư luận, đại diện Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, việc quan trọng nhất thời điểm này là nắm thông tin ngược lại từ cơ sở. Không tìm ra những nút thắt trong công tác giáo dục hiện nay thì mọi đề xuất đều là chủ quan.

Không kinh doanh sách giáo khoa

Không chỉ việc đổi mới chương trình học phải đáp ứng nhu cầu học sinh, đòi hỏi thực tiễn, cách làm sách giáo khoa (SGK) cũng nhận được sự quan tâm. PGS Trần Thị Tâm Đan đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện một bộ SGK chuẩn, phần còn lại xã hội hóa, tổ chức cá nhân nào đủ năng lực, muốn làm SGK đều được. Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng SGK cũng không thể chạy theo mục tiêu lợi nhuận và yêu cầu hàng đầu phải là cải thiện chất lượng. Điều đáng lưu ý hơn, hiện nay giai đoạn từ THCS lên THPT thay vì ngành giáo dục thực hiện phân luồng mạnh mẽ thì lại chủ yếu tập trung vào việc thi, xét tuyển và gần như tận vét học sinh vào hệ THPT, khiến cho việc dạy và học càng kém hiệu quả, nhất là ở khu vực vùng ven, vùng nông thôn. Trong khi đó, không ít phụ huynh không muốn cho con học nghề sớm. Như vậy, trong nhiều trường hợp, không phải công tác hướng nghiệp yếu kém như dư luận vẫn thường đổ lỗi. Vì thế, cần đổi mới chương trình SGK theo nhu cầu hướng học và hướng nghiệp, nghiên cứu số năm học hợp lý với nhu cầu song song với tăng cường định hướng nghề, giảm tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

GS Văn Như Cương đề nghị cần phân hóa, phân loại, phân luồng và phân ban học sinh ngay từ lớp 10 để học sinh có định hướng nghề nghiệp ngay khi bước vào THPT. Trên cơ sở này, các trường sẽ căn cứ vào điểm đầu vào để phân luồng đối tượng học sinh. Các em sẽ được dạy, định hướng nghề nghiệp ngay trong trường THPT để sau này khi ra trường các em chỉ cần học thêm 1-2 năm nghề là hoàn toàn có thể có một nghề cơ bản để mưu sinh. Muốn triển khai được, chương trình SGK giáo dục THPT phải đổi mới. Phải có ít nhất 2 chương trình SGK để dạy học sinh chứ không chỉ nhất nhất một chương trình như hiện nay.

Cũng có quan điểm cần mạnh dạn cho các trường trung cấp nghề, trường trung học chuyên nghiệp phải được tham gia vào các đợt thi, xét tuyển THPT. "Vấn đề phân luồng học sinh đã được bàn đi tính lại 17 năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện được một phần vì Bộ GD&ĐT trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục chỉ quan tâm đến phân luồng thi đại học. Nên đổi chương trình giáo dục THPT thành "hướng học" và "hướng nghiệp”, Hướng học là vào một số trường đại học, cao đẳng, còn hướng nghiệp là tham gia ngay vào thị trường lao động" - GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi: Xã hội hóa việc viết sách là đúng đắn nhưng yêu cầu chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc chuẩn bị một bộ SGK chuẩn phải do Bộ GD&ĐT chủ trì. Đích cuối cùng của việc đổi mới chương trình là vì học sinh, vì chất lượng giáo dục chứ không phải vì chuyện bình đẳng giữa các nhà sản xuất, chuyện cạnh tranh là thứ yếu. Nếu làm SGK mà cổ súy cho mục tiêu kinh doanh là điều không chấp nhận được.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đích” là hướng học và hướng nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.