Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa yên tâm với đề án đổi mới chương trình, SGK

Vân An| 20/11/2014 09:47

(HNMO) - Thảo luận về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sáng nay, 20/11, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết của đề án nhưng còn băn khoăn về việc Bộ GD&ĐT tham gia biên soạn SGK.


Chưa yên tâm với đề án đổi mới chương trình, SGK

Đại biểu Ngô Đức Mạnh - Bình Thuận cho rằng, việc đổi mới chương trình, SGK là cần thiết, nhưng trước khi tiến hành, Bộ GD&ĐT cần đánh giá căn cơ hoạt động giáo dục thời gian qua. Hiện chúng ta đã có một chương trình và bộ sách thống nhất thì những nội dung nào trong đó còn phù hợp và thiết thực với hiện tại, có nhất thiết phải biên soạn hoàn toàn một bộ sách mới hay không?

“Tôi ủng hộ chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ SGK nhưng điều kiện để các cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách trong đề án cũng chưa rõ ràng. Bộ GD&ĐT cũng tham gia biên soạn 1 bộ sách với kinh phí lớn, thì 3 bộ còn lại do cơ quan nào biên soạn trong khi theo đề án thì Bộ sẽ thẩm định tới 4 bộ sách?”, đại biểu Mạnh nêu vấn đề.

Nhiều đại biểu quan tâm đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa.


Theo các đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Tây Ninh, Nguyễn Thùy Trang - TP. Hồ Chí Minh, việc có nhiều bộ SGK sẽ giúp khắc phục những hạn chế hiện nay như tính vùng miền, sự cứng nhắc trong dạy và học… nhưng đề án chưa quy định rõ sự tham gia của các chủ thể khác vào khâu biên soạn sách như thế nào. Vì vậy, đề án đổi mới chương trình, SGK chỉ nên tập trung xây dựng chương trình mới cho giáo dục phổ thông và các điều kiện, lộ trình cần thiết thực hiện chương trình đó, còn việc biên soạn sách thì nên để các thành phần khác tham gia. Bộ nên dùng tiền dự kiến biên soạn sách vào những việc khác và xây dựng quy trình thẩm định sách thật chặt chẽ, độc lập, khách quan, công khai.

“Tôi có điểm chưa yên tâm vì để thực hiện đề án này, chúng ta cần 2 đề án phụ trợ: đào tạo giáo viên; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất thực hiện đề án. CHính phủ cần báo cáo Quốc rõ về 2 đề án này để Quốc hội xem xét tổng thể trước khi thông qua đề án”, đại biểu Trang đề nghị thêm.

Đồng thời, đại biểu Trang cho rằng, Bộ GD&ĐT cũng cần tính toán tuổi thọ của bộ SGK là bao lâu, từ đó có thiết kế phù hợp để các bộ SGK vừa có tính ổn định, vừa có tính cập nhật, không gây xáo trộn quá nhiều.

Không có lợi ích nhóm trong biên soạn SGK

Giải trình trước Quốc hội về đề án này, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, ở các nước có nền giáo dục phát triển, chương trình giáo dục thường do các viện nghiên cứu đảm nhiệm. Nhưng Việt Nam chưa có chuyên gia chuyên nghiệp và bộ máy nghiên cứu chuyên sâu về chương trình, SGK, công việc này hiện chủ yếu do các nhà giáo, chuyên gia đảm nhiệm. Để từng bước khắc phục, Bộ đã cử cán bộ đi học và khi đủ điều kiện sẽ báo cáo Chính phủ xin thành lập viện nghiên cứu chương trình, SGK. Với chương trình, SGK mới, Bộ đã định hướng xây dựng theo cách tiếp cận năng lực học sinh, trong đó tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ giáo dục, các viện nghiên cứu nước ngoài có kinh nghiệm, các hội khoa học kỹ thuật thành viên…

Về việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK và khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ khác, Bộ trưởng cho biết, việc biên soạn sách là một công việc khó khăn, tỷ mỉ, lực lượng tham gia biên soạn sách từ trước đến nay không nhiều do yêu cầu về mặt khoa học, thời gian tập trung dài, đãi ngộ còn hạn chế… Lần này, việc làm sách sẽ theo cách mới (tiếp cận năng lực thay vì truyền thụ kiến thức) nên có 2 khả năng xảy ra: nhiều nhóm sẽ biên soạn, sách biên soạn tốt, đa dạng; chưa có nhiều người sẵn sàng tham gia viết sách, sách không đáp ứng yêu cầu, không kịp thời gian và khả năng có những bộ sách không ai viết.

“Chúng tôi mong muốn phương án 1 xảy ra nhưng thực tế cho thấy nghiêng về phương án 2 nên việc Bộ tham gia biên soạn một bộ sách là để Chính phủ có sự chủ động trong mọi tình huống”, Bộ trưởng giải thích.

Bộ trưởng cũng khẳng định, không có vấn đề lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… trong tổ chức biên soạn sách, chương trình. Phương án xã hội hóa biên soạn SGK chính là do Bộ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội. Còn việc để Bộ tham gia biên soạn sách thì có phải là “vừa đá bóng vừa thổi còi không”, Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT từ trước đến giờ chưa bao giờ trực tiếp viết sách, việc này do các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia làm, Bộ chỉ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện nhân sự, bổ sung thông tin kiến thức cho việc viết sách, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho nhóm viết sách…

“Việc thẩm định sách sẽ do Hội đồng gồm các nhà giáo, chuyên gia… am hiểu sách nhưng không tham gia viết sách đảm nhiệm. Bộ căn cứ quyết định của Hội đồng này để cho phép ban hành các bộ sách”, Bộ trưởng nói.

Về quan điểm không nên để Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách vì như vậy không công bằng, nhóm này được dùng tiền nhà nước, trong khi các nhóm khác thì không…, theo Bộ trưởng, sự công bằng này có thể đảm bảo bằng các giải pháp kỹ thuật.

“Việc quyết định một vấn đề hệ trọng giáo dục mà chỉ căn cứ vào sự công bằng giữa các nhóm tham gia triển khai thì cũng cần được tính toán toàn diện”, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã quán triệt ngay từ đầu khi xây dựng đề án rằng, các nội dung đổi mới chương trình, SGK đều phải đáp ứng 2 yêu cầu: cập nhật, tiếp thu một cách có hệ thống, chọn lọc nền khoa học các nước phát triển; phù hợp với điều kiện hiện tại của phần lớn các cơ sở giáo dục trong nước, trong đó đã triển khai thí điểm cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa yên tâm với đề án đổi mới chương trình, SGK

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.