Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ thi THPT quốc gia: Còn nhiều băn khoăn

Thống Nhất| 24/01/2015 07:15

(HNM) - Theo dự kiến, quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ sớm được phê duyệt. Lúc này, dù cơ bản đã nhận được sự đồng tình từ cơ sở, song các chuyên gia vẫn bày tỏ sự nghi ngại đối với việc dùng điểm trung bình môn học lớp 12 cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt là về nguy cơ xảy ra tiêu cực.


Lúng túng chọn môn thi


Dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT, sẽ áp dụng từ năm 2015, có quy định hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 1-4 hằng năm. Như vậy, chỉ còn 2 tháng nữa là các thí sinh (TS) phải hoàn thành việc lựa chọn môn thi trong số 8 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia để đăng ký dự thi.

Vẫn còn nhiều nghi ngại đối với việc dùng điểm trung bình lớp 12 cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ảnh: Viết Thành



Để chuẩn bị cho việc này, từ khoảng 2 tháng nay, bên cạnh việc giảng dạy theo khung phân phối chương trình theo quy định, các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố đã tổ chức khảo sát về nguyện vọng của HS nhằm nâng cao chất lượng ôn tập các môn có trong kế hoạch thi của HS. Tuy nhiên, với một kỳ thi có tới hai mục tiêu: Vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì vấn đề cân nhắc và quyết định đăng ký dự thi môn nào trong kỳ thi THPT quốc gia không phải là việc đơn giản.

Thống kê sơ bộ từ 360 HS lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú cho thấy, môn vật lý đang có tỷ lệ HS đăng ký dự thi nhiều nhất - gần 66%, tiếp đến là môn địa lý - 32,4%; môn có ít HS đăng ký dự thi nhất là sinh học - chưa đầy 5%. Còn tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, theo số liệu khảo sát mới nhất, môn địa lý có số lượng HS đăng ký nhiều nhất (76,5%, tăng gần 3% so với kết quả khảo sát được thực hiện cách đây 2 tháng). Xét theo khối thi, khối D hiện có 63,8% HS đăng ký, giảm 2%; khối A1 là 14%, giảm 0,6%...

Ghi nhận từ các nhà trường cho thấy, việc lựa chọn môn thi, khối thi đối với một bộ phận HS hiện nay chủ yếu vẫn dựa theo cảm tính, thấy có nhiều bạn trong lớp, trong trường đăng ký môn nào thì chọn theo. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm lớp hoặc giáo viên bộ môn có trách nhiệm lớn trong việc theo sát tình hình học, ôn tập của từng HS để kịp thời định hướng cho HS. Đây là điều cần thiết nhằm giúp HS đăng ký dự thi theo đúng nguyện vọng và năng lực thực chất, từ đó đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi, hạn chế tối đa những thiệt thòi cho HS do chọn nhầm môn thi.

Băn khoăn về "chất lượng điểm số"

Trong công thức xét công nhận tốt nghiệp THPT cho TS, ngoài điểm thi 4 môn tối thiểu (gồm 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn), còn bao gồm điểm trung bình học tập các môn lớp 12 của TS. Tiến sĩ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, cách thức này nhằm bảo đảm cho TS "học gì, được đánh giá nấy", khuyến khích các em học đều để đạt yêu cầu cơ bản đối với tất cả các môn để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển ĐH, CĐ tốt.

Kỳ thi THPT quốc gia gồm 8 môn: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS chỉ phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài 4 môn thi tối thiểu nói trên, TS có thể đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định. TS đã tốt nghiệp THPT, nay dự thi chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì đăng ký môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà TS có nguyện vọng.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhận định, đây là cách làm tốt, giúp khắc phục tình trạng học lệch, xóa bỏ quan niệm "môn chính, môn phụ". Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ GD-ĐT cần có các quy định, chế tài mạnh để hạn chế tiêu cực có thể nảy sinh ở các nhà trường, trong đó có việc "chạy" điểm.

Bộ GD-ĐT sẽ kiểm soát như thế nào để bảo đảm rằng việc đánh giá kết quả học tập của HS ở các lớp, các trường THPT và các địa phương trên cả nước là nghiêm túc, công bằng, đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Lo lắng cho việc dùng điểm trung bình lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT, Thạc sĩ Kim Ngọc Minh, ĐH Utah (Mỹ), trong bản góp ý cho dự thảo quy chế thi đã cho rằng: Khái niệm "đánh giá quá trình" chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay. Khi điểm trung bình môn ở lớp 12 trở thành "tài sản quý" cho việc thực hiện mục tiêu tốt nghiệp và có thể sẽ được dùng để xét tuyển vào một số trường ĐH, CĐ thì việc điểm số trung bình của ai đó "được tác động bởi ngoại lực" là nguy cơ không thể loại trừ. Với điểm xét tốt nghiệp theo dự thảo hiện nay là 10 điểm, một HS có điểm trung bình lớp 12 là 7,0, đến khi thi tốt nghiệp, mỗi môn thi chỉ cần 3 điểm, thậm chí trên 2 điểm (trên mức điểm liệt) là đã có thể đỗ.

Một số thầy, cô giáo trực tiếp đứng lớp thừa nhận rằng, với tâm lý thương HS, việc "tạo lực đẩy" nhằm giúp một HS trung bình, thậm chí có học lực đuối hơn, có được điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt mức 7,0 là điều có thể xảy ra. Hơn nữa, thước đo trong kiểm tra, đánh giá ở mỗi nhà trường, mỗi địa phương cũng chưa thực sự đồng nhất và bởi vậy, nhiều người có thể không muốn làm chặt, vì lo HS của mình chịu thiệt thòi.

Dư luận có quyền nghi ngại rằng, nếu để một HS được công nhận tốt nghiệp THPT, thậm chí có thể được vào ĐH, CĐ với 4 điểm 3 trong kỳ thi THPT quốc gia thì chất lượng giáo dục về lâu dài liệu có ổn không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi THPT quốc gia: Còn nhiều băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.