Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng sinh viên Hacinco: biến tướng khó chấp nhận

Bài, ảnh: Duy Biên| 24/01/2015 07:42

(HNM) - Làng sinh viên Hacinco (tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) là mô hình xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội, tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở cho sinh viên ngoại tỉnh. Vậy nhưng, chỉ vài năm sau đưa vào sử dụng, công trình mang ý nghĩa xã hội này dần bị biến tướng.


Sảnh khách sạn đang được xây dựng, cải tạo.


Làng sinh viên Hacinco là dự án trọng điểm do Công ty Xây dựng số 2 làm chủ đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác. Hiện các khối nhà cao tầng của làng sinh viên có khoảng 4.000 sinh viên đến ở. Nhìn một cách bao quát, đây là địa điểm lý tưởng rất phù hợp với môi trường học tập, sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên. Vậy nhưng, qua một thời gian hoạt động, đến nay tại đây giống như một đơn vị kinh doanh dịch vụ tổng hợp, không còn đúng với mục đích ban đầu của cái tên gọi "làng sinh viên" nữa.

Có mặt tại đây, phóng viên nhận thấy tấm biển đề tên làng sinh viên Hacinco nằm lọt thỏm và lạc lõng trong vô số những biển hiệu quảng cáo rực rỡ màu sắc. Nhiều căn phòng ở đây được tận dụng làm hàng quán. Bên trong, sân chơi thể thao trước đây của làng sinh viên hiện đã nhường chỗ cho bãi trông giữ xe. Không chỉ có vậy, theo phản ánh của người dân, cách đây không lâu, Công ty Đầu tư và xây dựng số 2 đã cho xây dựng, cải tạo, mở rộng tại tầng 1 khu khách sạn ra đường Lê Văn Thiêm để phục vụ kinh doanh. Thậm chí, 2 tầng của tòa nhà phía giáp đường Lê Văn Thiêm hiện cho cơ sở matsa thuê, gây phản cảm đối với môi trường vốn mang tính sư phạm như Làng sinh viên Hacinco. Trước khi đưa cơ sở matsa vào sử dụng, bên thuê còn cải tạo, thay đổi kết cấu của tòa nhà và xây dựng công trình không phép tại khoảng đất lưu không vốn dành cho việc bảo đảm chữa cháy của làng sinh viên…

Để làm rõ những vấn đề trên, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật của Công ty Xây dựng số 2. Ông Quang cho biết, trong những năm gần đây, công ty gặp khó khăn về kinh tế, chi phí lớn, nhưng doanh thu không đủ. Năm 2003, công ty đã đầu tư một tòa nhà để làm khách sạn đón vận động viên phục vụ Sea Games. Sau đó, công ty tận dụng cơ sở vốn có ở đây để làm khách sạn. Đến năm 2014, do vị trí đón tiếp khách của khách sạn không thuận lợi do nằm trong khuôn viên của làng sinh viên, nên công ty xây dựng thêm mái sảnh ra phía đường Lê Văn Thiêm. Việc cải tạo, xây dựng được UBND quận Thanh Xuân cấp Giấy phép số 443/2014/ GPXD ngày 7-7-2014. Theo đó, diện tích xây dựng ở tầng 1 là 325m2, gồm 109m2 sàn xây dựng và 243m2 sàn xây dựng khu sảnh. Ngoài ra, tại nhà 17-21 tầng, trước đây, tầng 1 và tầng 2 cho thuê làm hội trường, phòng tập thể hình. Do không có hiệu quả nên từ tháng 9-2014, công ty cho Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Hương Sen thuê tầng 1 và tầng 2 làm cơ sở matsa. Sau đó, bên thuê có xây dựng bức tường quây nồi hơi đun nước ở hành lang cạnh tòa nhà.

"Theo quy định, việc cải tạo, xây dựng tại Làng sinh viên Hacinco phải được Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận?" - trả lời câu hỏi này, ông Quang cho rằng các phần xây dựng cải tạo của khách sạn không phải kiên cố nên đã được UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép xây dựng. Công ty đã báo cáo với Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời. Đối với phần xây dựng quây nồi hơi đun nước không phải kiên cố, cao tầng nên không ảnh hưởng đến việc phòng cháy, chữa cháy ở làng sinh viên…

Trên thực tế, năm 2012 tại làng sinh viên đã xảy ra một vụ cháy khiến nhiều người lo ngại, nên việc xây dựng bức tường quây nồi hơi đun nước của cơ sở matsa không chỉ không được sự đồng ý của cơ quan chức năng mà còn bịt cả hành lang bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy của tòa nhà nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hơn nữa, trong khi việc xây dựng, cải tạo tầng 1 của khách sạn được UBND quận Thanh Xuân cấp phép xây dựng thì việc sửa chữa, cải tạo tầng 1 và tầng 2 tòa nhà 17-21 tầng thành hàng chục phòng matsa nhỏ, có thể thay đổi kết cấu của tòa nhà lại không thông qua các cơ quan chức năng là điều rất vô lý. Chưa kể, việc cải tạo các công trình ở đây phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng. Thiết nghĩ, trong bối cảnh nhà ở cho sinh viên vừa thiếu, vừa không bảo đảm chất lượng thì những căn hộ ở làng sinh viên thực sự là niềm mơ ước với không ít sinh viên ngoại tỉnh. Việc làng sinh viên đang dần bị thương mại hóa như hiện nay là điều khó chấp nhận. Hiện nay, thành phố đã xây dựng thêm một số dự án xây dựng mô hình tương tự Làng sinh viên Hacinco, nếu sau một thời gian các đơn vị đều tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng thì hậu quả xã hội sẽ đến đâu?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng sinh viên Hacinco: biến tướng khó chấp nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.