Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du học nước ngoài: Nhiều quy định mới

Khánh Vũ| 07/07/2015 06:31

(HNM) - Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trong khi phần lớn thí sinh chờ đợi các đợt xét tuyển từ các trường ĐH, CĐ thì có không ít thí sinh hướng tới việc du học tại nước ngoài. Tuy nhiên, để có những quyết định đúng đắn, các bạn trẻ cần trang bị đầy đủ kiến thức cũng như hiểu biết cơ bản

Anh chỉ chấp nhận chứng chỉ IELTS

Hiện nay, trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam có số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ lớn nhất và đứng thứ 8 trên thế giới với hơn 16.500 sinh viên (theo thống kê của Open Doors). Mới đây, Mỹ đã chấp nhận mở rộng chương trình gia hạn visa qua đường bưu điện, cho phép hầu hết visa đã hết hạn không quá 48 tháng có thể xin gia hạn qua dịch vụ bưu điện mà không cần phỏng vấn trực tiếp. Trước ngày 1-4, chỉ những người có visa không định cư hết hạn dưới 24 tháng mới có thể tận dụng tiện ích của chương trình này. Với việc mở rộng chương trình, du học sinh Việt Nam ở Mỹ có thể yên tâm về nước nghỉ ngơi khi visa của họ sắp hết hạn nếu như họ chứng minh được việc cư trú hợp pháp không theo diện di dân. Visa xin gia hạn qua đường bưu điện thường được xử lý và gửi trả lại trong vòng 6 - 8 ngày làm việc.

Sinh viên, học sinh tư vấn du học tại Hội thảo giáo dục - Spring Education Fair.



So với Mỹ, thủ tục cấp visa của Canada cho du học sinh ít phức tạp hơn, nhưng cơ hội du học Canada không nhiều bởi mỗi năm nước này chỉ cấp từ 1.000- 1.250 visa cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Nếu như trước đây, bất cứ sinh viên quốc tế nào cũng được phép xin giấy phép vừa học vừa làm tại Canada thì hiện tại, chỉ sinh viên quốc tế đang theo học tại một trường được cấp phép mới được nộp đơn xin giấy phép này. Giấy phép du học cũng chỉ được cấp cho các du học sinh đăng ký học tại các cơ sở giáo dục được cấp phép tiếp nhận sinh viên quốc tế. Du học sinh có giấy phép du học sẽ tự động được làm việc ngoài khuôn viên trường 20 giờ/tuần trong các kỳ học, làm việc toàn thời gian trong thời gian nghỉ lễ mà không cần xin giấy phép làm việc. Sau 90 ngày hoàn thành khóa học, visa du học Canada sẽ hết hiệu lực trừ khi du học sinh xin được giấy phép làm việc hợp lệ hoặc những giấy tờ hợp pháp khác để ở lại Canada.

Chính phủ Anh cũng đã áp dụng một số biện pháp nhằm thắt chặt số lượng visa được cấp với mục đích chọn lọc đối tượng sinh viên thực sự có nhu cầu học tập ở Anh. Từ cuối năm 2014, Anh yêu cầu các trường ĐH, CĐ kiểm tra kỹ hơn visa của sinh viên quốc tế. Trường có lượng sinh viên bị từ chối visa chiếm 10% tổng số sinh viên toàn trường sẽ lập tức bị thu giấy phép hoạt động và phải đóng cửa. Theo thông tin từ Hội đồng Anh tại Hà Nội, Bộ Nội vụ nước này đã công bố một số thay đổi trong chính sách cấp visa du học, bao gồm những quy định mới về trình độ tiếng Anh, điều kiện tài chính, kiểm tra sức khỏe và phỏng vấn bắt buộc. Tháng 4-2015, chính phủ Anh đã công bố những thay đổi quan trọng trong việc khảo thí môn tiếng Anh phục vụ cho việc nộp đơn xin visa. Số lượng kỳ thi theo quy định xin visa cũng được giảm bớt, kèm theo đó là áp dụng những tiêu chuẩn mới trong cách thức làm bài thi. Theo đó, IELTS trở thành kỳ thi duy nhất được Bộ Di trú Anh chấp nhận.

Thuận lợi với visa ưu tiên

Với các du học sinh quan tâm tới các trường ĐH Australia, chính sách xét duyệt visa học nghề và định cư khi du học Australia có nhiều điểm hấp dẫn. Nước này hiện đang có một số chính sách visa ưu tiên cho sinh viên quốc tế (không yêu cầu chứng chỉ ILETS, không yêu cầu chứng minh tài chính) đối với bậc đại học, sau đại học và mở rộng chính sách này đối với các chương trình học nghề. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, các chương trình học chỉ được xét theo diện visa ưu tiên khi được cung cấp bởi 115 trường và đối tác có trong danh sách do chính phủ nước ngày quy định. Visa ưu tiên cho phép du học sinh làm thêm trong thời gian học, ở lại 2-4 năm sau tốt nghiệp và khuyến khích nhập cư. Chính phủ Australia cho phép sinh viên làm việc 40h/2 tuần trong thời gian học và toàn thời gian trong kỳ nghỉ. Nước này còn cho phép người phụ thuộc của du học sinh, như vợ hay chồng và con, được sống, học tập, làm việc tại nước này. Nếu sinh viên học chương trình ĐH, CĐ thì vợ hay chồng của sinh viên sẽ được phép làm thêm 40 giờ/2 tuần; nếu sinh viên học chương trình thạc sĩ trở lên thì vợ hay chồng sẽ được phép làm toàn thời gian. Con của du học sinh cũng nhận được nhiều ưu đãi, tùy theo chính sách từng bang và chương trình học mà du học sinh đó theo học. Thậm chí, bang Tây Australia còn có chính sách miễn toàn bộ học phí cho con của du học sinh theo học chương trình sau ĐH.

Những năm gần đây, New Zealand trở thành địa chỉ du học quen thuộc của nhiều sinh viên Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm 2015, lượng visa New Zealand cấp cho sinh viên quốc tế tăng 9% (tương đương 1.694 visa) so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó lượng visa sinh viên lần đầu đến New Zealand tăng 21%. Với những sinh viên mới bắt đầu sự nghiệp học tập mà được cấp visa, cơ hội được giữ lại để tiếp tục học ở bậc cao hơn là rất lớn. Nước này cũng có chính sách visa ưu tiên cho du học sinh học tại 25 trường. Để thụ hưởng chương trình, bắt đầu từ năm 2014, sinh viên Việt Nam chỉ cần cam kết có nguyện vọng du học nghiêm túc tại Australia, có nguồn tài chính bảo đảm việc du học như học phí, ăn ở sinh hoạt, bảo hiểm… Các cam kết này sẽ được các trường và các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên để tránh tình trạng sinh viên đội lốt du học vì những mục đích khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du học nước ngoài: Nhiều quy định mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.