Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Tạo dựng niềm tin bằng tình thương, trách nhiệm

Thống Nhất| 31/08/2015 06:46

(HNM) - Nói tới giáo dục Thủ đô, điều mà nhiều người nghĩ đến trước tiên là những áp lực về quy mô trường, lớp, những

Có mặt tại đình Nội Châu, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ những ngày cuối tháng 8, khác với mọi khi, lần này, cảm nhận đầu tiên của người viết bài là không khí háo hức của cô và trò của ngôi trường nằm trọn trong khuôn viên đình: Trường THCS Tứ Liên đang chuẩn bị đón năm học mới. Những người cao tuổi ở đây cho biết, dù đã gần 60 năm trôi qua, song cảnh quan của trường không có nhiều thay đổi. Chủ trương về xây dựng Trường THCS Tứ Liên đã được tính tới, song hiện nay thầy và trò của trường vẫn "dạy - học cùng khói nhang". Cổng trường là cổng đình, sân trường là sân đình với ba cây si già trăm tuổi…

Trong khi xã hội phát triển nhanh, nhu cầu về học tập, không gian vui chơi của HS ngày càng được quan tâm, thì hiện trạng của trường là một yếu thế. Nhiều gia đình đã chuyển con đến học ở những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Số lượng HS tuyển mới hằng năm chỉ được từ 48 đến 63 HS và giữ được ổn định số lượng ấy đến hết cấp học là cả một chặng đường dài.

Làm thế nào để nhân dân đưa con em đến học tại trường trong điều kiện chồng chất khó khăn như vậy là câu hỏi mà những người đứng mũi chịu sào của trường luôn trăn trở. Câu trả lời được cả tập thể thống nhất, xác định là phải nỗ lực phấn đấu, biến khó khăn thành thử thách để vượt qua, bằng việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và tình thương yêu HS.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi đã giáo dục HS bằng tình cảm của người làm cha, làm mẹ. Miệt mài và lặng lẽ, dù có nhiều khó khăn, tập thể nhà trường vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu… và rồi trò đã không phụ lòng thầy. Sau nhiều năm, năm học 2015-2016 là năm đầu tiên trường tuyển đủ 100% chỉ tiêu, nâng quy mô của trường lên 300 em. Hầu hết HS của trường đều cho biết, các em gắn bó với trường, bởi cảm nhận được tình yêu thương ấm áp của thầy, cô và những người bạn. Câu chuyện của HS Nguyễn Minh Quân, con trai duy nhất của một đại tá quân đội thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô là minh chứng cho những nỗ lực ấy.

Cô Xuân nói thêm: "Hết năm lớp 6, bố em được phân nhà về Ngã Tư Sở, hằng ngày em phải dậy từ 5h sáng, đi 2 tuyến xe buýt đến trường. Hết học kỳ I năm lớp 7, tôi đã khuyên em chuyển đến một ngôi trường gần nhà. Song, tôi thật cảm động khi nghe em nói: "Con muốn học ở trường". Điều gì đã khiến một HS giỏi có cơ hội để học ở nơi tốt hơn nhiều lại vẫn kiên trì vượt hơn 10km mỗi ngày trong suốt hơn 3 năm học để gắn bó với trường? Câu trả lời được bố em chia sẻ khi con thi đỗ vào lớp chuyên ngữ văn: Chính tình thương yêu, trách nhiệm của các thầy cô đã giúp con có thêm nghị lực vượt qua khó khăn theo học tại trường và đạt thành tích tốt".

Cùng thuộc nội thành, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình cũng gặp nhiều khó khăn khi nằm ở địa bàn phức tạp, đời sống người dân còn khó khăn, còn có hộ dân sinh sống trong khuôn viên trường và đặc biệt là "đầu vào" thấp, nhiều HS chuyển đến đều là HS cá biệt ở các trường khác nên kết quả giáo dục luôn thấp hơn so với mặt bằng chung. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh chưa yên tâm khi gửi con tại trường. Ba năm gần đây, số lượng tuyển sinh lớp 6 thấp xuống mức trầm trọng, trong đó năm học 2012-2013 tuyển được có 12 HS, năm tiếp theo là 22 HS và năm 2014-2015 là 18 HS. Số HS chính thức của trường tại thời điểm 5-9-2014 là 88 em.

Theo thầy giáo Phan Dân, Hiệu trưởng nhà trường, thì đây là một thử thách vô cùng lớn, đòi hỏi phải quyết tâm, khẩn trương nhưng cũng phải kiên trì để cải thiện. Nói là làm, đứng trước hàng loạt khó khăn ấy, nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc thay đổi khung cảnh sư phạm, ngăn cách nhà dân với sân trường để việc học của các con không bị ảnh hưởng. Việc đổi mới hoạt động giáo dục, giáo dục đạo đức HS được coi là nhiệm vụ thường xuyên, cốt lõi, bởi đa phần HS của trường đều học chưa tốt, ý thức chưa cao. Ban giám hiệu nhà trường đã quán triệt tới 100% giáo viên, để đội ngũ này nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc duy trì hoạt động nhà trường - nền tảng để nhà trường phát triển. Ngoài giờ học, mỗi giáo viên đều đảm nhận kèm cặp từng HS, kiểm tra việc ghi chép bài và học bài của HS hằng ngày. Đây là những việc tưởng chừng rất nhỏ ở nhiều trường, nhưng lại là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng ở ngôi trường này với tần suất 2 tuần/HS toàn trường. Những nỗ lực ấy đã gặt hái được một số kết quả khả quan, khi kết quả thi vào lớp 10 của trường tăng 2 bậc so với năm trước, điểm xét tuyển trung bình của HS nhà trường tăng 5,5 điểm. Số lượng tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016 tăng vượt trội so với 5 năm gần đây và gấp 4 lần so với năm học trước.

Hai câu chuyện, ở hai ngôi trường, song có điểm chung là đã gặt hái được những thành quả ban đầu khi nỗ lực vượt qua khó khăn bằng chính nội lực của mình trước khi chờ sự hỗ trợ. Đó cũng là những tín hiệu vui, khởi đầu tốt đẹp cho một năm học mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tạo dựng niềm tin bằng tình thương, trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.