Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi cơ bản cách dạy và học

Khánh Vũ| 04/02/2016 06:57

(HNM) - Theo Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian đào tạo đại học sẽ rút ngắn xuống còn 3-4 năm thay vì 4-6 năm như hiện nay.

Sinh viên không nhất thiết phải học 4 năm Đại học.


Một số ý kiến e ngại chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng trong khi Bộ GD-ĐT khẳng định khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân tiệm cận dần các trình độ đào tạo của nước ta với các nước trong khu vực và thế giới.

Không cắt xén kiến thức

Giải thích về việc đưa ra khung thời gian đào tạo đại học 3-4 năm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Đào tạo đại học của Việt Nam hiện từ 4-6 năm là dài so với khung thời gian chung của các nước trên thế giới, khiến tăng chi phí đào tạo, giảm cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên khi tham gia thị trường lao động.

Để chuẩn bị cho yêu cầu của đề án, có trường đã tính tới việc lược bớt những học phần không cần thiết. Những khối ngành có nhiều khả năng "du di" là kinh tế, khoa học xã hội. Bên cạnh đó, cũng có những ngành học không thể giảm bớt thời lượng đào tạo để bảo đảm chất lượng đầu ra cho sinh viên, điển hình là các ngành kỹ thuật, y, dược… Đặc biệt, nếu sinh viên nhiều ngành ứng dụng có thể đi làm sau 3 năm đào tạo thì sinh viên các ngành nghiên cứu cơ bản khó có thể áp dụng khung thời gian ngắn hơn 4 năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc rút ngắn thời gian đào tạo, theo như đề án, không chỉ là việc bớt thời gian học các môn một cách cơ học.

Việc sinh viên có thể tốt nghiệp đại học trong 3 năm học không còn xa lạ với phương thức học tín chỉ. Ở đó, sinh viên được chủ động chọn môn và số môn học (trừ một số môn bắt buộc) trong từng học kỳ, từng năm học, miễn sao hoàn thành đầy đủ tất cả các môn theo thời hạn. Việc lựa chọn này phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể của sinh viên như thời gian, kinh phí...

Với sự trợ giúp của giảng viên, đặc biệt là đội ngũ trợ giảng, việc sinh viên được chủ động một cách khoa học, hợp lý có thể giúp sinh viên tiết kiệm thời gian và kinh phí. Cơ chế linh hoạt cùng những kết quả khả quan là một trong những cơ sở để Bộ GD-ĐT điều chỉnh khung chương trình đào tạo trên cơ sở đổi mới căn bản phương pháp giảng dạy của người thầy, phương pháp học tập của sinh viên cũng như quản lý đào tạo của các trường đại học.

Trường chủ động thực hiện

Khi xây dựng khung cơ cấu hệ thống, Bộ GD-ĐT đã tham khảo thực tiễn tổ chức hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến khác. Nhiều nước trong số đó hiện đang điều chỉnh cơ cấu hệ thống tương thích với tiến trình Bologna. Theo đó kể từ khi học sinh tốt nghiệp THPT thì thời gian đào tạo để đạt trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ theo thứ tự là 3 năm, 5 năm và 8 năm. Khung cơ cấu hệ thống là định hướng để các chương trình đào tạo dần điều chỉnh, đạt tới sự thống nhất tương đối trong nước và hội nhập quốc tế. Những chương trình mới sẽ được xây dựng để rút ngắn thời gian trong 3 năm, những chương trình cũ 4 năm sẽ được điều chỉnh dần.

Trước lo ngại của các trường về sự thay đổi đột ngột, ông Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho biết: Các trường không phải chuyển ngay lập tức thành chương trình đào tạo 3 năm sau khi khung cơ cấu hệ thống được ban hành, mà sẽ thực hiện theo lộ trình. Ngoài ra, với quyền tự chủ của mình, các trường được chủ động xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình và lộ trình thực hiện giảm thời gian đào tạo theo khung còn 3-4 năm, căn cứ vào yêu cầu của ngành đào tạo và các quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, rút ngắn khung thời gian đào tạo không có nghĩa là cắt ngắn chương trình và giảm chất lượng đào tạo, mà khối lượng kiến thức, kỹ năng tối thiểu của các chương trình đào tạo phải được tăng cường để đáp ứng yêu cầu của khung trình độ quốc gia. Trong đó, các môn học bắt buộc theo quy định phải được duy trì, kiến thức chuyên môn cốt lõi của mỗi chương trình phải được xây dựng lại một cách có hệ thống, chặt chẽ, cô đọng sao cho thời gian học tại trường giảm, nhưng sinh viên tích lũy được kiến thức, kỹ năng nhiều hơn để tham gia vào hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh, không nhất thiết sinh viên phải học 4 năm đại học, nhưng để trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, thời gian đào tạo tối thiểu phải là 3 năm, không thể rút ngắn hơn.

Bộ GD-ĐT cho biết ở Việt Nam đã có một số trường đào tạo và cấp bằng cử nhân trong 3 năm như Trường Đại học Anh quốc Việt Nam, Trường Đại học RMIT Việt Nam, Trường Đại học Việt Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Ở một số trường kỹ thuật trước đây vẫn có thời gian đào tạo 5 năm, nay cũng đã giảm xuống còn 4 năm. Tuy nhiên, các trường cho biết đó không phải cắt giảm thời gian cho mỗi môn học mà thực hiện trên cơ sở điều chỉnh chương trình một cách đồng bộ, thời lượng những môn có sự giao thoa kiến thức được sắp xếp lại…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi cơ bản cách dạy và học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.