Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng loạt sử dụng sổ điểm điện tử tại địa bàn Hà Nội: Tiện lợi, công bằng, minh bạch

Thống Nhất| 18/08/2016 06:54

(HNM) - Năm học 2016-2017, các trường học trên địa bàn TP Hà Nội chính thức triển khai sổ điểm điện tử (SĐĐT), thay thế cho sổ điểm truyền thống bằng giấy. Việc đưa vào sử dụng SĐĐT sẽ đem lại thuận tiện trong công tác quản lý của nhà trường và theo dõi quá trình học tập của phụ huynh đối với học sinh (HS).

Sử dụng sổ điểm điện tử sẽ tạo điều kiện cho gia đình giám sát công tác dạy và học.Ảnh: Bá Hoạt


Những lợi thế khi sử dụng SĐĐT

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, từ năm học 2013-2014, hầu hết những biểu mẫu, báo cáo định kỳ thuộc các lĩnh vực công tác của các nhà trường, Phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội đã được tổng hợp trong hệ thống quản lý thông tin giáo dục của ngành (eschool.edu.vn). Việc đưa vào sử dụng đại trà tại các nhà trường sổ liên lạc điện tử là một bước phát triển của hoạt động này. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết từ thực tế nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý kết quả học tập, rèn luyện của HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo lòng tin cho phụ huynh và xã hội về tính khách quan, thực chất của chất lượng giáo dục.

Theo nhận định của ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ: Sử dụng SĐĐT sẽ làm giảm đáng kể các đầu việc đối với giáo viên trong việc quản lý, xếp loại HS. Nếu như trước kia, việc tính điểm cho HS được thực hiện thủ công rồi ghi chép vào sổ, khó tránh khỏi nhầm lẫn thì nay, bước đầu triển khai SĐĐT có thể bỡ ngỡ, song về lâu dài là thuận lợi với các trường học trên địa bàn, bởi hạ tầng kỹ thuật và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên các nhà trường của quận Tây Hồ khá tốt.

Khi được hỏi về chủ trương này, các giáo viên đều đồng tình ủng hộ và kỳ vọng sẽ bớt áp lực trong việc tính điểm cho HS. Theo cách thức truyền thống thì mỗi giáo viên sau khi tự cho điểm, phải tính điểm cho từng HS rất mất thời gian, nhất là vào cuối học kỳ, cuối năm học vì số lượng HS mỗi lớp khá đông (40-50 HS/lớp), mỗi lớp lại chỉ có một sổ điểm cái. Các giáo viên phải phân chia nhau để vào điểm cho HS, đôi khi chỉ một giáo viên bộ môn tính nhầm điểm cho một HS thì hầu hết các công đoạn phải làm lại, rồi tẩy xóa, sửa chữa… Việc sử dụng SĐĐT để thay thế sổ điểm bằng giấy sẽ tạo thuận lợi hơn cho giáo viên về thời gian, công sức; việc tính toán, xếp loại học lực của HS nhẹ nhàng và bảo đảm chính xác hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Cường, việc sử dụng SĐĐT còn giúp phụ huynh HS có thể thường xuyên theo dõi kết quả học tập của con em mình thông qua sổ liên lạc điện tử trên hệ thống. Thông qua điện thoại, máy tính có kết nối internet, phụ huynh chỉ cần truy cập vào tài khoản có mã số của con em mình là có thể cập nhật toàn bộ dữ liệu điểm.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Bá Hoạt


Và những vấn đề phụ huynh còn băn khoăn

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về việc liệu các dữ liệu điểm số của HS có được bảo mật tuyệt đối hay không khi mà chỉ cần biết tài khoản là ai cũng có thể truy cập và có thể sửa chữa, bổ sung điểm, ông Nguyễn Trọng Cường khẳng định: Với các tính năng và yêu cầu kỹ thuật của hệ thống SĐĐT đang được xây dựng thì việc sửa chữa, bổ sung điểm là không đơn giản.

Yêu cầu của việc bổ sung, sửa chữa điểm trên hệ thống đòi hỏi phải tuân theo quy trình bắt buộc, với các bước khai báo cần thiết. Quá trình sửa chữa, bổ sung sẽ được hệ thống lưu lại toàn bộ, từ thời gian chỉnh sửa, người chỉnh sửa, chỉnh sửa cụ thể ra sao... Hơn nữa, toàn bộ dữ liệu sẽ được cập nhật và quản lý tại hệ thống máy chủ (server) lưu trữ đặt tại trung tâm thông tin của ngành với sự giám sát, quản lý của một bộ phận quản trị thông thạo kỹ thuật. Mọi thao tác can thiệp trên hệ thống đều sẽ được lưu vết cụ thể.

Phụ huynh không phải đóng phí

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Phụ huynh HS không phải đóng bất cứ khoản phí nào cho việc sử dụng SĐĐT ở các nhà trường. Thông tin về quá trình học tập, rèn luyện hằng ngày của học sinh và các thông báo của nhà trường được cập nhật thường xuyên cho phụ huynh thông qua sổ liên lạc điện tử như cách thức hiện hành.

Vào cuối mỗi học kỳ, bảng xác nhận kết quả học tập, hạnh kiểm của từng học sinh trong lớp được in ra, có đóng dấu giáp lai, có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường.


Với những ưu điểm trên, không chỉ có các thầy cô giáo, phụ huynh HS cũng nhiệt tình ủng hộ chủ trương này. “Quy trình lưu giữ điểm số nghiêm ngặt và khoa học như vậy sẽ giúp chúng tôi yên tâm về sự chính xác và tính công bằng trong kết quả học tập, rèn luyện của con em mình. Những lo lắng, băn khoăn về nguy cơ mất công bằng trong đánh giá, xếp loại giữa các HS trong lớp chắc chắn sẽ giảm đi nhiều” - bà Nguyễn Kim Ngân, phụ huynh HS Trường THCS Thạch Bàn (quận Long Biên) chia sẻ.

Để kịp thời đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học mới 2016-2017, hệ thống SĐĐT với các tính năng cần thiết trong việc tính toán, bảo lưu điểm số với yêu cầu dễ sử dụng và tuyệt đối bảo mật đang được khẩn trương hoàn thiện. Song song với việc tập huấn cách thức sử dụng cho đội ngũ giáo viên, từ nay tới cuối tháng 8, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng SĐĐT để áp dụng thống nhất trong toàn ngành. Theo đó, hiệu trưởng nhà trường chủ động trong việc quyết định thời điểm khóa, mở SĐĐT và quy định các thủ tục cập nhật điểm sau khi khóa sổ. Theo dự thảo quy chế, việc điều chỉnh các sai sót trong quá trình cập nhật thông tin, điểm số trên phần mềm đều phải được sự đồng ý của hiệu trưởng bằng văn bản. Khi sửa dữ liệu phải có sự chứng kiến của đại diện ban giám hiệu, ban quản trị và người đề nghị chỉnh sửa số liệu.

Cùng với những ứng dụng công nghệ thông tin đã ứng dụng trước đây như: Lắp camera tại lớp học, tuyển sinh đầu cấp qua mạng..., giờ đây việc sử dụng SĐĐT ghi thêm dấu ấn mới trong quản lý của Ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô theo hướng minh bạch, dân chủ, công bằng; góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng loạt sử dụng sổ điểm điện tử tại địa bàn Hà Nội: Tiện lợi, công bằng, minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.