Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần nhất là sự linh hoạt

Minh An| 22/04/2017 07:47

(HNM) - Tháng 3-2017, Hội thi Đồng diễn thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ của học sinh tiểu học quận Hai Bà Trưng đã gây chú ý trong dư luận, cho mọi người cái nhìn rõ hơn về ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện các bài thể dục trong nhà trường.

Giờ học thể dục giữa giờ của học sinh Trường Tiểu học bán công Tràng An. Ảnh: Nhật Nam


Bài tập phải phù hợp


Ban điều phối Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Đề án 641) là đơn vị chủ trì hội thi nói trên. Như ông Đàm Quốc Chính - Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án 641 kể lại thì từ lâu, người ta đã biết rõ tác dụng của bài thể dục buổi sáng và bài thể dục giữa giờ đối với học sinh. Hiểu đơn giản, các bài thể dục đó giúp các em có thêm năng lượng để đạt được kết quả học tập tốt. Các thế hệ học sinh Hà Nội từ mấy chục năm trước đã trải qua những giờ tập thể dục giữa giờ, với những bài tập tay không theo tiếng trống lệnh. Nhưng rồi, theo thời gian, trong những năm gần đây, hoạt động này không còn được chú ý đúng mức, dẫn đến sự nhàm chán và việc thực hiện tập thể dục giữa giờ không được coi trọng.

Xây dựng bài tập phù hợp nhằm tạo nên sự hứng thú cho các em là một trong những đầu việc quan trọng của Ban điều phối Đề án 641. Họ đã chọn ngẫu nhiên 10 trường tiểu học tại quận Hai Bà Trưng để triển khai các bài tập mới - được xây dựng bởi nhiều chuyên gia, mục tiêu là chọn ra bài tập phù hợp với học sinh tiểu học nói chung. Hiệu ứng từ cuộc thi lập tức đến ngay, khi có 8 địa phương đề nghị Ban điều phối Đề án 641 cùng phối hợp phổ cập bài tập chuẩn - cả với thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ - cho mọi cấp học. Ngoài ra, đã có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến Ban điều phối Đề án 641, đề nghị cung cấp bài tập chuẩn thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ dành cho khối tiểu học.

Tại Trường Tiểu học Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) - một trong những trường tham dự hội thi nói trên và đoạt 3 giải nhì, từ nhiều năm nay nhà trường đã duy trì việc tập thể dục giữa giờ. Từ khi có chỉ đạo của Chính phủ rồi Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hai Bà Trưng, việc này càng được thực hiện bài bản, quy củ hơn. Đến lúc này, mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, việc tập luyện trên nền nhạc sôi động khiến các em hứng thú nhiều hơn so với trước.

Cô Bùi Việt Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Mai chia sẻ: “Nhiều người vẫn nghĩ đơn giản các bài tập thể dục chỉ do giáo viên thể dục lo liệu. Nhưng, rõ ràng là trong những bài tập của các em, âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, chúng tôi giao cho giáo viên thể dục và giáo viên âm nhạc phối hợp thực hiện. Quả thực, sự phối hợp giữa các bộ phận nói trên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, cái gốc để mang lại cho các em sự hứng thú gồm cả động tác và phần âm nhạc hỗ trợ”.

Cần có sự linh hoạt

Nhiều trường học ở Hà Nội gặp khó khăn về diện tích sân trường, đặc biệt là các trường học ở khu vực nội thành, và điều đó gây ảnh hưởng cho việc thực hiện bài thể dục giữa giờ - như chia sẻ của nhiều cán bộ tại Phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội). Từ khi có thông báo về việc triển khai thực hiện nội dung tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, bài võ cổ truyền trong các trường phổ thông, cán bộ, chuyên viên Phòng Công tác học sinh, sinh viên đã nhận được không ít cuộc gọi "kể khó, kể khổ" về điều kiện sân tập.

Dù vậy, tinh thần chung vẫn được quán triệt là các nhà trường phải linh hoạt trong cách triển khai thực hiện để bảo đảm cho học sinh được tập luyện thể dục giữa giờ, góp phần giúp các em phát triển toàn diện. Sự linh hoạt thể hiện ở cách xây dựng nội dung bài tập nhằm tạo hứng thú cho các em, nhất là với lứa học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Có thể đó là bài tập với nhiều động tác khiêu vũ thể thao, thể dục Aerobic, múa dân vũ, nhảy flashmob… Như ở quận Tây Hồ, bài tập thể dục giữa giờ của nhiều trường là bài dân vũ hoặc bài thể dục Aerobic. Cách đây hơn 1 năm, học sinh Trường THPT Đống Đa từng "gây sốt" trên mạng với màn tập thể dục giữa giờ trên nền nhạc điện tử sôi động. Ông Đàm Quốc Chính - Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án 641 - cho rằng, học sinh trung học phổ thông có nhận thức rõ hơn về sự hay, dở nên các em có sự đòi hỏi cao hơn về bài tập thể dục.

Sự linh hoạt đó còn thể hiện ở cách “liệu cơm gắp mắm” trong bối cảnh sân trường, bãi tập có sự hạn chế về diện tích. Trường Tiểu học Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) có nhiều học sinh (1.400 em) trong khi diện tích sân trường lại có hạn - khoảng 700m2. Chỉ cần tất cả học sinh cùng đứng ở sân trường là các em "không thể cựa quậy". Vì thế, nhà trường phân lịch tập thể dục giữa giờ cho các khối theo ngày. Các bài tập cho mỗi khối cũng được tính toán cho phù hợp với lứa tuổi học sinh, chẳng hạn như học sinh như lớp 1 tập bài tay không và học sinh lớp 4-5 tập bài dân vũ.

Rõ ràng là chỉ khi các nhà trường “thấm” được ý nghĩa của việc tổ chức tập thể dục đều đặn cho học sinh, đề ra cách tổ chức linh hoạt thì chủ trương lớn của Chính phủ về nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt mới phát huy tối đa hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần nhất là sự linh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.