Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải phóng mặt bằng kéo dài vì chính sách thay đổi

Thanh Hải| 22/04/2017 08:05

(HNM) - Dự án xây dựng Trường THPT Khương Đình (Thanh Xuân) đã được phê duyệt cách đây 15 năm nhưng đến nay vẫn chỉ là một khu nhà hiệu bộ dở dang, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Vị trí khu đất của Dự án xây dựng Trường THPT Khương Đình.


Chính sách thay đổi, đất mua đi bán lại


Năm 2002, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2586/QĐ-UB, giao 14.524m2 đất tại phường Khương Đình cho Ban Quản lý dự án (QLDA) quận Thanh Xuân xây dựng Trường THPT Khương Đình. Trong năm 2002, 2003, quận Thanh Xuân đã giải phóng mặt bằng (GPMB) 10.983,67m2 đất của 17 xã viên và Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Khương Hạ, còn lại 42 trường hợp chưa GPMB.

Năm 2005, 2006, UBND quận Thanh Xuân tiếp tục phê duyệt 37 phương án GPMB, nhưng chỉ có 3 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ (chưa bàn giao mặt bằng). Trong số các hộ không nhận tiền, có 14 hộ được xét mua nhà tái định cư (TĐC) cho rằng, đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp không đủ mua nhà TĐC nên kiến nghị được trả chậm số tiến mua nhà còn thiếu. Các hộ không được xét TĐC thì có nguyện vọng được mua nhà TĐC để ổn định cuộc sống. Còn 5 hộ chưa đồng ý với phương án dự thảo nên Hội đồng GPMB quận chưa thông qua.

Tuy nhiên, do chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi thay đổi nhiều lần; mặt khác, dự án thiếu vốn triển khai, thiếu quỹ nhà TĐC bố trí cho hộ dân... nên việc thực hiện phương án GPMB đã phê duyệt gặp vướng mắc trong thời gian dài. Trong khi đó, chính quyền sở tại buông lỏng quản lý nên việc mua, bán nhà đất nằm trong vùng quy hoạch dự án vẫn diễn ra khá nhiều nên việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Bức, trú tại ngách 29/78 phố Khương Hạ, nằm trong diện GPMB dự án cho biết: "Gia đình tôi mua lại nhà, đất của ông Nguyễn Công Định từ năm 2012. Đến nay, phương án bồi thường cho diện tích tôi đang sử dụng vẫn mang tên chủ sở hữu cũ, mà không biết bây giờ ông ấy ở đâu"... Tương tự, bà Nguyễn Thị Hằng, ngách 29/78 phố Khương Hạ, mua nhà, đất của bà Nguyễn Thị Hồng Quyên năm 2012, nhưng đến nay trong phương án bồi thường GPMB vẫn mang tên bà Nguyễn Thị Liên...

Nhiều vướng mắc được tháo gỡ


Trao đổi về kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến việc được trả chậm tiền mua nhà TĐC và mức hỗ trợ, ông Nguyễn Kim Sơn, Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Thanh Xuân cho biết, ngày 17-7-2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2885/QĐ-UBND, đồng ý cho 14 hộ dân được trả chậm tiền mua nhà TĐC còn thiếu. Tiếp đó, tại Văn bản số 5348/UBND-TNMT (năm 2011), thành phố tiếp tục chấp thuận các hộ đã phê duyệt phương án GPMB năm 2005, 2006 được hỗ trợ 40% giá đất ở hai năm này, diện tích đất được hỗ trợ không quá 60m2; công trình xây dựng được hỗ trợ 50% đơn giá năm 2011, phần công trình phát sinh sau thời điểm 2006 được hỗ trợ 10% đơn giá xây dựng năm 2011. Kể cả trường hợp đã chấp hành, nhận tiền, bàn giao mặt bằng năm 2002, cũng được hỗ trợ thêm.

Trả lời về ý kiến của một số hộ dân cho rằng Quyết định số 2586/QĐ-UBND đã hết hiệu lực thi hành, ngày 9-7-2013, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4235/UBND-TNMT, điều chỉnh một số nội dung của Quyết định số 2586/QĐ-UBND; theo đó phạm vi thu hồi đất còn 10.038m2, giảm 4.486m2 đất thuộc dự án mở đường Vương Thừa Vũ. Căn cứ quyết định này, ngày 8-11-2013, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã bàn giao mốc giới, ranh giới điều chỉnh trên thực địa.

Về việc những người đang sử dụng đất thực tế, nhưng trong phương án bồi thường lại mang tên người khác và những người này đề nghị được đứng trên trong phương án bồi thường rất khó giải quyết vì "dự án đã triển khai và lên phương án bồi thường, hỗ trợ từ năm 2005 và việc người dân tự ý mua - bán, trao đổi nằm ngoài tầm kiểm soát. Trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền cơ sở thời điểm đó đã buông lỏng quản lý. Còn với kiến nghị được mua nhà TĐC theo đơn giá năm 2005, hoặc hỗ trợ cho mua nhà TĐC hay nhà ở xã hội khi sau GPMB sẽ được UBND quận quan tâm, xem xét" - ông Sơn giải thích.

Về tiến độ triển khai dự án, ông Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm 2016, dự án xây dựng Trường THPT Khương Đình cũng đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 13/NQ-HĐND. Hiện nay, quận đặt mục tiêu hoàn thành GPMB trong năm 2017. Đây cũng là mong muốn của người dân địa phương để con, em có nơi học tập khang trang, đạt chuẩn; đồng thời không để lãng phí hạng mục đã được đầu tư xây dựng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải phóng mặt bằng kéo dài vì chính sách thay đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.