Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nóng” với các khoản thu

Thống Nhất| 24/08/2017 07:00

(HNM) - Hầu hết học sinh trên địa bàn Hà Nội đã tới trường từ gần 2 tuần qua. Trong câu chuyện về năm học mới, thu - chi vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của phụ huynh, “nóng” nhất là các khoản thu ngoài học phí.

Việc điều chỉnh mức phí phù hợp với thực tế từng khu vực sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy học.
Ảnh: Anh Tuấn


Đừng để xuất hiện "hội phụ thu"

Năm học 2017-2018, Hà Nội bắt đầu áp dụng mức học phí mới theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, với mức 110 nghìn đồng/tháng/học sinh (khu vực thành thị), 55 nghìn đồng/tháng/học sinh (nông thôn) và 14 nghìn đồng/tháng/học sinh (miền núi), trong đó khu vực thành thị có mức tăng 30 nghìn đồng/tháng/học sinh so với năm học trước, khu vực nông thôn tăng 15 nghìn đồng/tháng/học sinh.

Ông Kiều Văn Ninh (phụ huynh học sinh Trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất) cho rằng, mức thu với học sinh trên địa bàn nông thôn là phù hợp. Tính ra một năm học, mỗi học sinh phải đóng nhiều hơn so với trước 150 nghìn đồng và hầu hết phụ huynh đều khá thoải mái.

Vấn đề khiến phụ huynh bận tâm nhất không hẳn là học phí, mà là các khoản thu ngoài học phí như tiền học bán trú, học 2 buổi/ngày, nước uống, học phẩm… Để giải quyết tình trạng “trăm hoa đua nở”, ngày 12-7-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác thu - chi, trong đó nhấn mạnh tới cách thức, quy trình và các quy định liên quan đến việc thực hiện các khoản thu khác trong nhà trường.

Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), các trường tuyệt đối không được thu bất kỳ một khoản nào khác ngoài các khoản được quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó lưu ý mức thu phải bảo đảm 3 điều kiện: Dựa trên căn cứ dự toán, có sự thỏa thuận bằng văn bản của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện và phải được cấp quản lý phê duyệt.

Bà Nguyễn Thanh Vân (phụ huynh học sinh Trường THPT Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm) cho rằng, khoản thu tự nguyện cần được quan tâm bởi khoản này thường bị biến tướng. “Thu tự nguyện là để phục vụ trực tiếp cho việc học tập của học sinh trong lớp chứ không phải để mua bàn ghế, đồ trang trí, điều hòa hay các hạng mục khác. Cần kiểm soát hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tránh để ban này trở thành “hội phụ thu” của nhà trường. Hiệu trưởng/giáo viên chủ nhiệm không thể nói là không biết ban đại diện phụ huynh dự kiến làm gì, thu những khoản nào…” - bà Nguyễn Thanh Vân thẳng thắn nói.

Băn khoăn với mức thu - chi cho việc học 2 buổi/ngày

Khoản thu cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đang gây băn khoăn, nhưng không phải từ phía phụ huynh mà từ đội ngũ giáo viên, nhất là khi nhiều trường đã rục rịch chuẩn bị cho buổi họp phụ huynh đầu năm.

Thống kê cho thấy, toàn thành phố có hơn 80% số trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tỷ lệ này ở cấp THCS vào khoảng 30%. Theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND ban hành ngày 22-11-2013 của UBND thành phố, từ năm học 2013-2014, mức thu học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học toàn thành phố không quá 100 nghìn đồng/tháng/học sinh, với các trường THCS là không quá 150 nghìn đồng/tháng/học sinh.

Về vấn đề này, suy nghĩ chung của giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn huyện Phú Xuyên về mức thu 100 nghìn đồng/tháng cho việc dạy học 2 buổi/ngày là quá thấp, nhiều người không muốn dạy. Với mức thu đó, nếu lớp có nhiều học sinh thì không gặp vướng mắc nhiều, song huyện Phú Xuyên có nhiều trường quy mô nhỏ, nhiều lớp chỉ có 18-20 học sinh, tính ra thu nhập của mỗi giáo viên chỉ khoảng 60 nghìn đồng/ngày.

Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên lo lắng, với mức thu như hiện nay, rất khó thuyết phục giáo viên tham gia dạy học 2 buổi/ngày.

Theo ông Lưu Luyến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo cần sớm có văn bản hướng dẫn nội dung chi, cách chi từ khoản thu cho việc học 2 buổi/ngày.

Cụ thể, Quyết định 51/2013/QĐ-UBND chỉ hướng dẫn nội dung chi, khiến các đơn vị khó triển khai thống nhất. Nếu có văn bản cụ thể về nội dung, tỷ lệ chi từng mục thì sẽ tránh được việc giáo viên nơi này so sánh với giáo viên nơi khác…

Để tránh tình trạng chênh lệch về mức chi cho nội dung học 2 buổi/ngày, các trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng được chỉ đạo áp dụng thống nhất cùng một mức chi theo Văn bản số 296/SGD&ĐT-KHTC do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành ngày 15-1-2007. Theo đó, tỷ lệ chi cho giáo viên tham gia dạy 2 buổi/ngày là 60% số thu; chi bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ và phúc lợi tập thể 20%, số còn lại dùng để mua văn phòng phẩm, đồ dùng…

Còn tại quận Hà Đông, ban giám hiệu một số trường tiểu học cho biết, mức chi được xây dựng dựa trên khả năng thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tham gia dạy 2 buổi/ngày và được thể hiện tại quy chế chi tiêu nội bộ.

Thực trạng trên cho thấy phải sớm có sự điều chỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ phía cơ quan quản lý để việc thu - chi trong nhà trường được minh bạch, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Nóng” với các khoản thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.