Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rèn nếp ứng xử đẹp cho trẻ

Thống Nhất| 27/03/2018 06:12

(HNM) - Những ai đến Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) đều dễ dàng cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi ở nơi đây, bắt đầu từ cách ứng xử của nhân viên bảo vệ đến mỗi học sinh. Trò gặp người lạ đến trường, có vướng bận cũng cố gắng dừng lại lễ phép khoanh tay cúi chào...

Học sinh Trường THCS Dịch Vọng trong một buổi trải nghiệm.


Theo bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng nhà trường, dù được đầu tư cơ sở vật chất khang trang song nhà trường luôn đứng trước thách thức về sự quá tải bởi phải đón nhận học sinh của hai phường Dịch Vọng và Quan Hoa. Vài năm gần đây, số học sinh ở các lớp của trường luôn cao hơn so với mặt bằng chung trong quận. Một khó khăn đáng kể khác là không ít học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mẹ nhiều em ly hôn; một số em khi mới vào trường là học sinh chưa ngoan...

Tất cả điều đó không ngăn được nỗ lực của các thầy, cô giáo trong việc truyền cảm hứng ứng xử văn minh đến học trò. Dù sĩ số các lớp ở mức cao song mỗi thầy, cô giáo đều hiểu rõ hoàn cảnh, tính cách của từng em để tìm cách hỗ trợ. Ngoài việc truyền dạy kiến thức, đội ngũ giáo viên cố gắng dành nhiều thời gian để lắng nghe, chia sẻ với từng học sinh. Sự cố gắng và thái độ tận tâm dần mang lại kết quả tích cực: Số học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình trong học kỳ I năm học 2017-2018 chỉ là 18 em trong tổng số 1.700 em, không có học sinh xếp loại yếu, kém; tình trạng nói tục, mâu thuẫn dẫn đến xô xát gần như không còn.

Đỗ Khánh Linh, lớp 7H, Liên đội trưởng Trường THCS Dịch Vọng cho biết, một trong những biện pháp giúp các bạn chưa ngoan là phân công những học sinh giỏi, có ý thức phấn đấu cao hỗ trợ, nhắc nhở. "Các bạn có thể học chưa giỏi, bởi sự cố gắng trong học tập cần một thời gian dài mới tạo ra kết quả, nhưng việc tự giác rèn luyện, có thái độ lễ phép với thầy, cô giáo và hòa đồng, thân thiện, biết chia sẻ với bạn bè là điều ai cũng có thể điều chỉnh ngay. Thấy bạn bên cạnh không còn đi học muộn, không nói tục, gây sự với người khác, không cãi lại lời cô... là các bạn khác sẽ dần học theo. Bây giờ, hầu hết các bạn đều không còn nói tục, chửi bậy nữa" - Đỗ Khánh Linh chia sẻ.

Theo Hiệu trưởng Lê Thị Thúy Nga, một số em khi mới vào trường còn chưa ngoan, thể hiện rõ nhất ở ý thức chấp hành các quy định của trường và thái độ ứng xử. Nhiều em thường nói tục, gây gổ với bạn... Vì vậy, ngoài việc triển khai bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh" và "Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh", nhà trường dành khá nhiều thời gian để tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm. Các bạn chưa ngoan thường hay tự ái, thậm chí nổi khùng và cố tình làm ngược lại mỗi khi được bạn cùng lớp nhắc nhở. Từ việc tham gia hoạt động tập thể, các học sinh có thời gian gần gũi, hiểu nhau và dễ chia sẻ, nhắc nhở nhau hơn. Các em cùng nhau đi chợ, thử nấu ăn, học cách phân loại rác, tổng vệ sinh trường lớp, trồng cây... Dù phải tự lo rất nhiều việc nhưng các em đã biết cách phân công, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn. Việc cãi cọ, xích mích gần như không còn, hoặc nếu có thì các em chủ động tìm cách giảng hòa bằng việc xin lỗi bạn. Nhờ vậy, các em có ý thức động viên nhau cùng tiến bộ, biểu hiện dễ thấy là giữ thái độ lễ phép với thầy cô, ứng xử với bạn bè văn minh hơn, tự giác chấp hành nội quy của nhà trường...

Là một phụ huynh có con từng thuộc diện "cá tính", bà Nguyễn Thanh Lan cho rằng các thầy, cô giáo đã tạo động lực cố gắng thường xuyên cho học sinh bằng cách đưa ra đánh giá, khích lệ hằng ngày, hằng tuần chứ không chỉ làm việc đó vào dịp sơ kết, tổng kết. Đây cũng là phương pháp giáo dục được các thành viên Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai các quy định giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh tại các trường học của Hà Nội trong tháng 3 vừa qua đánh giá cao, và mong muốn tiếp tục được lan tỏa tại nhiều trường học nhằm xây dựng cho học sinh nếp ứng xử văn hóa, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rèn nếp ứng xử đẹp cho trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.