Theo dõi Báo Hànộimới trên

Oan cho cái bình chữa cháy?

Nữ Quỳnh| 07/01/2016 22:15

(HNMO) - Mua bình để đảm bảo an toàn, nhưng ngược lại, ít nhất là đến thời điểm này, việc trang bị chiếc bình chữa cháy ô tô lại đang là nỗi lo. Lo từ chuyện bình rởm, bình thật; lo chuyện chỗ treo, chỗ đặt; đến lo ngay ngáy khi nào thì bị cảnh sát phạt!


Báo chí đồng loạt đưa tin về tình trạng "cháy hàng" các loại bình chữa cháy nhỏ, do người dân đổ xô đi mua nhằm đối phó với quy định về trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, theo Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 6/1. Trên mọi diễn đàn ô tô, mọi trang mạng xã hội, người ta rôm rả hỏi nhau về nơi mua, loại bình cần mua, chỗ lắp đặt… Nhưng trong số vô vàn những thắc mắc "ngớ ngẩn” ấy, nhiều nhất vẫn là câu hỏi “bình chữa cháy có an toàn hay không"?

Người dân hỏi, bởi thực tế hầu như chẳng ai hiểu gì về cái bình chữa cháy cả. Còn cái bình vốn mang chức năng đảm bảo an toàn cho con người thì giờ đây nó lại trở thành đối tượng bị đặt nghi vấn về mối nguy hiểm cho con người. Nhưng xem ra có nghi ngờ cũng chẳng oan khi thực tế đã có những vụ bình chữa cháy mini nổ trong xe hơi. Còn theo những gì vẫn được ghi trên vỏ các bình chữa cháy thì chúng luôn được khuyến cáo là phải được để chỗ mát, tránh va đập, có những bình được ghi rành rọt là “bảo quản trong môi trường nhiệt độ không quá 50 độ C". Nhưng thực tế những ai từng đi xe chắc đều biết, vào ngày hè xe để trong bãi ngoài trời nhiệt độ trong khoang có khi lên đến 60-70 độ. Ấy vậy mà uỳnh một cái, chẳng hiểu ai đã khởi xướng ra việc "nhét" cái bình vào luật và rồi chóng vánh đưa nó vào áp dụng?

Nhiều người dân còn hoài nghi về khả năng chữa cháy của những chiếc bình mini nếu chiếc xe phát hoả. (ảnh minh hoạ)


Chưa hết, quy định đã có và đã được áp dụng, nhưng cho đến lúc này thì hầu hết người dân vẫn cứ “lơ ngơ như bò đội nón”. Luật bắt buộc thì phải chấp hành. Nhưng chấp hành như thế nào thì chẳng ai biết, bởi cũng chẳng có ai nói cho họ biết mà chấp hành. Mua bình ở đâu? Theo tiêu chuẩn nào? To nhỏ cỡ ra sao? Loại nào chống cháy xăng, loại nào chống cháy nhựa?... Nói chung là chẳng ai biết mô tê nào mà lần. Giống câu chuyện cũng từ xảy ra chưa xa với chiếc mũ bảo hiểm, làm sao để phân biệt chất lượng thật giả, làm sao để kiểm soát? Cả xã hội tranh cãi một hồi gay cấn, để rồi tất cả lại chìm vào lãng quên. Đến nay mũ rởm, mũ "đối phó" vẫn được sử dụng tràn lan. Cảnh sát biết đấy, nhưng cũng chẳng có cơ sở nào mà xử lý. Giờ đến lượt cái bình chữa cháy ô tô, cũng rối như tơ vò...

Mua bình để đảm bảo an toàn, nhưng ngược lại, ít nhất là đến thời điểm này, việc trang bị chiếc bình chữa cháy ô tô lại đang là nỗi lo. Lo từ chuyện bình rởm, bình thật; lo chuyện chỗ treo, chỗ đặt; đến lo ngay ngáy khi nào thì bị cảnh sát phạt! Bởi số tiền phạt đâu có nhỏ, tới nửa triệu lận, cũng cỡ “2-3 bữa nhậu của người Việt Nam” chứ chả chơi. Nhưng trên hết đó là có quá nhiều người nghĩ rằng nó “vô tác dụng”, bởi loại bình chữa cháy mini chỉ có tác dụng với đám cháy nhỏ, mới khởi phát, dạng như xe mới bén lửa xì khói thì phun ngay. Chứ còn khi đám cháy bùng lên, hoặc ở chỗ nguy hiểm thì cái bình bằng nắm tay phỏng làm được gì? Đó là chưa kể lái xe là nam giới hay đàn bà, chưa kể kẻ bạo, người nhát ...


Còn nhớ, 2-3 năm trước, dư luận xôn xao khi trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe ô tô. Cũng đã có những nhà chuyên môn vào cuộc điều tra, và cuối cùng cũng có một bản kết luận “chấn an dư luận” rằng do chất lượng xăng. Không biết đó có là nguyên nhân thật hay là “oan” cho ngành xăng dầu. Bởi cũng chẳng hiểu sao, xe ồ ạt rủ nhau cháy rồi cũng đột ngột “không buồn cháy” nữa. Đến nay, hoạ hoằn lắm ta mới lại được nghe đến một vụ cháy xe.

Vậy là từ những vụ cháy xe dẫn đến có quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy. Có lẽ cũng vì chưa rõ cái gì là nguyên cháy cao nhất để mà chống, nên trách nhiệm đành đổ lên đầu chiếc bình mini. Dù cũng chẳng ai nói rõ vì sao cái bình lại phải chịu “trách nhiệm”, và chịu “trách nhiệm” như thế nào? Chỉ “béo” dân buôn, đang ế chỏng chơ thì bỗng dưng bình đắt như tôm tươi. Những kẻ không bán bình cũng đã lập tức “thích nghi” ăn theo bằng cách bán… “tem đảm bảo”. Còn người dân, dù ủng hộ một biện pháp phòng cháy chữa cháy, nhưng chưa được giải thích thấu đáo nên vẫn “hoang mang xì tai”. Thôi thì.. đành tặc lưỡi: Có hơn 100k một bình thôi mà, cứ mua một cái cho đỡ lằng nhằng. Còn nếu cháy, thì khôn hơn cả vẫn cứ là “chạy cho nhanh” mới là giải pháp an toàn nhất!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Oan cho cái bình chữa cháy?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.