Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Siêu tăng” Armata

Phương Quỳnh| 28/06/2015 06:32

(HNM) - Tham gia lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng phát xít (9-5) trên Quảng trường Đỏ của Nga, chiếc siêu xe tăng Armata đã làm tốn không ít giấy mực của cánh báo chí.

Những ngày gần đây, thông tin về chiếc xe tăng này có thể được nâng cấp thành robot chiến đấu càng thu hút sự quan tâm của giới quân sự trên thế giới.


Armata là một dự án chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Nga và được phát triển từ năm 2011. Quân đội Nga lần đầu giới thiệu mô hình Armata vào năm 2013 để một năm sau phiên bản thử nghiệm được "trình làng". Mặc dù nằm trong đội hình tham gia diễu binh kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít vừa qua, song những chiếc xe tăng Armata với đầy đủ tính năng sẽ được bàn giao hàng loạt từ năm 2017 đến 2018.

Theo trang thông tin quân sự Military-today, Armata sẽ là át chủ bài thay thế các mẫu xe tăng T-72, T-80 và T-90 đã lỗi thời của Nga. Một chiếc Armata điển hình dự kiến do một đội hai người điều khiển. Nếu thông tin này chính xác thì Armata sẽ là chiếc MBT với đội lái ít thành viên nhất tính đến nay.

Các loại xe tăng cũ của Nga thường do đội 3 người vận hành, trong khi hầu hết những mẫu của Châu Âu cần tới 4 người. Việc giảm số thành viên trong đội giúp thu nhỏ kích cỡ và tăng cường khả năng bảo vệ của xe. Đội lái nhiều khả năng được bố trí ngồi trong khoang bọc thép, tách biệt hoàn toàn với hệ thống nạp đạn tự động và kho đạn dược.

Một số báo cáo cho biết, Armata sử dụng các loại vũ khí được phát triển mới, làm từ thép, sứ và vật liệu composite. Loại xe này có thể được lắp đặt lớp giáp chống nổ (ERA) Malakhit nhằm đối phó các loại đạn phá giáp. Armata cũng có cơ chế chống các tác nhân hóa học, sinh học, hạt nhân và hệ thống chống cháy tự động. Hỏa lực của Armata được nâng cao pháo nòng trơn 2A82 125mm, gắn trên tháp pháo không người lái. Ngoài ra, Armata còn có thể khai hỏa tên lửa dẫn đường chống tăng với cự ly 5km và đủ sức bắn hạ những loại máy bay trực thăng tầm thấp.

Một trong những công nghệ quan trọng nhất của Armata là chế độ phòng vệ chủ động Afganit, dùng radar để phát hiện các loại đạn như đạn súng phóng lựu hay tên lửa. Khi hỏa lực đối phương tiếp cận, hệ thống lập tức kích hoạt tên lửa đánh chặn, tiêu diệt đầu đạn, bảo đảm an toàn cho xe tăng. Bên cạnh đó, Armata được trang bị lớp giáp cực kỳ chắc chắn, không loại đạn pháo tăng hay tên lửa chống tăng nào trên thế giới hiện nay có thể xuyên thủng được.

Cách đây ít ngày, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng của Nga còn cho biết, chiếc xe có thể được gắn hệ thống điều khiển từ xa để trở thành robot chiến đấu. Với nhiều tính năng ưu việt, nhiều quốc gia đã tính đến chuyện đặt hàng mua Armata. Theo nhiều nguồn tin từ Nga, Ai Cập sẽ là khách hàng đầu tiên được sở hữu chiếc siêu tăng hiện đại này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Siêu tăng” Armata

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.