Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trigana Air - Hãng hàng không tử thần

Phương Chi| 23/08/2015 07:30

(HNM) - Thảm kịch hàng không tại vùng núi hẻo lánh tỉnh Papua (Indonesia) ngày 16-8 làm toàn bộ 54 người thiệt mạng gây cú sốc lớn với dư luận. Thế nhưng, nhìn lại hồ sơ của chiếc máy bay xấu số và cả lịch sử của Hãng Hàng không Trigana Air thì tai nạn là một hậu quả đã được cảnh báo từ trước rất lâu.

Thành lập tháng 10-1991, Trigana Air hoạt động dịch vụ nội địa Indonesia với 40 điểm đến. Khởi điểm chỉ có 2 máy bay Beechcraft B200C King Air sản xuất từ năm 1972, sau chưa đầy một năm kể từ ngày thành lập, Hãng đã dính tai nạn đầu tiên vào ngày 8-9-1992 khi chiếc máy bay loại DHC-6 Twin Otter 100 bị lỗi trong lúc cất cánh tại vùng Pogapa (Indonesia).

Tuy chỉ làm 2 người bị thương, nhưng chiếc máy bay bị hư hỏng hoàn toàn. Sau 2 năm yên ổn, đến ngày 19-3-1994, lại một chiếc DHC-6 của Trigana Air dính tai nạn khi đang cất cánh khiến 2 người bị thương. Vụ tai nạn đầu tiên liên quan tới máy bay Trigana Air làm hành khách thiệt mạng xảy ra vào ngày 4-11-1994 khi một chiếc DHC-6 va vào vách núi. Nạn nhân gồm 2 hành khách và 2 phi công. Năm 1997 có lẽ là năm đen tối nhất của Trigana Air khi dính liền 2 vụ tai nạn. Trong đó, đáng chú ý là vụ rơi máy bay loại Fokker F27 600 khi đang bay từ Bandung tới Jakarta khiến 28 người chết và 22 người bị thương.

Loại máy bay vừa gặp nạn là ATR 42-300, được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến năm 1996. Đây là dòng máy bay động cơ 2 cánh quạt. Điều đáng quan tâm nhất là loại máy bay này không được hỗ trợ công nghệ giám sát máy bay hiện đại qua vệ tinh. Hiện, Trigana Air đang sở hữu 15 máy bay gồm: 9 máy bay ATR và 5 máy bay Boeing, với tuổi thọ trung bình lên tới 26,6 năm. Sau 24 năm hoạt động, Trigana Air khiến bất cứ hành khách nào định bước chân lên máy bay của hãng cũng phải "choáng" với "kỷ lục": 15 vụ tai nạn, làm hư hỏng hoàn toàn 10 chiếc máy bay. Trigana Air đã đưa tên mình vào danh sách các hãng hàng không khủng khiếp nhất thế giới. Mặc dù chỉ chuyên bay nội địa Indonesia, nhưng do không đạt các điều kiện tối thiểu về an toàn hàng không, từ năm 2007, Hãng Hàng không Trigana Air đã bị Liên minh Châu Âu (EU) đưa vào danh sách cấm hoạt động tại các nước thành viên EU.

Bất chấp mọi rủi ro, Trigana Air vẫn tồn tại và có khách vì giá cạnh tranh. Chỉ đến khi thảm kịch ngày 16-8 diễn ra, nhiều dấu hỏi lớn mới được đặt ra về những chuyến bay tử thần của hãng hàng không này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trigana Air - Hãng hàng không tử thần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.