Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tròn 14 năm ngày Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố

An Hy| 08/10/2015 00:49

(HNMO) - Vào ngày 7/10/2001, chưa đầy một tháng sau khi các phần tử khủng bố al-Qaeda lái máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới và trụ sở Lầu Năm Góc (11/9), Tổng thống George W. Bush đã chính thức phát động cuộc chiến tranh chống khủng bố tại Afghanistan.

Cuộc chiến chông khủng bố của Mỹ được phát động ngày vào 7/10/2001,


Afghanistan – mặt trận đầu tiên của cuộc chiến chống khủng bố

Mục tiêu của Chiến dịch Tự do Vĩnh cửu - tên gọi chính thức cho sứ mệnh của Mỹ tại Afghanistan - là dập tắt chế độ Taliban Hồi giáo cực đoan ở nước này và tiêu diệt thủ lĩnh của tổ chức khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden, trùm khủng bố khét tiếng người Ả Rập luôn kêu gọi thuộc hạ của mình tiêu diệt người Mỹ.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tối ngày 7/10/2001, Tổng thống Bush thông báo trước công chúng Mỹ: các kế hoạch tấn công đã được chuẩn bị kỹ càng để nghiền nát lực lượng quân sự của al-Qaeda và Taliban, với sự trợ giúp của quân đội các nước Anh, Canada, Úc, Đức và Pháp. 40 quốc gia khác trên thế giới đã cung cấp thông tin tình báo, cũng như cho phép Mỹ đặt cơ sở để tiến hành các hoạt động của mình.

Tổng thống Bush đã nhấn mạnh những nỗ lực đa quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố như là một bằng chứng cho thấy nước Mỹ, đằng sau các cuộc tấn công hôm 11/9, đã “được hỗ trợ bởi ý chí tập thể của thế giới.” Ông cũng cảnh báo rằng cuộc chiến ở Afghanistan nhiều khả năng sẽ chỉ là mặt trận đầu tiên trong cuộc đấu tranh lâu dài chống chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Bush hứa hẹn sẽ tiếp tục tiến hành cái mà ông gọi là “chiến tranh chống khủng bố” với các nước bảo trợ, nuôi dưỡng, hoặc đào tạo các lực lượng khủng bố.

13 năm dai dẳng

Với cam kết tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda - Osama bin Laden, đầu tiên Mỹ đã phái hàng trăm quân tới Afghanistan để lật đổ chính phủ Taliban (vốn che chở cho Bin Laden), sau đó chế ngự phong trào nổi dậy do Taliban dẫn đầu.

Không lâu sau khi bắt đầu cuộc chiến, Kabul và chính quyền Taliban theo đường lối cứng rắn mau chóng sụp đổ mà không gây nhiều thương vong cho quân Mỹ.

Tuy nhiên, sau đó Tổng thống George W. Bush lại điều quân sang Iraq, việc này khiến các đồng minh NATO của Mỹ thiếu hỏa lực, tạo điều kiện cho Taliban lớn mạnh và trở thành mối đe dọa quân sự vào năm 2006.

Khi Tổng thống Hamid Karzai được phương Tây hậu thuẫn lên nắm quyền, khoảng 130.000 quân từ 50 quốc gia đã được triển khai tới Afghanistan để giúp đỡ chính phủ của nhà lãnh đạo này.

Ngày 2/5/2011, Osama bin Laden bị lực lượng quân đội Mỹ tiêu diệt trong một cuộc đột kích vào khu ẩn náu ở Pakistan. Mục tiêu ban đầu của Chiến dịch Tự do vĩnh cửu đã đạt được, tuy nhiên những làn sóng bạo lực lại nổ ra ở Afghanistan khiến cho tình hình quốc gia này tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cuộc chiến này đã gây ra tổn thất lớn không chỉ cho người dân Afghanistan mà cả các bên tham chiến. Trong vòng 14 năm, từ khi phát động cuộc chiến tại Afghanistan, đến nay đã có hơn 2.300 lính Mỹ bị thiệt mạng và hàng chục nghìn binh lính khác bị thương tại quốc gia Tây Nam Á này. Nếu tính kể từ đầu cuộc chiến năm 2001, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng con số thiệt mạng vượt quá 20.000 người.

Nước Mỹ đã thoát khỏi bãi lầy?

Ngày 28/12/2014, Tổng thống Barack Obama tuyên bố từ Hawaii: “Cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đang đi đến một kết thúc có trách nhiệm”, chính thức chấm dứt 13 năm nước Mỹ sa lầy vào cuộc chiến Afghanistan. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ cắt giảm quân ở Afghanistan xuống còn 9.800 người vào đầu năm 2015 và sẽ rút quân hoàn toàn vào cuối năm 2016.

Với tuyên bố chấm dứt sứ mệnh tác chiến, khoảng 12.500 lính Mỹ và binh lính các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở lại Afghanistan cho tới năm 2016 để tham gia một chương trình mới mang tên: “Hỗ trợ Quyết đoán ” - có nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện cho các lực lượng bản địa và chống sự nổi dậy của các tay súng Taliban.

Kể từ tháng 6/2015 tới nay, mặc dù Tổng thống Obama đã tuyên bố chấm dứt sứ mệnh của Mỹ tại Afghanistan, các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của nước này vẫn tăng gấp đôi số lần tấn công nhằm vào lực lượng Taliban. Các cuộc tấn công không chỉ nhằm vào Taliban, mục tiêu đã được mở rộng đến cả các nước Hồi giáo thành viên và lực lượng IS đang hoạt động ở phần phía đông của đất nước.

Chỉ huy quân đội Mỹ cho rằng các lực lượng Afghanistan có thể đảm trách được vấn đề an ninh trước thách thức Taliban, nhưng nhiều người lo ngại kịch bản Iraq sẽ lặp lại. Tháng 12/2011, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố chấm dứt cuộc chiến Iraq, rút toàn bộ linh Mỹ ra khỏi nước này. Kể từ đó, Iraq rơi vào vòng xoáy bạo lực và nội chiến, khi quân đội Iraq do Mỹ huấn luyện thực tế đã sụp đổ trước sự tấn công của IS.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tròn 14 năm ngày Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.