Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ trộm thế kỷ

Quỳnh Dương| 20/03/2016 08:38

(HNM) - Ngành ngân hàng thế giới vừa phải chứng kiến một vụ trộm sử dụng công nghệ cao lớn nhất trong lịch sử khi 1 tỷ USD suýt rơi vào tay bọn tội phạm.


Điều đáng nói là vụ việc bị ngăn chặn không phải do các lực lượng an ninh phát hiện mà là do lỗi đánh máy của chính các "tin tặc". Tuy nhiên, bọn chúng cũng đã kịp tẩu tán thành công 81 triệu USD.

Số tiền bị đánh cắp vào ngày 5-2 vừa qua nằm trong tài khoản của Ngân hàng trung ương Bangladesh được gửi tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở New York. Sở dĩ, vụ việc đến tận bây giờ mới được dư luận biết đến là do Thống đốc Ngân hàng trung ương Bangladesh Atiur Rahman đã không thông báo với cơ quan chức năng trong suốt hơn một tháng qua. Chính vì điều này, ông A.Rahman đã vừa phải từ chức sau 7 năm gắn bó với chiếc ghế quyền lực nhất ngành ngân hàng Bangladesh.

Theo nguồn tin từ các quan chức cao cấp Bangladesh, các "tin tặc" đã xâm nhập vào hệ thống dữ liệu của Ngân hàng trung ương nước này, đánh cắp thông tin xác thực tài khoản trong các giao dịch chuyển tiền của họ. Sau đó, chúng gửi tới FED hơn 30 lệnh yêu cầu chuyển tiền tới các tổ chức tại Philippines và Sri Lanka. 4 lệnh chuyển tiền với tổng số 81 triệu USD tới Philippines đã được thực hiện trót lọt. Sự việc chỉ được phát hiện khi lệnh chuyển tiền thứ 5 với 20 triệu USD cho một tổ chức phi chính phủ tại Sri Lanka bị đình lại vì các "tin tặc" đã viết sai tên của tổ chức Shalika Foundation thành "Shalika Fandation".

Điều này khiến một ngân hàng trong mạng lưới giao dịch là Deutsche Bank phải liên lạc và xác thực lại với Ngân hàng trung ương Bangladesh. Kết quả là, không có tổ chức phi chính phủ nào có tên "Shalika Fandation" trong danh sách các tổ chức phi lợi nhuận có đăng ký hoạt động tại Sri Lanka. Cùng với đó, các yêu cầu thanh toán và lệnh chuyển tiền với số lượng lớn bất thường, giá trị lên tới 951 triệu USD, tới các tổ chức, cá nhân đã khiến FED nghi ngờ. Cơ quan này đã cảnh báo với chính quyền Bangladesh về sự việc và nhờ đó các giao dịch bị ngừng lại.

Hiện tại, vụ việc đang được lực lượng an ninh các nước liên quan phối hợp điều tra. Kết quả ban đầu cho thấy, số tiền được đổi thành peso và gửi vào tài khoản của một doanh nhân người Trung Quốc gốc Philippines được cho tên là William So Go trước khi chuyển tới hai sòng bạc địa phương. Khoản tiền trên được sử dụng để mua chip casino hoặc bù lỗ tại các điểm kinh doanh như Solaire Resort & Casino và City of Dreams Manila. Cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có khoảng 20 triệu USD được thu hồi về cho Ngân hàng trung ương Bangladesh.

Điều này chỉ ra lỗ hổng của Philippines trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền, phát sinh sau khi các nhà lập pháp thông qua quyết định không buộc các sòng bạc phải báo cáo giao dịch đáng ngờ đến Hội đồng chống rửa tiền. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Philippines Teresita Herbosa cho biết, nước này có thể tái gia nhập "danh sách đen" các nước không hành động triệt để nhằm chống lại nạn rửa tiền.

"Vụ trộm thế kỷ" này cũng là hồi chuông cảnh báo các ngân hàng và doanh nghiệp trên thế giới cần tích cực phát triển và hoàn thiện hệ thống bảo mật thông tin trước tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng trở nên phức tạp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ trộm thế kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.