Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên: Còn không ít bất cập

Linh Nhi| 20/12/2015 06:48

(HNM) - Nét mới nhất của Trung tâm Tư vấn giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội trong thời gian gần đây là tăng cường phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên nói chung, học sinh THPT nói riêng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm TVGTVL Thanh niên, kể từ khi Trung tâm tham mưu với Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội ra Nghị quyết về "Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp tư vấn nghề nghiệp cho lao động trẻ Thủ đô trong tình hình mới", công tác này có khởi sắc rõ rệt.

Mỗi năm, Trung tâm phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho khoảng 2 vạn học sinh THPT, giới thiệu, định hướng nghề nghiệp miễn phí cho đông đảo quân nhân hoàn thành nghĩa vụ. Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị tổ chức các phiên giao dịch định kỳ và thường xuyên góp phần hạn chế các hoạt động giới thiệu việc làm trái pháp luật, lừa đảo người lao động khi đi tìm việc làm...

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên. Ảnh: Bảo Lâm


Liên tục từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Hội Người khuyết tật, Hội Thanh niên khuyết tật thành phố tổ chức dạy tin học, kỹ năng sống miễn phí cho người khuyết tật. Đặc biệt, để giúp được nhiều đối tượng, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục lao động hướng nghiệp thanh niên Hà Nội tổ chức tư vấn nghề nghiệp học viên sau cai nghiện để tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, tại hội thảo tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, các chuyên gia nhận định, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ thất nghiệp cao trong cả nước. Nhu cầu về việc làm lớn nhưng chỗ làm việc trong các thành phần kinh tế có xu hướng tăng chậm, tỷ lệ lao động trẻ chưa qua đào tạo còn cao, việc định hướng nghề nghiệp chưa rõ nên trong quá trình tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, cung ứng lao động của Trung tâm gặp không ít khó khăn.

Hoạt động dịch vụ việc làm là một loại hình mới nên cơ chế quản lý chưa đồng bộ. Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp còn nhiều hạn chế cả về số và chất lượng, chủ yếu mượn địa điểm để tổ chức... Trong đó, việc định hướng nghề cho học sinh lớp 12 còn nhiều bất cập. Điều đáng nói hơn, hiểu biết của các em về đặc điểm các ngành, nghề ở mức trung bình. Hơn thế, sinh viên sau khi ra trường có tới 50 - 80% không tìm được việc làm và phải tìm đến các trung tâm TVGTVL.

Để khắc phục những bất cập đang tồn tại, cần sớm có định hướng lâu dài và cơ chế, chính sách cho hoạt động này, đáp ứng được nhu cầu xã hội. Bà Nguyễn Lâm Thúy, cán bộ Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em VALA chuyên về hướng nghiệp cho rằng, giúp thanh niên, học sinh, sinh viên chọn đúng nghề là việc không đơn giản. Nghề nghiệp không chỉ là con đường sống mà còn là cống hiến cho xã hội. Do đó, cần đẩy mạnh công tác này bằng cách tăng số lượng người được tư vấn; làm tốt khâu tiền trạm để định hướng cho đối tượng những vấn đề cần hỏi để chọn nghề; thời gian tổ chức tư vấn phải sớm hơn, tránh tình trạng các em đã có sự lựa chọn mới tư vấn.

Nhiều ý kiến đề xuất, nên tổ chức hoạt động du lịch nghề nghiệp, giúp các em được trải nghiệm, trau dồi làm kỹ năng mềm cho bản thân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập huấn kiến thức tư vấn hướng nghiệp cho cán bộ đoàn các cấp, nhất là cơ sở để tổ chức đoàn phát huy vai trò trong định hướng, tư vấn nghề nghiệp, giúp đoàn viên, thanh niên, học sinh có sự lựa chọn đúng, bảo đảm tương lai tươi sáng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên: Còn không ít bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.